Agribank ưu tiên “rót vốn” khu vực Trung du và miền núi phía Bắc
Tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, nguồn vốn tín dụng chính sách của Agribank hiện đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp các tỉnh trong khu vực thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Tính đến 31/7/2019, tổng nguồn vốn của Agribank trên địa bàn đạt 129.940 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 133.173 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ nền kinh tế của Agribank.
Chủ động tham gia các chương trình chính sách đặc thù
Theo ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank, thời gian qua, Agribank không chỉ phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, mà còn tích cực, chủ động tham gia các chương trình chính sách đặc thù và chương trình mục tiêu quốc gia nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương. Cụ thể, trên địa bàn khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Agribank đã chủ động tham gia triển khai một số chương trình chính sách cụ thể sau:
- Cho vay nông nghiệp, nông thôn: Đạt trên 104.529 tỷ đồng chiếm 78,4% tổng dư nợ nền kinh tế khu vực, đạt 15% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc của Agribank. Đây cũng là chương trình tín dụng chính sách được Agribank tập trung ưu tiên triển khai, với kết quả cho vay luôn tăng trưởng năm sau cao năm trước.
- Chương trình cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ (Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP): Agribank đưa ra các chính sách ưu đãi đối với khách hàng trên địa bàn như mức cho vay không bảo đảm đối với từng đối tượng khách hàng, góp phần đẩy mạnh đầu tư tín dụng trên địa bàn.
- Chương trình cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch (theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ): Agribank đã triển khai tại 12 chi nhánh, với dư nợ đạt 86 tỷ với trên 513 khách hàng.
- Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo (tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP): Dư nợ của Agribank trên địa bàn 05 tỉnh Lào Cai, Bắc Cạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Phú Thọ đạt khoảng 546 tỷ đồng, chiếm 40,3% dư nợ cho vay trong toàn hệ thống Agribank.
- Đầu tư xây dựng các công trình từ nguồn vốn hỗ trợ của Agribank: Hoạt động này đã hỗ trợ thiết thực cho các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, qua đó tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững.
- Cho vay hỗ trợ nhà ở (theo Nghị quyết số 02/NQ-CP 07/01/2013 của Chính phủ): Agribank hiện đang triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở tại 10 chi nhánh trên địa bàn, với dư nợ đạt 267 tỷ đồng, chiếm 17,3% dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở toàn quốc của Agribank.
- Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Là chương trình tín dụng chính sách trọng điểm được Agribank ưu tiên dành nguồn vốn lớn để triển khai có hiệu quả trên địa bàn với dư nợ cho vay đạt trên 33.055 tỷ đồng. Việc chú trọng đầu tư cho vay xây dựng nông thôn mới của Agribank tại khu vực này đã thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh của người dân, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hơn hết, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã giúp người dân mạnh dạn mở rộng đầu tư, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo…
Tiếp tục cung ứng kịp thời nguồn vốn
Agribank đang nỗ lực chung tay cùng ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt việc cung ứng vốn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân, giúp người dân có điều kiện chuyển đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên làm giàu trong cuộc sống.
Cụ thể, tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, thời gian tới, Agribank tiếp tục thực hiện chính sách cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên khác theo chỉ đạo của Chính phủ; Duy trì dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; Đa dạng hóa cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng khách hàng, đảm bảo tăng trưởng về quy mô phù hợp với cân đối vốn, gắn với kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng; Xử lý và kiểm soát nợ xấu có hiệu quả, hạn chế nợ xấu phát sinh…
Cùng với đó, Agribank sẽ chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực như cho vay qua tổ nhóm để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân. Cụ thể, thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp Hội (Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ) thực hiện có hiệu quả thỏa thuận liên ngành; Triển khai cho vay qua tổ vay vốn/tổ liên kết; Tổ chức triển khai cho vay qua tổ cho vay lưu động; Áp dụng phương thức cho vay hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh có nghề nghiệp ổn định.
Đặc biệt, Agribank tiếp tục nghiên cứu có giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng, tạo thuận lợi tối đa để người dân kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn dễ dàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.