Ảnh hưởng của công bố thông tin phát thải carbon đến báo cáo phát triển bền vững trong các doanh nghiệp
Bài viết nghiên cứu ảnh hưởng của công bố thông tin phát thải carbon lên báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp bằng phương pháp phỏng vấn sâu để đánh giá quan điểm các nhà đầu tư, quản lý và chuyên gia tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc công bố thông tin về các vấn đề môi trường và phát thải carbon đóng vai trò quan trọng cũng như có tác động tích cực lên báo cáo phát triển bền bền vững của doanh nghiệp. Dựa trên kết quả này, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể xây dựng lộ trình cụ thể trong việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững, trong đó cân nhắc công bố thông tin phát thải carbon để làm tăng tác động tích cực tới hoạt động của doanh nghiệp.

Đặt vấn đề
Với ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu bằng việc công bố các thông tin liên quan đến cam kết bảo vệ môi trường như phát thải carbon… Klaus và Margot (2014) chỉ ra rằng, việc công bố thông tin phát thải carbon trong báo cáo phát triển bền vững làm tăng danh tiếng và hình ảnh của doanh nghiệp.
Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá những ảnh hưởng của công bố thông tin phát thải carbon đến báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp tại Việt Nam với góc nhìn từ các quản lý, chuyên gia và nhà đầu tư, qua đó, cung cấp thêm cơ sở, bằng chứng cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng lộ trình thực hiện báo cáo phát triển bền vững.
Tổng quan tình hình nghiên cứu
Để xác định giá trị và tiềm năng của doanh nghiệp, các nhà đầu tư thường xem xét các thông tin được công bố công khai, bao gồm cả thông tin tài chính và phi tài chính. Trong bối cảnh nhiều biến động và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các yếu tố kinh tế, chính trị và môi trường, các doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc công bố thông tin về phát triền bền vững trong báo cáo thường niên để xây dựng và củng cố niềm tin của các bên liên quan (Cormier và Magnan, 2007; Wolf, 2014). Tuy nhiên, khi đề cập đến phát triển bền vững, những thông tin về yếu tố môi trường như phát thải carbon vẫn còn chưa được chú trọng ở nhiều nước đang phát triển (Desai, 2022). Trong khi đó, Reimsbach và cộng sự (2017) cho rằng vai trò của các thông tin về môi trường đang được chú trọng hơn trong hoạt động phát triển bền vững khi phát triển từ chỉ được nhắc đến trong báo cáo độc lập sang là một thành phần trong báo cáo bền vững của các doanh nghiệp.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm đánh giá tác động của việc công bố các thông tin về môi trường như phát thải carbon đến báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nghiên cứu của Pitrakkos và Maroun (2019) tập trung vào sự thay đổi về số lượng và chất lượng thông tin về môi trường như khí nhà kính (GHGs) và phát thải carbon trong báo cáo bền vững đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp với lượng phát thải carbon lớn có xu hướng công bố nhiều thông tin về khí nhà kính, phát thải carbon hơn doanh nghiệp với lượng phát thải nhỏ, nhưng chất lượng của các thông tin này trong báo cáo phát triển bền vững thường không chi tiết bằng báo cáo thường niên.
Các nghiên cứu của Michelon và cộng sự (2015), Borghei và cộng sự (2016) cho thấy, khi các công ty bỏ qua hoặc cố gắng giảm thiểu những thông tin về yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu, thường dẫn đến hệ quả làm suy giảm chất lượng của các báo cáo thường niên, phát triển bền vững. Ngược lại, quá nhiều thông tin về các rủi ro do khí nhà kính, phát thải carbon gây ra được đề cập trong báo cáo có thể khiến các nhà đầu tư đánh giá lại các khoản đầu tư của họ vào công ty, cũng như khiến tổ chức dễ bị đánh giá nghiêm ngặt hơn bởi các bên liên quan và bị phê phán về quy trình quản lý (Solomon và cộng sự, 2013). Mặt khác, sự không nhất quán của các kỹ thuật và tiêu chuẩn đo lường cũng khiến việc công bố thông tin về môi trường trong báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp và đánh giá báo cáo môi trường trở nên khó khăn hơn (Matisoff và cộng sự, 2012).
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp công bố thông tin về vấn đề môi trường như phát thải carbon trong báo cáo phát triển bền vững được cho là sẽ nâng cao sự minh bạch của doanh nghiệp và tăng cường danh tiếng của công ty (Klaus và Margot, 2014). Đặc biệt, với các công ty được niêm yết thì mức độ công bố của các thông tin về vấn đề môi trường trong báo cáo phát triển bền vững mang đến tác động tích cực tới hoạt động của doanh nghiệp (Hahn và Kühnen, 2013).
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu để đánh giá ảnh hưởng của công bố thông tin phát thải carbon đến báo cáo phát triển bền vững trong các doanh nghiệp Việt Nam. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện từ cuối tháng 11 tới tháng 12/2023. Người tham gia phỏng vấn đều được hỏi theo một bảng hỏi giống nhau liên quan tới các thông tin cá nhân như: giới tính, nghề nghiệp, học vị… cũng như quan điểm của họ về tác động của công bố thông tin carbon lên báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Trước tiên, nhóm tác giả đã liên hệ tới 2 trong số những người đầu tiên thông qua thông tin liên lạc cá nhân và sau đó sử dụng phương pháp chọn mẫu quả cầu tuyết để mở rộng mẫu nghiên cứu. Tổng cộng có 12 người với kinh nghiệm đầu tư đã tham gia phỏng vấn trong nghiên cứu này. Số người tham gia sau đó được chia thành 3 nhóm khác nhau dựa vào số năm kinh nghiệm trong việc đầu tư. Trong mỗi nhóm, nhóm tác giả luôn cố gắng đảm bảo tính cân bằng giữa giới tính cũng như chuyên môn. Cuối cùng, yếu tố về học vị và độ tuổi cũng là một trong những yếu tố được đưa vào trong việc quyết định phân chia nhóm nhỏ.
Phân tích góc nhìn tại Việt Nam
Vai trò của thông tin phát thải carbon trong báo cáo bền vững của doanh nghiệp
Điểm đáng chú ý trong những phản hồi mà nhóm tác giả nhận được từ người tham gia là phần lớn họ đều đồng tình và khẳng định tầm quan trọng của báo cáo tác động môi trường của doanh nghiệp nói chung và báo cáo phát thải carbon nói riêng trong báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp. Kết quả phỏng vấn P–6 đưa ra quan điểm về công bố thông tin phát thải carbon dưới góc nhìn của một giám đốc điều hành doanh nghiệp: “Trong mục tiêu chung của phát triển bền vững doanh nghiệp, doanh nghiệp luôn có trách nhiệm, nghĩa vụ phải bảo vệ môi trường và hạn chế những tác động tiêu cực đối với môi trường. Vì vậy, với định hướng doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết, cụ thể về tình hình, mục tiêu và hành động để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đây là những chỉ số không thể thiếu trong báo cáo phát triển bền vững cũng như báo cáo tài chính”.
Dưới góc nhìn của một người đầu tư vào doanh nghiệp, P–1 cũng khẳng định doanh nghiệp không thể thiếu thông tin về phát thải carbon khi báo cáo về hoạt động phát triển bền vững: “Phát triển bền vững quan tâm đến các vấn đề môi trường để doanh nghiệp phát triển kinh tế mà không hủy hoại môi trường, vì vậy, không thể có báo cáo phát triển bền vững nào mà không có thông tin về hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp bên cạnh những chỉ số phát triển bền vững khác”.
Trong khi phỏng vấn, nhóm tác giả có cung cấp những giải thích về phát triển bền vững, báo cáo phát triển bền vững, thông tin phát thải carbon để người tham gia có thể có kiến thức nền tảng nhất định về những vấn đề này trước khi đưa ra nhận định và quan điểm về mối quan hệ giữa báo cáo tác động môi trường và báo cáo phát triển bền vững. Vì vậy, với những thông tin được cung cấp cùng kinh nghiệm đầu tư nhiều năm, người tham gia đều đồng tình về vai trò không thể thiếu của thông tin phát thải, thông tin môi trường trong báo cáo phát triển bền vững.
Ảnh hướng của mức độ chi tiết trong thông tin phát thải carbon lên báo cáo phát triển bền vững
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, người đầu tư và cả những người có chuyên môn cho rằng, báo cáo về tác động môi trường của doanh nghiệp càng chi tiết, rõ ràng và minh bạch chính là điểm nổi trội trong báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp này so với doanh nghiệp khác, khiến nhà đầu tư có thiện cảm hơn đối với doanh nghiệp. Giải thích cho điều này, khảo sát chuyên viên phân tích tài chính (P-4) cho rằng: “Mặc dù thông tin phát thải carbon là không thể thiếu trong báo cáo phát triển bền vững, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đưa ra những đo lường cụ thể từng chỉ số như: tổng lượng phát thải carbon, tổng lượng điện tiêu thụ hay đề ra những giải pháp, sáng kiến tiết kiệm năng lượng, hạn chế phát thải… bởi những lý do như: chi phí thực hiện cao, có ít bên liên quan có thể thực hiện những đo lường cụ thể như vậy tại Việt Nam. Vì vậy, những doanh nghiệp có thể hiện thực hóa những chỉ tiêu này một cách cụ thể, chi tiết và đưa vào báo cáo tác động môi trường của họ thì sẽ có điểm khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.
Khảo sát trưởng nhóm marketing P–11 cho rằng, tập trung vào báo cáo về tác động môi trường khiến báo cáo bền vững của doanh nghiệp trở nên đặc biệt, là điểm sáng khi so sánh với những báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp khác. Khảo sát P–11 chứng minh: “Trong top 10 báo cáo phát triển bền vững của năm nay, điểm cộng lớn nhất của những báo cáo này là sự chi tiết, minh bạch về số liệu những chỉ tiêu liên quan đến môi trường như báo cáo về tổng lượng phát thải đo lường bằng scope 1 2 3 của Vinamilk. Hiện nay, tại Việt Nam, nhận thức về trách nhiệm môi trường của doanh nghiệp vẫn chưa phổ biến nên doanh nghiệp báo cáo càng chi tiết về những yếu tố này có thể làm nổi bật báo cáo phát triển bền vững của mình”.
Tương đồng với những nhận định trên, ý kiến của P – 9, một nhà đầu tư khi nhìn nhận một báo cáo khảo sát nhóm phát thải carbon chi tiết, minh bạch số liệu cho rằng: “Với báo cáo phát triển bền vững mà các thông tin về tác động môi trường của công ty được cụ thể hóa bằng số liệu minh bạch làm cho họ cảm thấy có thiện cảm và an tâm hơn. Những hoạt động tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, nước sạch… đều cho thấy đó là một báo cáo phát triển bền vững có đầu tư, có trách nhiệm, chi tiết và thuyết phục. Đặc biệt là khi so sánh với những báo cáo bền vững của doanh nghiệp khác, những thông tin về môi trường là yếu tố đầu tiên mà họ xem xét. Có thể do thông tin về môi trường khó báo cáo cụ thể, ít xuất hiện nhiều.”
Ảnh hưởng của thông tin phát thải carbon đúng quy chuẩn/không đúng quy chuẩn lên báo cáo phát triển bền vững
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, người đầu tư và cả những người có chuyên môn, không phải lúc nào báo cáo về tác động môi trường của doanh nghiệp cũng đầy đủ và chi tiết. Có rất nhiều báo cáo dù đã công bố đầy đủ các tiêu chí, nhưng nội dung báo cáo không chi tiết, thiếu số liệu và chỉ báo cáo một phần thay vì đầy đủ tác động của doanh nghiệp. Điều này dẫn tới báo cáo bền vững thiếu thuyết phục và chặt chẽ.
Các phản hồi được ghi nhận của cả những người có kinh nghiệm và không có kinh nghiệm cũng cho thấy, thông tin phát thải carbon công bố không đầy đủ các tiêu chí cơ bản đề ra cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới báo cáo phát triển bền vững sau trong báo cáo thường niên. Dưới góc nhìn của thanh tra môi trường, người được phỏng vấn P-7 đã giải thích cách thức tiến hành phân tích và đề cập đến trường hợp của doanh nghiệp như sau: “Khi công bố thông tin phát thải carbon, những doanh nghiệp có những biểu hiện như: Công bố báo cáo không đầy đủ, có năm có, có năm không và nội dung công bố bỏ qua hoặc cố gắng giảm thiểu những thông tin về tác động môi trường, biến đổi khí hậu, và thường làm giảm chất lượng của báo cáo phát triển bền vững.” P-7 cho rằng, lý do đằng sau mối liên hệ này nằm ở việc các công ty không tuân thủ các quy định về môi trường trong quá trình vận hành (ví dụ, số lượng nước thải ra môi trường cao hơn mức độ cho phép), báo cáo phát thải carbon không đầy đủ về số liệu. Báo cáo phát thải carbon kém chất lượng sẽ dẫn đến thiếu sót hoặc sai lệch thông tin về tác động môi trường, làm ảnh hưởng đến tính chính xác của báo cáo bền vững.
Dưới góc nhìn của một nhà thiết kế đồ họa, người được phỏng vấn P-10 có quan điểm tương đồng với P-7: “Những thông tin phát thải carbon không có đủ các tiêu chí (mức năng lượng điện và nước tiêu thụ như thế nào, tình trạng chấp hành các quy định về môi trường ra sao…), và không được công bố đầy đủ hằng năm khiến họ cảm thấy báo cáo bền vững của công ty đó không đáng tin cậy, và thiếu sức thuyết phục”.
Có thể thấy rằng, cùng xu hướng phát triển bền vững, tại Việt Nam nhận thức của người dân về vấn đề khí hậu và bảo vệ môi trường đang ngày càng lớn, vì vậy, nhà đầu tư khi nhìn nhận doanh nghiệp thông qua báo cáo phát triển bền vững và báo cáo thường niên đã mong đợi những mục tiêu và hành động cụ thể vì môi trường của doanh nghiệp. Như vậy, kết quả của phỏng vấn tương ứng với tình hình nhận thức của người dân, nhà đầu tư và phản ánh đúng phần nào sự mới mẻ của xu hướng phát triển bền vững tại Việt Nam.
Kết luận và hàm ý
Cùng với xu hướng phát triển bền vững tại Việt Nam, nhà đầu tư khi nhìn nhận doanh nghiệp thông qua báo cáo phát triển bền vững và báo cáo thường niên sẽ có mong đợi về những mục tiêu và hành động cụ thể vì môi trường của doanh nghiệp. Nghiên cứu này nhằm xác định mối quan hệ giữa các thông tin công bố về môi trường, cụ thể là phát thải carbon lên báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn chuyên sâu 12 nhà đầu tư đang hoạt động với các đặc điểm nhân khẩu học đa dạng, có tính đại diện. Dựa trên các phản hồi, hầu hết người tham gia đều khẳng định tầm quan trọng của thông tin công bố về môi trường như phát thải carbon trong báo cáo phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chất lượng của thông tin về phát thải carbon sẽ ảnh hưởng tới chất lượng báo cáo phát triển bền vững. Cụ thể, thông tin về phát thải carbon của doanh nghiệp càng chi tiết, rõ ràng và minh bạch chính là điểm sáng, điểm nổi trội trong báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư có thiện cảm hơn đối với doanh nghiệp. Dựa trên kết quả này, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tập trung cải thiện về tính chi tiết, rõ ràng, minh bạch của thông tin về các vấn đề môi trường, phát thải carbon trong báo cáo phát triển bền vững để tăng cường danh tiếng và nâng cao kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong dài hạn.
Tài liệu tham khảo:
- Adams, C.A. (2004), The ethical, social and environmental reporting‐performance portrayal gap. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 17(5), 731–757;
- Borghei, Z., Leung, P. và Guthrie, J. (2016), The nature of voluntary greenhouse gas disclosure – an explanation of the changing rationale. Meditari Accountancy Research, 24(1), 111–133;
- Brammer, S., Pavelin, S. (2008), Factors influencing the quality of corporate environmental disclosure. Business Strategy and the Environment, 17(2), 120–136;
- Cormier, D., Magnan, M. (2007). The revisited contribution of environmental reporting to investors’ valuation of a firm’s earnings: An international perspective. Ecological Economics, 62(3-4), 613–626;
- Desai, R. (2022), Determinants of corporate carbon disclosure: A step towards sustainability reporting, Borsa Istanbul Review, 22(5), 886-896;
- Hahn, R. and Kühnen, M. (2013), Determinants of sustainability reporting: a review of results, trends, theory, and opportunities in an expanding field of research, Journal of Cleaner Production, 59(1), 5–21;
- Klaus, D. and Margot, E. (2014), Tamed Transparency and the Global Reporting Initiative: The Role of Information Infrastructures. The MIT Press eBooks, 225–248;
- Matisoff, D.C., Noonan, D.S. and O’Brien, J.J. (2012), Convergence in Environmental Reporting: Assessing the Carbon Disclosure Project, Business Strategy and the Environment, 22(5), 285–305;
- Michelon, G., Pilonato, S. and Ricceri, F. (2015), CSR reporting practices and the quality of disclosure: An empirical analysis. Critical Perspectives on Accounting, 33, 59–78.
- Nguyen, T.H., Nguyen, Q.T., Nguyen, D.M., Le, T. (2023), The effect of corporate governance elements on corporate social responsibility reporting of listed companies in Vietnam, Cogent business & management, 10(1), 2170522;
- Pitrakkos, P., and Maroun, W. (2020), Evaluating the quality of carbon disclosures. Sustainability Accounting, Management and Policy Journal, 11(3), 553-589;
- Reimsbach, D., Hahn, R. and Gürtürk, A. (2017), Integrated Reporting and Assurance of Sustainability Information: An Experimental Study on Professional Investors’ Information Processing, European Accounting Review, 27(3), 559–581;
- Solomon, J.F., Solomon, A., Joseph, N.L. and Norton, S.D. (2013), Impression management, myth creation and fabrication in private social and environmental reporting: Insights from Erving Goffman. Accounting, Organizations and Society, 38(3), 195–213;
- Wolf, J. (2014), The Relationship Between Sustainable Supply Chain Management, Stakeholder Pressure and Corporate Sustainability Performance, Journal of Business Ethics, 119(3), 317–328.