Ảnh hưởng của hệ thống thông tin kế toán thành công đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp sản xuất Việt Nam
Nghiên cứu này thực hiện nhằm xác định và đo lường ảnh hưởng của hệ thống thông tin kế toán thành công đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) sản xuất Việt Nam. Thông qua việc thực hiện phân tích 257 mẫu khảo sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Có 4 thành phần của hệ thống thông tin kế toán thành công có tác động tích cực đến thành quả hoạt động của các DN sản xuất, gồm: Chất lượng thông tin; Chất lượng hệ thống; Sự hài lòng của người sử dụng hệ thống và Trình độ của nhân viên kế toán. Kết quả nghiên cứu gợi ý một số chính sách cho các nhà quản lý liên quan đến việc nâng cao thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam thông qua việc vận dụng hệ thống thông tin kế toán thành công.

Giới thiệu
Hệ thống thông tin kế toán là một công cụ quản lý trong các tổ chức được sử dụng để cung cấp giá trị gia tăng nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho tổ chức. Một trong những chức năng của hệ thống thông tin kế toán là cung cấp thông tin quan trọng để giúp các nhà quản lý kiểm soát các hoạt động và giảm thiểu tình trạng không chắc chắn (Chong, 1996). Trong môi trường kinh doanh hiện đại, các DN đang ngày càng sử dụng hệ thống thông tin hiệu quả hơn để cải thiện hiệu suất, lợi thế cạnh tranh bền vững và đảm bảo thành công lâu dài, đảm bảo thành quả hoạt động của DN.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin cho các nhà quản lý điều hành đơn vị là cần thiết. Do đó, việc nghiên cứu các nhân tố của hệ thống thông tin kế toán thành công nhằm nâng cao thành quả hoạt động tại các DN sản xuất tại Việt Nam sẽ là một vấn đề cần thiết, mở ra hướng mới giúp các nhà quản lý và các đối tượng sử dụng thông tin của đơn vị đưa ra các quyết định đúng đắn.
Cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu
Theo Gelderman (1998), hệ thống thông tin kế toán thành công là cường độ sử dụng hệ thống (mục đích sử dụng) trong công việc hàng ngày và sự hài lòng của người dùng như giúp người dùng tiết kiệm thời gian hoàn thành công việc và có nhiều thời gian hơn để làm những việc khác nhằm nâng cao thành quả hoạt động của mình.
Theo Mauldin và Ruchala (1999), hiện nay, khi ngày công nghệ thông tin càng phát triển tiên tiến hơn, các ứng dụng hệ thống thông tin kế toán được công nhận là các quy trình nhiệm vụ thay đổi cơ bản và cung cấp hỗ trợ quyết định phức tạp, thay vì chỉ đơn giản là tăng tốc độ và độ chính xác của kế toán truyền thống nhiệm vụ nhằm nâng cao thành quả hoạt động của DN.
Richard và Devinney (2009) cho rằng, thành quả của tổ chức thể hiện ở ba khía cạnh: (1) Thành quả tài chính (lợi nhuận, khả năng sinh lời của tài sản, lợi tức đầu tư...); (2) Thành quả về thị trường sản phẩm (doanh số, thị phần...); (3) Chi trả cho các cổ đông (tổng lợi nhuận cổ đông, giá trị gia tăng kinh tế, giá trị thị trường...).
Các nhân tố của hệ thống thông tin kế toán thành công ảnh hưởng đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp
- Chất lượng thông tin: Theo Miller và Doyle (1987), chất lượng thông tin là những tính chất được mong đợi về kết xuất từ hệ thống; đó là các mẫu thông tin, báo cáo từ hệ thống cung cấp cho các đối tượng sử dụng thông tin bên trong và bên ngoài DN. Chất lượng thông tin kế toán càng cao thì ảnh hưởng càng tốt đến các quyết định của nhà quản lý trong việc sử dụng thông tin để ra quyết định. Từ đó ảnh hưởng đến thành quả hoạt động của DN.
Do đó, giả thuyết H1 được đưa ra: Chất lượng thông tin ảnh hưởng cùng chiều đến thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam.
- Chất lượng hệ thống: Chất lượng hệ thống bao gồm những tính chất được mong đợi từ một hệ thống thông tin. Dựa theo nghiên cứu về hệ thống thông tin thành công của DeLone và McLean (2016), chất lượng hệ thống được đề xuất đo lường bởi các thuộc tính gồm: Dễ sử dụng; Dễ học; Đáng tin cậy; Tính linh hoạt; Thời gian phản hồi; và Bảo mật. Một hệ thống thông tin chất lượng sẽ truy xuất đầu ra là các thông tin chất lượng do đó sẽ ảnh hưởng tốt đến việc cung cấp thông tin và sự thỏa mãn của người dùng hệ thống. Từ đó, việc sử dụng hệ thống càng hiệu quả hơn nên sẽ nâng cao được thành quả hoạt động của DN.
Do đó, giả thuyết H2 được đưa ra: Chất lượng thông tin ảnh hưởng cùng chiều đến thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam.
- Sự hài lòng của người sử dụng hệ thống: Sự hài lòng của người sử dụng được định nghĩa là mức độ thỏa mãn của người sử dụng về hệ thống bao gồm sự thỏa mãn về chất lượng hệ thống và chất lượng thông tin. Theo mô hình thành công của DeLone và McLean (2016), sự hài lòng với hệ thống thông tin có thể có tác động tích cực đến lợi ích ròng của tổ chức. Điều này được giải thích rằng, sự hài lòng của toàn tổ chức đối với hệ thống thông tin dẫn đến cải thiện hiệu suất, nâng cao sự hài lòng trong công việc, cải thiện khả năng ra quyết định và tăng thành quả hoạt động.
Từ đây, giả thuyết H3 đưa ra: Sự hài lòng của người sử dụng hệ thống ảnh hưởng cùng chiều đến thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam.
- Trình độ nhân viên kế toán: Theo Hassan, M. K. (2005), trình độ của nhân viên kế toán tổng hợp từ văn hoá, chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng lao động của họ. Trong đó, trình độ văn hoá, kết hợp với nền tảng học vấn nhất định là cơ sở cho phát triển trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Trong việc vận dụng chuyên môn kế toán giai đoạn hiện nay đòi hỏi nhân viên kế toán phải có trình độ về công nghệ thông tin trong công tác kế toán.
Do đó, giả thuyết H4 được đưa ra: Trình độ nhân viên kế toán ảnh hưởng cùng chiều đến thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam.
Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp khám phá, nghiên cứu định tính, định lượng. Sử dụng các kỹ thuật phân tích: Thống kê mô tả, Phân tích khám phá EFA, Mô hình hồi quy. Thang đo của các biến độc lập và biến phụ thuộc được thiết kế dựa theo các nghiên cứu trước đó, được thiết kế đánh giá theo Likert 5.
Đối tượng khảo sát nghiên cứu là các nhân viên kế toán, các nhà quản lý của các DN sản xuất Việt Nam. Số bảng khảo sát phát ra là 300, thu về 280. Sau khi lọc, làm sạch còn 257 bảng khảo sát đưa vào phân tích chính thức, kích thước mẫu phù hợp với công thức quy mô mẫu của Tabachnick và Fidell (2007).
Tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố của hệ thống thông tin kế toán thành công ảnh hưởng đến thành quả hoạt động DN sản xuất Việt Nam gồm 4 nhân tố như sau:
TQHD = β0 + β1CLTT+ β2CLHT + β3SHL + β4NVKT + ε
Trong đó:
- Biến phụ thuộc: Thành quả hoạt động - TQHD.
- Các biến độc lập gồm: Chất lượng thông tin – CLTT; Chất lượng hệ thống - CLHT; Sự hài lòng của người sử dụng hệ thống - SHL; Trình độ nhân viên kế toán - NVKT; Hệ số nhiễu: ε; và Hệ số hồi quy: β.
Kết quả nghiên cứu
Sau khi kiểm định độ tin cậy của các thang đo của các biến độc lập và biến phụ thuộc, tác giả đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính như Bảng 1:
Bảng 1: Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến |
||||
Mô hình |
Hệ số R |
Hệ số R2 |
Hệ số R2 - hiệu chỉnh |
Sai số chuẩn của ước lượng |
1 |
.748a |
.653 |
.627 |
1.906 |
Nguồn: Kết quả nghiên cứu |
Bảng 1 cho thấy, giá trị hệ số R2 = 0.748> 0.5, do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.627, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 62.7%.
Bảng 2 cho thấy, phương trình hồi quy tuyến tính bội của các nhân tố của hệ thống thông tin kế toán thành công đến thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam với các hệ số chuẩn hóa như sau:
TQHD = 0.254CLTT + 0.187CLHT + 0.237SHL+ 0.248NVKT
Bảng 2: Kết quả hồi quy |
|||||||
Mô Hình |
Hệ số chưa chuẩn hóa |
Hệ số chuẩn hóa |
T |
Sig. |
Thống kê đa cộng tuyến |
||
B |
Sai số chuẩn |
Beta |
Hệ số Tolerance |
Hệ số VIF |
|||
1 (Constant) |
1.487 |
.198 |
7.496 |
.000 |
|||
CLTT |
.086 |
.020 |
.254 |
4.385 |
.000 |
.906 |
1.103 |
CLHT |
.064 |
.019 |
.187 |
3.319 |
.001 |
.957 |
1.045 |
SHL |
.159 |
.048 |
.237 |
3.336 |
.001 |
.604 |
1.656 |
NVKT |
.082 |
.019 |
.248 |
4.347 |
.000 |
.934 |
1.071 |
Nguồn: Kết quả nghiên cứu |
Kết luận và kiến nghị
Kết luận
Mục đích của nghiên cứu này là xác định và đo lường mức ảnh hưởng của các nhân tố của hệ thống thông tin kế toán thành công đến thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được 4 nhân tố có ảnh hưởng đến thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam với mức độ tác động theo thứ tự từ cao đến thấp gồm: Nhân tố Chất lượng thông tin ảnh hưởng mạnh nhất với Beta = 0,254; nhân tố Trình độ nhân viên kế toán ảnh hưởng mạnh thứ hai với hệ số Beta = 0.248; nhân tố Sự hài lòng của người sử dụng hệ thống ảnh hưởng mạnh thứ ba với hệ số Beta = 0.237; Cuối cùng là nhân tố Chất lượng hệ thống ảnh hưởng thấp nhất với hệ số Beta = 0.187.
Kiến nghị
Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác đưa ra một số đề xuất cho các nhà quản lý liên quan đến việc nâng cao thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam thông qua việc vận dụng hệ thống thông tin kế toán thành công như sau:
Một là, các DN sản xuất cần nâng cao nhận thức của nhà quản lý về hệ thống thông tin kế toán tại DN nói chung và hệ thống thông tin kế toán thành công của DN nói riêng trong việc cung cấp thông tin kế toán phục vụ cho việc quản lý và điều hành DN.
Hai là, cần hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán thành công thể hiện ở các nội dung như chất lượng thông tin, chất lượng hệ thống và sự hài lòng của người sử dụng hệ thống, trình độ nhân viên kế toán để nâng cao thành quả hoạt động. Do đó, nhằm đảm bảo sự thành công của hệ thống này cần đánh giá liên tục các khía cạnh chất lượng thông tin, chất lượng hệ thống, trình độ nhân viên kế toán và sự hài lòng của người dùng từ đó kịp thời phát hiện lỗi, các hạn chế, yếu kém của hệ thống và thực hiện các biện pháp khắc phục, cải tiến hệ thống.
Kết quả nghiên cứu này cung cấp bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng của hệ thống thông tin kế toán thành công đến thành quả hoạt động tài chính và phi tài chính của DN sản xuất Việt Nam. Do đó, nhằm nâng cao thành quả hoạt động của DN các nhà quả trị, cần đảm bảo sự thành công của hệ thống thông tin kế toán, từ đó cung cấp thông tin chất lượng, kịp thời để việc ra quyết định kinh tế của nhà quản lý xuất phát từ các căn cứ phù hợp, chính xác, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của nhà quản lý, nâng cao thành quả hoạt động của DN.
Tài liệu tham khảo:
- DeLone, W. H., & McLean, E. R. (2016), Information systems success measurement. Foundations and Trends® in Information Systems, 2(1), 1-116;
- Mauldin, E. G. & Ruchala, L. V. (1999), Towards a meta-theory of accounting information systems. Accounting, Organizations and Society, 24, 317-331;
- Miller, J., & Doyle, B. A. (1987), Measuring the effectiveness of computer-based information systems in the financial services sector. MIS quarterly, 107-124;
- Tabachnick, B. G., & Fidell, L. S. (2007), Using multivariate statistics. Northridge. Cal.: Harper Collins.