Agribank chung tay triển khai hiệu quả chính sách phát triển kinh tế biển
Là quốc gia nằm ven Biển Đông, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển. Phát huy vai trò chủ lực của ngân hàng thương mại đối với sự nghiệp “tam nông” và nền kinh tế đất nước, trong nhiều năm qua, Agribank luôn dành sự quan tâm cùng hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế biển thông qua cho vay phát triển thủy sản, đồng hành cùng ngư dân cả nước, triển khai nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương…
Trên 35.000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản
Là ngân hàng thương mại (NHTM) 100% vốn nhà nước, trong nhiều năm qua, Agribank luôn tiên phong triển khai đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính sách phát triển thủy sản. Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay phát triển kinh tế biển, dư nợ cho vay phát triển thủy sản của Agribank tại thời điểm 31/12/2018 đạt trên 35.000 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ cho 12.000 tàu xa bờ vươn khơi bám biển, đầu tư hỗ trợ người dân ven biển nuôi trồng thủy sản... Chỉ tính riêng chương trình tín dụng theo Nghị định 67/NĐ-CP (nay là Nghị định 17/2018/NĐ-CP) về chính sách phát triển thủy sản, Agribank triển khai đạt gần 6.000 tỷ đồng. Nhiều đội tàu công suất lớn hiện đại trên cả nước được hình thành từ nguồn vốn này. Đến nay, Agribank đã cho vay 622 tàu đóng mới nâng cấp theo Nghị định 67/NĐ-CP trên địa bàn 27 tỉnh ven biển, trong đó: 424 tàu đóng mới khai thác hải sản; 105 tàu đóng mới dịch vụ hậu cần; 93 tàu nâng cấp đóng mới.
Bên cạnh tiên phong, chủ lực cho vay phát triển thủy sản, toàn hệ thống Agribank triển khai nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương. Đến nay, Agribank là Ngân hàng duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo: Cô Tô, Cát Bà, Cát Hải, Vân Đồn, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc và Kiên Hải.
Trước đó, ngay khi Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Agribank đã ngay lập tức phối hợp bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “vào cuộc”, triển khai đồng bộ các giải pháp. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, toàn hệ thống Agribank tích cực “vào cuộc”, tham gia các đoàn công tác của NHNN trong các chuyến đi về vùng biển, tiếp xúc lắng nghe ý kiến của ngư dân, tham gia các hội nghị có liên quan của NHNN tổ chức để nắm bắt, lĩnh hội các ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương… Các chi nhánh của Agribank trong hệ thống với ưu thế mạng lưới phủ sóng xuống tận xã, phường, thị trấn, cán bộ tín dụng bám sát địa bàn, đã gặp gỡ trực tiếp với những ngư dân có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục. Chi nhánh Agribank ở các địa phương giáp biển đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và tiếp cận với khách hàng có nhu cầu vay vốn đóng tàu để tư vấn các quy định của Agribank.
Từ tiên phong, nghiêm túc triển khai chủ trương của Đảng về chiến lược biển Việt Nam và chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, Agribank cùng hệ thống chính trị đã tạo nên “điểm tựa” vững chắc, tạo điều kiện, mở ra cơ hội thuận lợi để ngư dân cả nước đầu tư, nâng cấp tàu cá công suất lớn cùng với thiết bị công nghệ hiện đại, có đủ năng lực vươn ra khơi xa đánh bắt thủy sản, làm giàu từ biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển
Với quyết tâm cùng cả hệ thống chính trị triển khai thành công Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển…; Thực hiện nhiệm vụ chính trị của NHTM nhà nước, Agribank sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách phát triển thủy sản, cùng các bộ, ngành, địa phương, ngư dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển và vươn ra các vùng đảo của quốc gia.
Agribank cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách tín dụng xanh, cũng như dành nguồn lực phù hợp để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường biển, qua đó góp phần phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, một mục tiêu quan trọng của Chiến lược biển Việt Nam.