Án lệ mới về xác định thời hạn trả thưởng xổ số
Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao vừa ban hành thêm 7 án lệ mới, trong đó có án lệ về việc xác định thời hạn trả thưởng xổ số kiến thiết.
Trong các vụ án tranh chấp về trả thưởng xổ số kiến thiết giữa người trúng thưởng với công ty xổ số thì tranh cãi lớn nhất là các bên không thống nhất được thời điểm để tính thời hạn 30 ngày lĩnh thưởng của tờ vé số.
Có ý kiến cho rằng, ngày quay thưởng được tính là 1 ngày trong thời hạn 30 ngày nhưng có lập luận cho rằng, ngày đầu tiên để tính thời hạn lĩnh thưởng là ngày liền kề của ngày quay thưởng.
Nguồn án lệ là Quyết định giám đốc thẩm ngày 5/9/2022 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp trả thưởng tiền xổ số kiến thiết giữa nguyên đơn là ông Thái Hữu T. và bị đơn là Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết A.
Hồ sơ thể hiện, ngày 29/10/2020, ông Thái Hữu T. mua tờ vé số ký hiệu AG-10K5 mang số F123007, trúng giải thưởng 2 tỷ đồng do Công ty A. phát hành. Do bận công việc nên vào ngày quay số, ông T. không theo dõi và sau khi quay số cũng không dò số.
Đến 22h ngày 28/11/2020, ông T. mới dò số thì phát hiện mình trúng thưởng. Ngay hôm sau, ông T. mang vé số trúng thưởng đến công ty nhưng do là ngày chủ nhật nên công ty không làm việc.
Ông T. gặp bảo vệ và nhân viên phòng trả thưởng – kho quỹ để nhận thưởng nhưng không được. Ông T. được hướng dẫn làm các thủ tục xin xác nhận lý do trễ hạn.
Theo hướng dẫn, ông T. đã làm đơn trình bày lý do trễ hạn nộp cùng toa thuốc của mẹ ông vì trong thời gian sau khi mua vé số, ông phải đưa mẹ ông đi điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, công ty xác định ngày cuối cùng của thời hạn lĩnh thưởng là ngày 27/11/2020.
Không đồng ý với giải thích trên, ông T. khởi kiện ra tòa án. Ông T. cho rằng, ngày cuối cùng của thời hạn lĩnh thưởng là ngày 28/11/2020 nhưng ngày này rơi vào thứ Bảy nên hạn chót phải là ngày 30/11/2020. Ông T. đề nghị tòa án buộc công ty phải trả thưởng 2 tỷ đồng.
Công ty giải thích, theo Thể lệ tham gia dự thưởng vé sổ số của công ty ban hành kèm theo Quyết định số 22 ngày 4/3/2020 được đăng công khai, Thông tư số 75/2013/TT-BTC ngày 4/6/2013 của Bộ Tài chính, các nghị định hướng dẫn về hoạt động xổ số và khoản 1, Điều 145 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì ngày quay thưởng được tính là 1 ngày trong thời hạn 30 ngày lĩnh thưởng.
Do đó, ngày kết thúc thời hạn lĩnh thưởng là người 27/11/2020 (ngày mở thưởng là 29/10/2020). Ông T. chính thức gửi đơn và tờ vé số để lĩnh thưởng vào ngày 1/12/2020 là quá thời hạn lĩnh thưởng.
Công ty có công văn trao đổi với Bộ Tài chính và nhận được công văn phúc đáp thể hiện: “Đối với kỳ vé mở thưởng ngày 29/10/2020 thì ngày kết thúc lĩnh thưởng là ngày 27/11/2020. Quá thời hạn trên, vé số trúng thưởng không còn giá trị lĩnh thưởng”.
Năm 2021, tòa sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. Sau khi ông T. kháng cáo, tòa phúc thẩm đã tuyên buộc công ty phải trả thưởng cho ông T. Không đồng tình với bản án phúc thẩm, công ty có đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cấp giám đốc thẩm cho rằng, theo khoản 1, điều 12 Thể lệ tham gia dự thưởng, công ty “xác định thời hạn kết thúc trả thưởng là ngày 27/11/2020” là không phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015.
Theo Hội đồng thẩm phán, công ty chấp nhận quy định chung về thời hạn để tính trúng thưởng là “ngày”. Còn khoản 2, điều 147 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định”.
Như vậy, trong trường hợp này phải xác định ngày bắt đầu tính thời hạn của tờ vé số là ngày 30/10/2020. Theo khoản 1, khoản 5 và khoản 6, Điều 148 Bộ luật Dân sự 2015: “Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc 24h của ngày đó”.
Với căn cứ trên, Hội đồng thẩm phán xác định, tờ vé số của ông T. nằm trong thời hạn 30 ngày, do đó bản án phúc thẩm là có căn cứ pháp luật.