Áp “biên độ” mới cho phí môi giới chứng khoán
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 38/2011/TT-BTC qui định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán với “biên độ”.
Cụ thể, theo Thông tư số 38, phí môi giới mua, bán chứng khoán (áp dụng cho cả chứng khoán đăng ký giao dịch tại UpCOM) đối với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ mà các công ty chứng khoán thu là từ 0,15% đến 0,5% giá trị giao dịch, với trái phiếu là 0,02 % đến 0,1% giá trị giao dịch.
Trước đây, mức phí môi giới giao dịch được ban hành trong Thông tư số 01/2000/TT-UBCK1 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước qui định phí dịch vụ môi giới (hoa hồng môi giới) mua, bán chứng khoán với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư mà các công ty chứng khoán thu tối đa không quá 0,75% trị giá giao dịch; với trái phiếu thì tối đa không quá 0,5% trị giá giao dịch.
Tuy nhiên, sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2000/TT-UBCK1 để sửa đổi cho Thông tư 01 với phí dịch vụ môi giới (hoa hồng môi giới) mua, bán chứng khoán đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư tối đa không quá 0,5% và trái phiếu tối đa không quá 0,15% trị giá giao dịch.
Như vậy, so với các quy định trước đó, Thông tư số 38 của Bộ Tài chính đã tạo ra một “biên độ” mới cho phí giao dịch chứng khoán. Vì trước đó, các Thông tư 01 và Thông tư 02 chỉ qui định mức tối đa cho mức phí giao dịch. Việc sửa đổi này có thể hiểu là Bộ Tài chính áp cơ chế “sàn” trong phí môi giới, qua đó giới hạn việc cạnh tranh phí giữa các thành viên.
Ngoài mức phí trên, Thông tư 38 cũng qui định mức phí bảo lãnh phát hành mà các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại được thu là từ 0,5% đến 2% tổng giá trị bảo lãnh phát hành đối với cổ phiếu.
Còn với các công ty quản lý quỹ chỉ được thu tối đa 2%/giá trị vốn uỷ thác bình quân/năm đối với phí quản lý danh mục đầu tư và tối đa 2%/giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV) hoặc giá trị tài sản ròng của danh mục/năm với phí quản lý quỹ đầu tư.
Thông tư 38 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2011.