Ấn Độ áp thuế với thép Việt, doanh nghiệp thép nào ít bị ảnh hưởng nhất?


Ấn Độ hiện là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhu cầu thép cao nhất thế giới và là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ 4 của Việt Nam.

Xuất khẩu thép sang Ấn Độ hiện chiếm 6,5% tổng sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam.
Xuất khẩu thép sang Ấn Độ hiện chiếm 6,5% tổng sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam.

Hãng tin Reuters cho biết, Bộ Tài chính Ấn Độ vừa ban hành sắc lệnh về việc áp dụng mức thuế từ 12% - 30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam, như ống thép và ống thép không gỉ hàn, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa.

Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 462.000 tấn sắt thép, trị giá 429 triệu USD sang Ấn Độ, tăng 15% về lượng và tăng 40% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân 8 tháng sang Ấn Độ đạt 927 USD/tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ.

Riêng trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 164.000 tấn sắt thép, trị giá 117 triệu USD, tăng 256% về lượng và tăng 211% về kim ngạch so với tháng 8/2023.

Ấn Độ hiện được đánh giá là một trong những thị trường có nhu cầu sử dụng thép tăng nhanh nhất thế giới trong thời gian tới. Tuy nhiên, Chính phủ nước này đang đẩy mạnh chiến dịch ”Người Ấn Độ mua hàng Ấn Độ”, nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp nước này cần ưu tiên sử dụng hàng hoá nội địa thay vì sản phẩm nhập khẩu.

Trước đó vào cuối tháng 8, Ấn Độ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), bao gồm thép không hợp kim và thép hợp kim, nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đánh giá sơ bộ của Chứng khoán Dầu khí (PSI), hoạt động xuất khẩu théo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong trung và dài hạn. Các biện pháp áp thuế chống bán phá giá của nhiều thị trường thép lớn như EU hay Ấn Độ đã cho thấy xu hướng bảo hộ ngành thép nội địa đang diễn ra mạnh hơn trên thế giới.

Xuất khẩu thép sang EU và Ấn Độ lần lượt chiếm khoảng 24,3% và 6,5% trong tổng sản lượng tiêu thụ thép của cả nước, lần lượt đứng thứ 2 và thứ 4 trong số các thị trường nhập khẩu thép của Việt Nam.

“Với việc cả EU và Ấn Độ cùng tiến hành thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại thì tỷ trọng xuất khẩu thép của Việt Nam sang hai thị trường này sẽ giảm xuống, và có thể làm giảm tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước, trong đó các mặt hàng như thép HRC hay ống thép đóng góp phần lớn vào mức giảm này”, Chứng khoán Dầu khí nhận định.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong số các doanh nghiệp thép niêm yết, Chứng khoán Dầu khí nhận định Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG) có thể là đơn vị ít bị ảnh hưởng nhất từ việc Ấn Độ áp thuế do tập đoàn này có khả năng xuất khẩu đa dạng các mặt hàng thép, từ thép xây dựng, HRC, ống thép, đến tôn mạ.

Ngoài ra, tệp khách hàng quốc tế của Tập đoàn Hoà Phát  rất đa dạng, chủ yếu các đơn hàng xuất khẩu của tập đoàn này hiện đi tới các nước ASEAN, EU hay Mỹ, do vậy tác động từ việc áp thuế của Ấn Độ là không cao.

Cũng theo Chứng khoán Dầu khí, giá xuất khẩu thép bình quân của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 927 USD/tấn trong 8 tháng đầu năm nay, cao hơn nhiều so mức 450 - 500 USD/tấn tại Việt Nam. Do vậy, các nhà sản xuất thép và các sản phẩm từ thép ở Việt Nam sẽ nhắm đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có mức giá thị trường không quá chênh lệch, nhằm tránh rủi ro vướng phải các biện pháp bảo hộ thép nội địa.

Theo Tạp chí Công thương