Ảnh hưởng của ChatGPT đối với nghề Kế toán, kiểm toán
ChatGPT là một trong những mô hình trí tuệ nhân tạo, có thể hỗ trợ giải quyết một số tác vụ kế toán, kiểm toán đơn giản, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho nhân viên. Tuy nhiên, ChatGPT cũng có một số hạn chế như không thể xử lý các tác vụ phức tạp yêu cầu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, không hiểu được ngữ cảnh sâu sắc của các văn bản kế toán, kiểm toán và không thể thực hiện các tác vụ kế toán và kiểm toán vật lý. Phân tích những lợi ích đạt được và hạn chế khi ứng dụng ChatGPT trong nghề kế toán và kiểm toán, tác giả đưa ra một số gợi ý để tối ưu hóa lợi ích của ChatGPT và giảm các ảnh hưởng tiêu cực khi ứng dụng công cụ này đối với nghề kế toán, kiểm toán.
Đặt vấn đề
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một trong những mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) ngôn ngữ tự nhiên lớn nhất và nổi tiếng nhất hiện nay, được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu ngôn ngữ và có khả năng đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi, hoàn thành các nhiệm vụ ngôn ngữ tự nhiên và đưa ra các dự đoán.
ChatGPT được OpenAI (một tổ chức nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo được thành lập bởi một số cá nhân nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ, như Elon Musk, Sam Altman, Greg Brockman và nhiều nhà khoa học máy tính hàng đầu thế giới) phát triển dựa trên mô hình Transformer của Google, ra mắt vào ngày 30/11/2022. ChatGPT có thể học hỏi từ các bài viết, sách, báo cáo và dữ liệu ngôn ngữ khác để cải thiện khả năng dự đoán và phản hồi.
ChatGPT ra đời là kết quả của nhiều năm nghiên cứu. ChatGPT được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu ngôn ngữ và sử dụng một kiến trúc mạng được gọi là Transformer. Ban đầu, OpenAI đã phát triển các mô hình GPT (Generative Pre-trained Transformer) có kích thước khác nhau, từ GPT-1 đến GPT-3, với số lượng tham số tăng dần để đạt được khả năng dự đoán và phản hồi tốt hơn. ChatGPT là phiên bản tổng hợp của nhiều mô hình GPT với kích thước lớn nhất đến nay.
Với ưu thế vượt trội như vậy, theo báo cáo từ OpenAI, số lượng đăng ký tài khoản OpenAI đạt 100 triệu người dùng trên toàn cầu sau 2 tháng ra mắt. Đây là kỷ lục về người dùng ứng dụng phần mềm nhanh nhất. Số lượng thảo luận về ChatGPT cũng nhiều, hầu hết ý kiến diễn tả cảm giác ngạc nhiên vì sự thông minh vượt bậc của "siêu AI" ChatGPT.
Số khác lại băn khoăn về tương lai nghề nghiệp sẽ bị ảnh hưởng ra sao bởi AI, trong đó có nghề nghiệp kế toán và kiểm toán. Đây là lĩnh vực luôn cần phải cập nhật và sử dụng các công nghệ mới nhất để hoàn thiện và tăng năng suất công việc của mình. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc sử dụng công nghệ trong nghề kế toán và kiểm toán trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Lợi ích của ChatGPT đối với nghề kế toán, kiểm toán
Công nghệ như ChatGPT đã và đang được sử dụng và thử nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với nghề Kế toán và kiểm toán cũng không ngoại lệ. Việc ứng dụng ChatGPT trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán bằng cách cung cấp một số công cụ và dữ liệu hỗ trợ trong việc xử lý và phân tích thông tin tài chính đem lại một số lợi ích, cụ thể:
Thứ nhất, giảm chi phí: Sử dụng ChatGPT để thực hiện các tác vụ kế toán và kiểm toán có thể giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp bằng cách giúp doanh nghiệp nhập liệu và xử lý dữ liệu tài chính tự động, giảm thời gian và chi phí cho các tác vụ này; tạo báo cáo tự động, giảm thiểu thời gian và chi phí cho việc tạo báo cáo này. Việc này giúp tối ưu hóa quy trình kế toán và kiểm toán, giảm thiểu nhân lực cần thiết, từ đó giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp.
Thứ hai, giảm sai sót và lỗi: ChatGPT có khả năng tự động phân tích dữ liệu và xử lý các báo cáo kế toán, kiểm toán. Việc này giúp giảm thiểu rủi ro và lỗi trong quá trình làm việc, cải thiện độ chính xác và độ tin cậy của các báo cáo kế toán kế toán và báo cáo kiểm toán. Điều này có được là do ChatGPT sử dụng các thuật toán máy học để kiểm tra và sửa dữ liệu, giúp kế toán, kiểm toán đảm bảo sự chính xác của dữ liệu. Bên cạnh đó, ChatGPT có thể giúp giảm số lượng sai sót và lỗi do con người gây ra bằng cách tự động hóa nhiều tác vụ kế toán và kiểm toán.
Thứ ba, tăng hiệu suất: ChatGPT có thể giúp giảm thời gian tìm kiếm thông tin, giải quyết các câu hỏi và các vấn đề thường gặp trong công việc kế toán và kiểm toán. Điều này giúp cho các nhân viên kế toán và kiểm toán có thể tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng hơn. Bên cạnh đó, ChatGPT giúp tìm kiếm và truy vấn dữ liệu tài chính một cách nhanh chóng và hiệu quả, từ đó tăng năng suất trong việc xử lý dữ liệu. Đồng thời, ChatGPT có thể giúp tăng tốc độ và hiệu suất trong việc thực hiện các tác vụ kế toán và kiểm toán, như: tự động tạo ra các bảng kê, báo cáo hoặc phân tích dữ liệu.
Thứ tư, tăng khả năng phân tích dữ liệu: ChatGPT có thể giúp các kiểm toán viên trong việc xác định các lỗ hổng và điểm yếu trong hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp. Việc này giúp đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong quá trình kiểm toán. Ngoài ra, ChatGPT có khả năng phân tích dữ liệu tài chính và cung cấp các dự báo về tương lai của doanh nghiệp bằng cách tự động phân tích và trình bày dữ liệu một cách dễ dàng. Từ đó, giúp nhà quản lý doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh thông minh hơn, tối ưu hóa chiến lược kinh doanh và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Thứ năm, cải thiện tính khả dụng và chất lượng dịch vụ: ChatGPT được sử dụng 24/7, giúp cải thiện tính khả dụng và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thời gian chờ đợi cho khách hàng và tăng cường tính linh hoạt trong quá trình thực hiện các tác vụ kế toán và kiểm toán. Ngoài ra, ChatGPT có thể được sử dụng để hỗ trợ khách hàng trong việc giải quyết các câu hỏi có liên quan, giúp tăng độ hài lòng của khách hàng và cải thiện chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.
ChatGPT có thể giúp nhân viên hiểu rõ hơn về các quy trình, quy định của kế toán và kiểm toán, giải quyết các vấn đề phức tạp trong quá trình làm việc. ChatGPT cũng có thể giúp tăng cường tính hợp tác trong công việc giữa nhân viên kế toán và các kiểm toán viên thông qua việc tạo ra một nền tảng để các nhân viên có thể chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với nhau,
Thứ sáu, hỗ trợ đào đạo và hợp tác: ChatGPT được sử dụng để hỗ trợ đào tạo nhân viên kế toán và kiểm toán bằng cách cung cấp cho họ thông tin và giải đáp các câu hỏi liên quan đến các vấn đề về kế toán và kiểm toán. ChatGPT có thể giúp nhân viên hiểu rõ hơn về các quy trình, quy định của kế toán và kiểm toán, giải quyết các vấn đề phức tạp trong quá trình làm việc. ChatGPT cũng có thể giúp tăng cường tính hợp tác trong công việc giữa nhân viên kế toán và các kiểm toán viên thông qua việc tạo ra một nền tảng để các nhân viên có thể chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với nhau, giải đáp các câu hỏi và thắc mắc của nhau.
Một số hạn chế của ChatGPT khi ứng dụng trong kế toán, kiểm toán
Mặc dù, ChatGPT có thể giúp giải quyết nhiều tác vụ trong nghề Kế toán và kiểm toán nhưng nó cũng tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất, không có khả năng xử lý các tác vụ kế toán và kiểm toán cụ thể yêu cầu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn. ChatGPT không thể thực hiện các nhiệm vụ như lập báo cáo tài chính (BCTC), phân tích định giá doanh nghiệp, đánh giá rủi ro tài chính, giải thích các vấn đề pháp lý liên quan đến kế toán và thuế. Những công việc này đòi hỏi kiến thức về pháp luật tài chính, kiểm toán, thuế và quản lý tài chính nâng cao cùng với kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực kế toán và tài chính.
Thứ hai, khả năng dự đoán của ChatGPT có thể bị hạn chế khi dữ liệu đầu vào bị thiếu hoặc không chính xác. Nếu một mô hình ChatGPT được lập trình để dự đoán dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của một công ty dựa trên các thông tin như doanh thu, chi phí, thuế, và lợi nhuận. Nếu BCTC không có thông tin về một số khoản chi phí hoặc thu nhập, mô hình sẽ không thể dự đoán kết quả chính xác.
Thứ ba, ChatGPT có thể không hiểu được ngữ cảnh hoặc ý nghĩa sâu sắc của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kế toán và kiểm toán. Trong pháp lý kế toán, các thuật ngữ chuyên môn như "đánh giá lại giá trị còn lại", "các khoản dự phòng", "chi phí trả trước" có ý nghĩa rất đặc thù và không phải ai cũng có thể hiểu. Thêm vào đó, văn bản pháp luật kế toán và kiểm toán thường rất phức tạp về mặt cú pháp và văn phong, với các đoạn văn dài và đầy đủ chi tiết. Do đó, việc sử dụng ChatGPT để xử lý các văn bản quy phạm pháp luật kế toán và kiểm toán phải được thực hiện cẩn trọng, cần được hỗ trợ bởi các chuyên gia pháp lý có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để đảm bảo kết quả đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Thứ tư, ChatGPT cũng không thể thực hiện các nhiệm vụ kế toán và kiểm toán vật lý như kiểm kê tài sản cố định hoặc kiểm tra chi tiết các chứng từ kế toán.
Thứ năm, thiếu sự kiểm soát: Khi sử dụng ChatGPT, có thể xảy ra lỗi hoặc sai sót trong dữ liệu do ChatGPT không thể xem xét và đánh giá một cách chính xác tình huống cụ thể. Nếu muốn tính toán thuế thu nhập cá nhân cho một khách hàng, ChatGPT có thể cung cấp kết quả không đúng nếu không được cung cấp đầy đủ thông tin về thu nhập, khoản giảm trừ và các yêu cầu khác của khách hàng. Do đó, cần có sự kiểm soát từ phía người sử dụng để đảm bảo tính đúng đắn và đáng tin cậy của dữ liệu.
Biện pháp để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của ChatGPT đến nghề Kế toán, kiểm toán
Ứng dụng công nghệ như ChatGPT đối với nghề Kế toán và kiểm toán sẽ tạo ra nhiều giá trị cho các doanh nghiệp, nó là một bước tiến về phía trước với nhiều lợi ích. Công nghệ và trí tuệ nhân tạo có thể giúp tăng cường hiệu quả và độ chính xác của quá trình kế toán và kiểm toán.
Tuy nhiên, công việc này vẫn đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc về các nguyên tắc kế toán, thuế và pháp luật kinh tế, cũng như sự thận trọng với những rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin và tính chính xác của dữ liệu. Do đó, vai trò của con người là không thể thay thế sẽ vẫn rất quan trọng trong lĩnh vực này. Theo đó:
Một là, cần tăng cường kiểm soát và xác minh dữ liệu: Để giảm rủi ro sai sót, lỗi hoặc thiếu dữ liệu, cần phải tăng cường việc kiểm soát và xác minh dữ liệu được tạo ra bởi ChatGPT. Cụ thể: (i) Thiết lập các quy trình và quy định rõ ràng về việc tạo ra và sử dụng dữ liệu kế toán bằng ChatGPT; (ii) Áp dụng các thuật toán và phương pháp kiểm tra để phát hiện sửa các lỗi và sai sót trong dữ liệu kế toán; (iii) Tạo ra các bộ dữ liệu kiểm tra để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ của dữ liệu kế toán được tạo ra bởi ChatGPT; (iv) Thực hiện kiểm soát và giám sát định kỳ để đảm bảo rằng dữ liệu kế toán được tạo ra bởi ChatGPT đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và độ tin cậy.
Hai là, tập trung vào các tác vụ đòi hỏi sự tưởng tượng, phán đoán và giải quyết vấn đề khó khăn hơn. Điều này sẽ giúp giữ cho các nghề kế toán, kiểm toán tránh khỏi việc bị thay thế hoàn toàn bởi ChatGPT.
Ba là, tập trung vào việc đào tạo và phát triển nhân lực kế toán, kiểm toán để giúp họ nắm bắt được những thay đổi trong ngành nghề và sử dụng ChatGPT để tăng cường sự hiểu biết, thay vì bị thay thế hoàn toàn bởi nó. Đồng thời, tăng cường các kỹ năng mềm, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và quản lý dự án cho nhân viên kế toán, kiểm toán viên. Những kỹ năng này là những gì mà ChatGPT không thể thay thế được.
Bốn là, đầu tư vào công nghệ mới và tiên tiến để cải thiện hiệu quả và chất lượng công việc. Các công cụ hỗ trợ như phần mềm kế toán, phần mềm kiểm toán tự động hoặc công cụ giám sát, có thể giúp giảm rủi ro về tài chính và pháp lý bằng cách kiểm soát và xem xét dữ liệu tự động. Điều này cũng có thể giúp các chuyên gia kế toán, kiểm toán tận dụng sức mạnh của ChatGPT để tăng cường năng suất và chất lượng công việc của họ.
Tài liệu tham khảo:
- Brown, T., Mann, B., Ryder, N., Subbiah, M., Kaplan, J. D., Dhariwal, P., ... & Amodei, D. (2020). Language models are few-shot learners. Advances in neural information processing systems, 33, 1877-1901;
- Shoeybi, M., Patwary, M., Puri, R., LeGresley, P., Casper, J., & Catanzaro, B. (2019). Megatron-lm: Training multi-billion parameter language models using model parallelism. arXiv preprint arXiv:1909.08053;
- Radford, A., Wu, J., Child, R., Luan, D., Amodei, D., & Sutskever, I. (2019). Language models are unsupervised multitask learners. OpenAI blog, 1(8), 9;
- https://openai.com/api/.