Ảnh hưởng của Linh hoạt tiền đến giá trị công ty cổ phần phi tài chính niêm yết trên TTCK trong và sau đại dịch COVID-19

TS. Chu Thị Thu Thuỷ Bộ môn Kế toán – Khoa Kinh tế Quản lý, Trường Đại học Thăng Long

Nghiên cứu này nhằm xác định ảnh hưởng của Linh hoạt tiền (CashF) đến giá trị các công ty cổ phần phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong và sau đại dịch COVID-19. Nghiên cứu ứng dụng phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi với sự hỗ trợ của phần mềm Stata 17. Mẫu nghiên cứu được sử dụng gồm 632 công ty cổ phần phi tài chính trong giai đoạn từ quý I/2021 đến quý I/2023. Nghiên cứu đã chứng minh được ảnh hưởng tích cực của Linh hoạt tiền đến giá trị các công ty cổ phần phi tài chính niêm yết tại mức ý nghĩa 1%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trong đại dịch COVID-19 thì Linh hoạt tiền có ảnh hưởng mạnh hơn đến giá trị công ty so với sau thời kỳ COVID-19, đồng thời các công ty có hiệu quả tài chính cao thì Linh hoạt tiền tác động đến giá trị công ty cao hơn so với các công ty có hiệu quả tài chính thấp.

Giới thiệu

Trong và sau đại dịch COVID-19, các công ty cổ phần (CTCP) niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có xu hướng nắm giữ tiền và tài sản có tính thanh khoản cao. Điều này giúp các công ty gia tăng được linh hoạt trong tài chính, từ đó có khả năng phản ứng nhanh với những cú sốc tiêu cực và nắm bắt được các cơ hội tăng trưởng (La Rocca và Cambrea, 2019).

Mặt khác, để tăng cường khả năng cạnh tranh, các công ty thường ưu tiên linh hoạt tài chính hơn là các ưu tiên về tiết kiệm thuế. Điều này làm gia tăng mức độ nắm giữ tiền và tài sản có tính thanh khoản cao (Brounen và các cộng sự, 2004).

Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng ngược chiều của việc nắm giữ tiền và các tài sản có tính thanh khoản cao sẽ làm giả hiệu quả hoạt động của công ty (Y. Huang và các cộng sự, 2013; Oler và Waegelein, 2011), từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị công ty (Faulkender và Wang, 2006; Harford, 1999). Ngược lại, một số nghiên cứu lại chỉ ra ảnh hưởng tích cực của việc nắm giữ tiền và các tài sản có tính thanh khoản cao đến hiệu quả hoạt động (Fré sard và Salva, 2010; Kalcheva và Lins, 2007), từ đó ảnh hưởng tích cực đến giá trị công ty (Mikkelson và Parch, 2003; Peng và Zhou, 2006; Pinkowitz và Williamson, 2001).

Nghiên cứu này tập trung phân tích ảnh hưởng của tỷ lệ nắm giữ tiền và các khoản tương đương tiền, gọi là Linh hoạt tiền (LHT) đến giá trị của các CTCP phi tài chính niêm yết trên TTCK Việt Nam với các biến kiểm soát là hiệu quả tài chính (HQTC), rủi ro hệ thống và biến giả COVID-19. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng đưa ra mức độ LHT tối ưu đối với các CTCP phi tài chính niêm yết trên TTCK Việt Nam trong và sau đại dịch COVID-19.

Cơ sở lý thuyết

Linh hoạt tiền

LHT là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng của linh hoạt tài chính trong công ty, giúp công ty phản ứng, giảm thiểu được tổn thất khi có sự thay đổi trong môi trường kinh doanh cũng như khai thác tối đa được các cơ hội tăng trưởng trong kinh doanh. LHT được đo lường thông qua mức độ dự trữ tiền và các khoản tương tương tiền trong các công ty. Tuy nhiên, các công ty có quy mô giá trị đầu tư vào tài sản khác nhau nên để so sánh mức độ LHT giữa các công ty thì LHT trong nghiên cứu được đo lường bằng tỷ lệ tiền và các khoản tương đương tiền trên tổng tài sản. Thước đo LHT được tác giả kế thừa và phát triển từ các nghiên cứu của Meier và Laurin (2013), Al-Slehat (2019), Teng và các cộng sự (2021) và Chang và Wu (2021).

Các lý thuyết nền tảng về linh hoạt tiền và giá trị công ty

- Lý thuyết đánh đổi: Theo lý thuyết đánh đổi của Kraus và Litzenberger (1973), mặc dù có những lợi ích trong việc nắm giữ tiền và các khoản tương đương tiền, tuy nhiên việc duy trì LHT cao cũng phát sinh nhiều chi phí. Trước hết, duy trì LHT cao sẽ tăng chi phí đại diện. Các DN có LHT cao không bắt buộc phải huy động vốn trên thị trường vốn. Do đó, các nhà quản lý sẽ tránh khỏi sự giám sát của thị trường và theo đuổi lợi ích riêng thay vì tối đa hoá lợi ích của cổ đông (Jensen, 1986). Hơn nữa, tiền và các khoản tương đương tiền cao sẽ dẫn đến chi phí cơ hội của dự trữ tiền cao do tỷ lệ sinh lời của tiền và các khoản tương đương tiền thấp. Một số các nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh được quan điểm duy trì LHT phù hợp với lý thuyết đánh đổi như nghiên cứu của Wasiuzzaman (2014), Uyar và Kuzey (2014), Al-Najjar (2011), Ferreira và Vilela (2004) và (Oplervà các cộng sự, 1999).

- Lý thuyết trật tự phân hạng: Lý thuyết trật tự phân hạng được phát triển và nghiên cứu bởi Myers và Majluf (1984). Theo lý thuyết trật tự phân hạng, mức độ LHT là kết quả của các quyết định đầu tư và tài chính của một công ty. Các công ty sử dụng dòng tiền của họ để tài trợ cho các cơ hội hoặc dự án đầu tư của họ, để trả nợ khi đến hạn và sau đó tích lũy dòng tiền không sử dụng dưới dạng số dư tiền. Nếu dòng tiền không thể đảm bảo chi trả được các yêu cầu trên, các công ty có thể sử dụng dự trữ tiền như một bộ đệm để tránh phải huy động nguồn tài trợ bên ngoài. Như vậy, theo lý thuyết trật tự phân hạng thì không có mức LHT tối ưu (Oplervà các cộng sự, 1999). Một số các nghiên cứu thực nghiệm chứng minh việc duy trì LHT được giải thích bằng lý thuyết trật tự phân hạng như nghiên cứu của Uyar và Kuzey (2014), Al-Najjar (2011), Ferreira và Vilela (2004), Frank và Goyal (2003).

- Lý thuyết dòng tiền tự do: Theo lý thuyết dòng tiền tự do của Jensen (1986), các nhà quản lý thích duy trì LHT cao để tăng sự kiểm soát về tài sản của công ty. Tuy nhiên, LHT cao có thể dẫn đến vấn đề đầu tư quá mức. Ngoài ra, các công ty luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngân hàng do đó các công ty nên duy trì LHT thấp hơn để đảm bảo tối đa hoá lợi ích của cổ đông (Ferreira và Vilela, 2004). Theo lý thuyết dòng tiền tự do thì duy trì LHT cao là cơ sở cho sự chủ động trong các quyết định đầu tư của nhà quản lý song cũng phát sinh vấn đề chi phí đại diện trong quản lý LHT (Ferreira và Vilela, 2004). Ngoài ra, các nhà quản lý duy trì LHT cao vì không muốn chi trả cổ tức cho các cổ đông (Drobetz và Grüninger, 2007). Một số nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh sự duy trì LHT phù hợp với lý thuyết dòng tiền tự do như các nghiên cứu của Uyar và Kuzey (2014), Al-Najjar (2011), Ferreira và Vilela (2004) và Wasiuzzaman (2014).

Phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả đưa các biến rủi ro hệ thống, HQTC và COVID là biến kiểm soát để phân tích ảnh hưởng của LHT đến giá trị công ty. Mô hình nghiên cứu được mô tả dưới phương trình toán học như sau:

TobinQi,t = a0 + a1*ROAi,t+a2*CashFi,t +a3*COVIDi,t +a4*Betai,t+ ui,t (1)

TobinQi,t = a0 + a1*ROAi,t+a2*CashFi,t +a3*COVIDi,t ++a4*Betai,t +a5*CashF2i,t + ui,t (2)

Trên cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm, cặp giả thuyết nghiên cứu được đưa ra trong mô hình nghiên cứu là:

H0: LHT không có tác động đến giá trị công ty

H1: LHT có tác động đến giá trị công ty

Các biến nghiên cứu: Trên cơ sở các nghiên cứu và các lý thuyết liên quan, các biến nghiên cứu được định nghĩa và đo lường cụ thể trong Bảng 1.

Bảng 1: Định nghĩa và thước đo các biến trong mô hình

Ký hiệu

Tên biến

Đo lường

TobinQ

Giá trị công ty

Tổng giá trị thị trường công ty/Tổng tài sản

CashF

Linh hoạt tiền

CashF = Tiền và các khoản tương đương tiền/Tổng tài sản

ROA

HQTC

ROA= Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản

Beta

Rủi ro hệ thống

Beta được xác định bằng cách dùng mô hình hồi quy chỉ số đơn

Ri = α+β*RM+ui

Ri, RM được xác định lần lượt bằng cách lấy giá chứng khoán/VNidex của các phiên giao dịch cuối tháng sau/tháng trước sau đó trừ (-) 1

COVID

COVID

Nhận giá trị 1 trong thời kỳ COVID từ quý I/2021 đến quý I/2022, và nhận giá trị trong giai đoạn sau COVID từ quý II/2022 đến quý I/2023

Nguồn: Tác giả tổng hợp

 

Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu là 632 CTCP phi tài chính niêm yết trên TTCK Việt Nam giai đoạn từ quý I/2021 đến quý I/2023. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các CTCP niêm yết trên TTCK Việt Nam (bao gồm Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội).

Dữ liệu trong báo cáo tài chính sử dụng để tính CashF và ROA. Ngoài ra, dữ liệu giao dịch của các CTCP và chỉ số VN-Index cũng được thu thập để xác định beta và TobinQ. Trong quá trình thu thập thông tin, tác giả loại bỏ những công ty thiếu thông tin, vì vậy số lượng được thu thập và sử dụng trong nghiên cứu là 632 công ty niêm yết trong giai đoạn từ quý I/2021 đến quý I/2023. Thống kê mô tả các biến nghiên cứu được trình bày chi tiết trong Bảng 2.

Bảng 2 cung cấp dữ liệu chi tiết về giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất của các biến trong mô hình nghiên cứu, trong đó giá trị công ty (TobinQ) có giá trị trung bình là 0,754 lần với giá trị lớn nhất là 9,511 lần và giá trị nhỏ nhất là 0,03 lần. CTCP phi tài chính niêm yết trên TTCK Việt Nam giai đoạn từ quý I/2021 đến quý I/2023 có LHT trung bình là 0,074 lần và giá trị lớn nhất là 0,861 lần và giá trị nhỏ nhất là 0,000013. Rủi ro hệ thống của các công ty này có giá trị trung bình là 0,582 lần, giá trị nhỏ nhất là -1,68 lần và giá trị lớn nhất là 2,57 lần. ROA có giá trị TB là 0,013 lần, giá trị nhỏ nhất là -0,49 lần và giá trị lớn nhất là 0,751 lần.

Kết quả nghiên cứu

Bảng 2: Thống kê mô tả các biến

Biến

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

TobinQ

0,754

0,707

0,03

9,511

CashF

0,074

0,009

0,000013

0,861

ROA

0,013

0,03

-0,490

0,751

Beta

0,583

0,524

-1,68

2,57

Nguồn: Dữ liệu được Tác giả xử lý với sự hỗ trợ của phần mềm Stata 17

Trước khi đi vào phân tích hồi quy, tác giả thực hiện kiểm định Hausman, tự tương quan, và phương sai sai số thay đổi. Kết quả cho thấy, kiểm định Hausman có hệ số P-value nhỏ hơn mức ý nghĩa 5% nên ε_i và biến độc lập có tương quan với nhau, vì vậy mô hình có tác động cố định (FEM) phù hợp hơn so với mô hình có tác động ngẫu nhiên (REM) trong phân tích hồi quy. Thêm vào đó, kết quả kiểm định tự tương quan Wooldridge cho thấy hệ số P-value cũng nhỏ hơn 5% nên trong mô hình có hiện tượng tự tương quan. Cuối cùng, kết quả kiểm định phương sai sai số thay đổi Breusch và Pagan Lagrangian Multiplier cho hệ số P-value nhỏ hơn mức ý nghĩa 5% cho thấy mô hình có hiện tượng phương sai sai số thay đổi.

Để khắc phục hiện tượng phương sai sai số thay đổi và tự tương quan trong mô hình, tác giả sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất tổng quát khả thi (FGLS) với ước tính GLS lặp đi lặp lại. Kết quả cho thấy, hệ số P-value của cả hai mô hình nhỏ hơn mức ý nghĩa 1% cho thấy các hệ số hồi quy của các biến độc lập không đồng thời bằng 0, hay mô hình phù hợp sử dụng để giải thích sự thay đổi của giá trị của các CTCP phi tài chính niêm yết trên TTCK Việt Nam giai đoạn từ quý I/2021 đến quý I/2023. Mặt khác, hệ số P-value của các biến độc lập là đều nhỏ hơn mức ý nghĩa 1%, như vậy có đủ cơ sở để khẳng định rằng các biến độc lập đều có tác động đến giá trị công ty.

Từ kết quả hồi quy, mô hình thực nghiệm có được trình bày dưới dạng toán học như sau:

TobinQi,t = 0,3517 + 0,2038 *ROAi,t+0,3139*CashFi,t +0,1107*COVIDi,t - 0,0751*Betai,t+ ui,t (1)

TobinQi,t = 0,3392 + 0,2066 *ROAi,t+0,6572*CashFi,t +0,1100*COVIDi,t - 0,0738*Betai,t -1,1242*CashF2i,t + ui,t (2)

Kết quả mô hình 1 và mô hình 2 cho thấy, LHT có ảnh hưởng tích cực đến giá trị các CTCP phi tài chính niêm yết trên TTCK Việt Nam. Các công ty duy trì mức LHT cao trong và sau thời kỳ đại dịch COVID -19 có khả năng phản ứng tốt trước các cú sốc kinh tế và giảm được nguy cơ đe doạ tài chính. Hơn nữa, duy trì mức LHT cao cũng giúp công ty tăng khả năng tiếp cận với các dự án đầu tư tăng trưởng, giảm thiểu khả năng đầu tư dưới mức. Đồng thời làm tăng uy tín tài chính của công ty trên thị trường vốn, do đó chi phí huy động vốn để đầu tư của các công ty thấp hơn, góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động của công ty và tăng khả năng sinh lời. Như vậy, trong và sau thời kỳ COVID-19, các công ty tăng LHT sẽ tăng giá trị công ty. Kết quả nghiên cứu phù hợp với các nghiên cứu của Mikkelson và Parch (2003), Peng và Zhou (2006) và Pinkowitz và Williamson (2001). Tuy nhiên, theo kết quả mô hình 2 cho thấy, không phải càng gia tăng LHT sẽ càng tăng giá trị công ty.

dTobinQ_(i,t)/(dCashF(i,t) =0,6572-2,2484*CashF_(i,t)

Giải phương trình đạo hàm TobinQ theo CashF bằng 0, tìm được mức LHT để giá trị công ty đạt lớn nhất là 29,23%. Như vậy, có thể kết luận rằng mức LHT công ty duy trì vượt quá 29,23% sẽ làm giảm giá trị của các công ty. Điều này phù hợp với lý thuyết đánh đổi, khi công ty duy trì mức LHT ngoài lợi ích đạt được thì cũng phát sinh các chi phí như chi phí đại diện và chi phí cơ hội của việc dự trữ tiền và các khoản tương đương tiền.

Kết quả mô hình 1 và mô hình 2 cũng cho thấy, HQTC và COVID-19 có tác động tích cực đến giá trị công ty với hệ số hồi quy dương. Điều này cho thấy, với những công ty có HQTC cao hơn thì ảnh hưởng của linh hoạt tài chính mạnh hơn so với các công ty có HQTC thấp. Hơn nữa, ảnh hưởng của hưởng của linh hoạt tài chính đến giá trị công ty trong thời kỳ COVID-19 cao hơn ảnh hưởng của linh hoạt tài chính sau thời kỳ COVID-19.

Mặt khác, kết quả mô hình 1 và mô hình 2 cũng chỉ ra rằng rủi ro hệ thống có tác động ngược chiều đến giá trị công ty với hệ số hồi quy âm. Như vậy, các công ty có rủi ro hệ thống thấp thì LHT ảnh hưởng mạnh hơn đến giá trị công ty so với các công ty có rủi ro hệ thống cao.

Kết luận

Trên cơ sở mẫu nghiên cứu 632 CTCP niêm yết trên TTCK Việt Nam giai đoạn từ quý I/ 2021 đến quý I/2023, nghiên cứu đã chứng minh được ảnh hưởng của LHT đến giá trị công ty và LHT (tỷ lệ dự trữ tiền và các khoản tương đương tiền trên tổng tài sản) tối ưu là 29,23%. Điều này chứng tỏ rằng, lý thuyết trật tự phân hạng và lý thuyết đánh đổi có thể ứng dụng để giải thích mối quan hệ giữa LHT đến giá trị công ty. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các công ty có có rủi ro hệ thống cao và HQTC thấp thì LHT ảnh hưởng đến giá trị công ty ít hơn so với công ty có rủi ro hệ thống thấp và HQTC cao. Mặt khác, trong thời kỳ COVID- 19, LHT ảnh hưởng đến giá trị công ty mạnh hơn so với sau thời kỳ COVID-19. Từ kết quả nghiên cứu trên, một số gợi ý về quản trị CTCP phi tài chính niêm yết trên TTCK Việt Nam như sau: Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh hoặc các biến động bất thường của nền kinh tế, các công ty nên duy trì mức độ LHT cao để đảm bảo đối phó được các cú sốc xảy ra. Sau giai đoạn ảnh hưởng, các công ty có thể giảm thiểu mức độ LHT phù hợp với mục tiêu và nhu cầu đầu tư để đạt được hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, việc duy trì mức LHT không nên vượt qua tỷ lệ 29,23% vì nếu vượt qua tỷ lệ này giá trị công ty trong và sau thời kỳ COVID-19 có xu hướng giảm. Hơn nữa, với các công ty có mức độ rủi ro hệ thống cao cần duy trì mức độ LHT cao hơn để đối phó và giảm thiểu ảnh hưởng của các cú sốc trong và sau thời kỳ COVID-19. Mặt khác, các công ty có HQTC cao có thể duy trì LHT thấp hơn so với các công ty có HQTC thấp. Nguyên nhân là do các công ty này có sự tích luỹ của nguồn lợi nhuận để lại dồi dào nên luôn có đủ vốn đảm bảo đầu tư vào những dự án có cơ hội tăng trưởng cũng như đối phó linh hoạt với những tình huống bất định xảy ra trong và sau thời kỳ COVID-19.

Tài liệu tham khảo:

  1. Acharya, V. V., Almeida, H., và Campello, M. (2007). Is cash negative debt? A hedging perspective on corporate financial policies. Journal of Financial Intermediation, 16, 515-554. doi:10.1016/j.jfi.2007.04.001;
  2. Al-Najjar, B. (2011). Corporate cash holdings and dividend payments: Evidence from simultaneous analysis. Managerial and Decision Economics, 32(4), 231-241;
  3. Faulkender, M., và Wang, R. (2006). Corporate financial policy and the value of cash. Journal of Finance, 61(4), 1957-1990;
  4. Ferreira, M. A., và Vilela, A. S. (2004). Why do firms hold cash? Evidence from EMU countries. European Financial Management, 10(2), 295-319;
  5. Fré sard, L., và Salva, C. (2010). The value of excess cash and corporate governance: Evidence from US cross-listings. Journal of Financial Economics, 98(2), 359-384;
  6. Huang, Y., Elkinawy, S., và Jain, P. K. (2013). Investor protection and cash holdings: Evidence from US cross-listing. Journal of Banking và Finance, 37(3), 937-951;
  7. Peng, T., và Zhou, W. (2006). A study on the high cash holdings of Chinese listed Corporations - agent theory or trade off theory. Accounting Research, 5, 42-49+95;
  8. Pinkowitz, L., và Williamson, R. (2001). Bank Power and Cash Holdings: Evidence from Japan. Review of Financial Studies, 14, 1059-1082;
  9. Uyar, A., và Kuzey, C. (2014). Determinants of corporate cash holdings: Evidence from the emerging market of Turkey. Applied Economics, 46(9), 1035-1048.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2024