An toàn thực phẩm phải kiểm tra từ nguồn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thực phẩm sạch không chỉ là mong muốn của người tiêu dùng mà còn là trăn trở của các bộ, ban, ngành chức năng. Đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được đầu tư, triển khai và nhân rộng. Nhưng để người tiêu dùng được dùng thực phẩm bảo đảm chất lượng, các ngành chức năng phải vô tư và kiểm soát chặt từ nguồn sản xuất.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Trong bối cảnh người tiêu dùng rất lo lắng về mức độ an toàn của nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến, đại diện Công ty VISSAN cho biết, doanh nghiệp chú trọng phát triển sản phẩm có truy xuất nguồn gốc để bảo đảm chuỗi giá trị kinh tế và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Để thực hiện được mục tiêu này, hiện VISSAN đã đầu tư cụm công nghiệp riêng biệt bao gồm vùng chăn nuôi nguyên liệu (kể cả con giống và thức ăn gia súc), với 6 nhà máy các loại sản phẩm.

Công ty phát triển hệ thống kênh phân phối trên toàn quốc nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa ngành thực phẩm vào năm 2020. Ngoài ra, để chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết, ngay từ giữa năm, công ty đã ký hợp đồng với các trại chăn nuôi để bảo đảm nguồn hàng. Công ty cũng kiểm soát đầu vào bằng cách kiểm tra dịch vụ thú y, khẩu phần ăn của lợn hơi, để bảo đảm nguồn thực phẩm không sử dụng chất tăng trọng.

Để có nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, thành phố Hà Nội đã ưu tiên đầu tư xây dựng 5 khu vực bán thực phẩm, rau an toàn tại 5 chợ đầu mối nông sản tổng hợp; hỗ trợ hàng chục triệu đồng với những dự án kinh doanh thực phẩm sạch. Tương tự, TP Cần Thơ đang triển khai mô hình thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống.

Thực tế, ngoài hai địa phương trên, một số thành phố lớn hay tại một số vùng miền trên cả nước luôn có chương trình, kế hoạch ưu tiên, khuyến khích và đẩy mạnh các vùng trồng rau an toàn, trang trại chăn nuôi thực phẩm sạch. Nhưng hiện có tình trạng trồng xong không bán được hoặc bán với giá rẻ, khiến nhiều người nông dân chán nản. Không chỉ người sản xuất, mà khâu phân phối cũng kêu về tính cạnh tranh kém của mặt hàng này.

Dẫn ví dụ, việc mới đây người dân nuôi bò sữa sạch đổ sữa ra đường, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang khẳng định, tình trạng này là do khâu thanh tra, kiểm soát về chất lượng sữa của các đơn vị chức năng chưa được thực hiện tốt. Thực tế, trang thiết bị kiểm định hiện nay của cơ quan chức năng có thể phát hiện sữa hoàn nguyên hay sữa tươi. Song do chưa tiến hành kiểm tra chặt chẽ nên doanh nghiệp có thể gian lận bằng cách đóng mác sữa tươi cho sữa hoàn nguyên, khiến quyền lợi của người tiêu dùng và người chăn nuôi bị ảnh hưởng.

Đồng thời, ảnh hưởng đến chính các doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc cũng bị thiệt bởi đơn vị sử dụng sữa bột tính ra chỉ có 6.300 đồng/lít, trong khi giá bán hộp sữa tươi thì lên đến hàng chục nghìn đồng/lít. Vì vậy, làm thế nào để việc liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối tốt hơn sẽ đem lại lợi ích cho cả ba bên (nhà phân phối, nhà sản xuất và nhà nông). Đồng tình với quan điểm này, đại diện hệ thống siêu thị Big C phân tích, nếu nhà sản xuất và nhà phân phối liên kết chặt chẽ sẽ giúp người trồng chủ động lên kế hoạch trồng trọt hợp lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, và hầu như được bao tiêu đầu ra.

Nhà phân phối thì chủ động về nguồn hàng, không mất chi phí tìm kiếm khai thác các vùng nguyên liệu ngoài kế hoạch và yên tâm về chất lượng, sản lượng. Người tiêu dùng mua được sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng và giá cả được kiểm soát.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc bảo đảm chất lượng thực phẩm phải làm đồng bộ từ trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, trong đó khâu đầu và khâu cuối cần được chú trọng. Cụ thể, thí điểm đặt máy xét nghiệm an toàn thực phẩm lưu động tại chợ ở các thành phố lớn (khâu cuối) để người dân mua hàng và kiểm tra ngay sẽ nâng cao ý thức cả người bán lẫn người mua, tẩy chay những thực phẩm không an toàn. Việc triển khai các chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh ở trang trại chăn nuôi, hộ trồng rau, quả (khâu đầu) cần sự tham gia của các đoàn thể địa phương như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…

Tuy nhiên, kiểm soát ở khâu đầu và khâu cuối vẫn chưa thể bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm cần lựa chọn thêm lĩnh vực để tập trung thực hiện trong năm 2015. Trước mắt, các bộ, ngành cần thực hiện tốt kế hoạch của Ban Chỉ đạo về bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2015; tiến hành rà soát và triển khai sớm những quy định về an toàn thực phẩm có liên quan đến doanh nghiệp, để vừa không ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa ngăn chặn hiệu quả hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn.