Gỡ vướng về điều kiện phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm
Để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở triển khai nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là các dự án sẽ được giao vốn từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 còn lại, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Vướng mắc liên quan đến điều kiện phân bổ kế hoạch vốn
Thời gian qua, căn cứ Quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra tình hình phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương làm cơ sở để giải ngân cho các dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra phân bổ giải ngân vốn, Bộ Tài chính đang gặp vướng mắc liên quan đến điều kiện phân bổ kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án.
Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), về việc giao vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, Luật Đầu tư công quy định, vốn chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án. Vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch được bố trí để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Vốn thực hiện dự án được bố trí để giải phóng mặt bằng, lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán của dự án hoặc hạng mục của dự án, tổ chức thi công và các công việc khác theo quyết định phê duyệt dự án.
Cũng theo Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm tổng số vốn và cơ cấu vốn NSNN cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công, mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và đối tượng đầu tư công khác nguồn vốn ngân sách trung ương.
Vụ trưởng Dương Bá Đức cho biết, Điều 51 Luật Đầu tư công đã quy định về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án. Theo đó, việc bố trí vốn kế hoạch cho chương trình, dự án khởi công mới phải đáp ứng yêu cầu là chương trình, dự án cần thiết, có đủ điều kiện được bố trí vốn kế hoạch theo quy định tại Điều 52, 53 của Luật này.
Điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm là chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án đầu tư công khẩn cấp; Chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Như vậy, theo quy định của Luật Đầu tư công, điều kiện để dự án, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm là các dự án, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đối với dự án khởi công mới thì phải được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Cần hướng dẫn cụ thể để thống nhất thức hiện
Trao đổi về tình hình thực tế hiện nay đối với việc giao vốn nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức thông tin, khi đề xuất nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, các bộ, cơ quan trung ương đã đề xuất nhu cầu vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư tách riêng với danh mục vốn thực hiện dự án. Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 về giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, tại Quyết định giao vốn của Thủ tướng Chính phủ, ngoài một số bộ, cơ quan trung ương được giao riêng danh mục nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư hoặc giao riêng một phần danh mục các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư thì có nhiều bộ, cơ quan trung ương chỉ được giao danh mục dự án khởi công mới (không tách riêng nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư). Do đó, hiện nay các bộ, ngành này không có vốn để làm công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án. Việc này đã ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tur.
Do việc thực hiện chuẩn bị đầu tư cần được ưu tiên trước một bước làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, vì vậy tại văn bản phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ kế hoạch vốn để chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới. Tuy nhiên, do các dự án này chưa có trong danh mục nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao nên không đủ điều kiện theo quy định.
Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, từ tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Văn bản số 2980/BTC-ĐT ngày 31/3/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc trong liên quan đến điều kiện phân bổ kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là các dự án sẽ được giao vốn từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại.