An Giang tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng


Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định “Đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch” là một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ và trong giai đoạn đầu tư công trung hạn năm 2021 - 2025, tỉnh An Giang lựa chọn 58 công trình giao thông trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương (gần 3.700 tỷ đồng).

Cầu Châu Đốc. Ảnh: Thu Thảo
Cầu Châu Đốc. Ảnh: Thu Thảo

Hiện thực hóa khâu đột phá

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện trong suốt nhiệm kỳ. Đây là ưu tiên hàng đầu khi phân bổ phần lớn ngân sách, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển KTXH và nhu cầu đi lại của người dân. Từ đầu nhiệm kỳ và trong giai đoạn đầu tư công trung hạn năm 2021  - 2025, tỉnh lựa chọn 58 công trình giao thông trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương (gần 3.700 tỷ đồng).

Ngoài ra, tỉnh An Giang còn tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư 9 công trình giao thông trọng điểm, có tính liên vùng, liên tỉnh, nội tỉnh (tổng vốn đầu tư hơn 5.511 tỷ đồng), như: Tuyến đường liên kết vùng N1 đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đến huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) (Đường tỉnh 945); nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 948 thuộc tuyến quốc phòng - an ninh vùng biên giới và dân tộc giai đoạn 2; nâng cấp Đường tỉnh 958 (Tri Tôn - Vàm Rầy), đường Kênh Long Điền A - B (huyện Chợ Mới).

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm, tỉnh được Trung ương phân bổ 8.908 tỷ đồng để đầu tư 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế, nông nghiệp và giao thông. Trong đó, bố trí 8.485 tỷ đồng thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (đoạn qua địa phận tỉnh An Giang). Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh đang gấp rút thi công. Như vậy, tổng số vốn bố trí đầu tư 69 công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là 17.691 tỷ đồng, chiếm 50% tổng vốn đầu tư công trong giai đoạn này.

Tỉnh An Giang đã huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách từ các nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), huy động đóng góp của Nhân dân để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông liên huyện, liên xã, giao thông nông thôn, kết nối với tuyến đường liên tỉnh, liên vùng, tạo thành hệ thống giao thông liền mạch, thông suốt. Trong đó, triển khai hiệu quả Đề án 426 xã hội hóa cầu giao thông nông thôn. Từ năm 2021 - 2022, tỉnh huy động xây dựng, đưa vào sử dụng 102 cầu (vượt 23 cầu), tạo điều kiện thuận lợi phát triển KTXH địa phương.

Đòn bẩy phát triển

“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh ưu tiên tối đa nguồn lực ngân sách từ Trung ương đến địa phương, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Đây là nền tảng, đòn bẩy và động lực to lớn để khai thông tiềm năng, lợi thế phát triển KTXH; tạo bước đột phá trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước bày tỏ.

Lễ hợp long cầu Châu Đốc. Ảnh: Thu Thảo
Lễ hợp long cầu Châu Đốc. Ảnh: Thu Thảo

Để phát triển KTXH của tỉnh An Giang, việc đầu tư kết cấu hạ tầng trong thời gian tới tiếp tục bám sát định hướng phát triển của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, lấy tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng làm trục huyết mạch, Quốc lộ 91, N1, 80B, 91C làm trục chính, cho phép Đường tỉnh 943, 941, 945, 948, 953, 954, 957 đấu nối vào, tạo thành mạng lưới giao thông liền mạch, đồng bộ, thông suốt.

Từ đó, mở rộng không gian phát triển, tạo động lực mới, làm đòn bẩy phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và phát triển kinh tế khu vực biên giới. Đồng thời, gắn liền việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường bộ với những công trình hiện đại theo quy hoạch tỉnh… là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong suốt nhiệm kỳ.

Tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics, cảng sông phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa quy mô lớn. Tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu, tạo quỹ đất sạch, tạo nền tảng vững chắc mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, như: Đô thị, thương mại - dịch vụ, du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, công nghiệp chế biến, chế tạo và may mặc. Qua đó, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, tăng thu ngân sách, tạo nguồn lực tái đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển KTXH gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Theo Thu Thảo/Báo An Giang