Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại các nước châu Á
Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế này, ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Đây được xem như là tuyên bố chính thức của Việt Nam trong việc ủng hộ Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế không chỉ là một ngôn ngữ kế toán toàn cầu mà còn là ngôn ngữ kinh doanh quốc tế; đồng thời, đưa Việt Nam vào bản đồ các quốc gia và vùng lãnh thổ có áp dụng.
Bài viết trao đổi về kinh nghiệm áp dụng chuẩn mức báo cáo tài chính quốc tế ở một số quốc gia châu Á, từ đó rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Kinh nghiệm áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại một số quốc gia
Nhật Bản
Hiện nay, Nhật Bản không quy định bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (IFRS) mà cho tự nguyện lựa chọn áp dụng. Theo đó, từ tháng 3/2010, các công ty đại chúng trong nước có thể lựa chọn 1 trong 4 chuẩn mực sau để lập và trình bày BCTC hợp nhất, gồm: Chuẩn mực kế toán Nhật Bản (JGAAP); Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS); Chuẩn mực kế toán Nhật Bản có điều chỉnh (JMIS); Chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP). Tuy nhiên, kể từ năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2016, Nhật Bản không cho phép các công ty niêm yết lựa chọn chuẩn mực kế toán Mỹ để lập và trình bày BCTC nữa.
Các công ty niêm yết và công ty chuẩn bị niêm yết tại Nhật Bản được tự nguyện lựa chọn áp dụng chuẩn mực IFRS để lập và trình bày BCTC hợp nhất nhưng phải áp dụng theo JGAAP khi lập và trình bày BCTC riêng để gửi cho các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan thuế, cơ quan quản lý khác… Nhật Bản cũng không cấm các DN áp dụng IFRS cho việc lập và trình bày BCTC riêng phục vụ cho các mục đích khác như để quản trị DN, để hợp nhất với BCTC của công ty mẹ ở nước ngoài, vay vốn trên thị trường quốc tế… Các công ty nước ngoài niêm yết ở Nhật Bản cũng được tự nguyện áp dụng chuẩn mực IFRS để lập BCTC hợp nhất cho mục đích niêm yết ở thị trường Nhật Bản.
Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, tất cả các công ty niêm yết, tổ chức tài chính, DN nhà nước và các đơn vị có lợi ích công chúng khác đều thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng IFRS và không có ngoại lệ. Các quy định bắt buộc các công ty này áp dụng IFRS được thực hiện từ năm 2011. Ngoài ra, còn có các đối tượng khác tự nguyện áp dụng IFRS. Tất cả các công ty không niêm yết khác được tự nguyện áp dụng IFRS. Nếu đã áp dụng IFRS thì không bắt buộc phải áp dụng K-GAAP của Hàn Quốc.
Các công ty nước ngoài niêm yết tại thị trường Hàn Quốc được tự nguyện lựa chọn một trong các khuôn khổ sau để lập và trình bày BCTC hợp nhất cho mục đích niêm yết tại Hàn Quốc, bao gồm: Chuẩn mực IFRS; Chuẩn mực IFRS được thông qua tại Hàn Quốc (K-IFRS); Chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP). Các DN nhỏ và vừa được tự nguyện áp dụng IFRS. Các công ty không niêm yết là DNNVV thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập được yêu cầu bắt buộc sử dụng K-GAAP nếu không chọn áp dụng IFRS đầy đủ.
Các đối tượng bắt buộc áp dụng chuẩn mực K-IFRS đều được yêu cầu đối với cả việc lập BCTC hợp nhất và BCTC riêng. Còn các đối tượng bắt buộc áp dụng chuẩn mực IFRS để lập BCTC cho mục đích niêm yết như là các công ty nước ngoài niêm yết ở Hàn Quốc thì chỉ yêu cầu đối với BCTC hợp nhất.
Malaysia
Hiện nay, các DN tại Malaysia hoạt động dựa vào bộ 3 khuôn khổ kế toán: Khung chuẩn mực BCTC cũ (FRS) được ban hành dựa vào Hội đồng chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS); Khung chuẩn mực báo cáo dành cho các tổ chức tư nhân (PERS) và khung chuẩn mực BCTC Malaysia (MFRS). Bộ ba khuôn khổ này đều do Hội đồng Chuẩn mực kế toán Malaysia (MASB) ban hành và được các tổ chức áp dụng tùy thuộc vào từng loại hình tổ chức. Theo đánh giá, dù tiến trình áp dụng IFRS của Malaysia là chậm và đều hơn so với nước khác nhưng chuẩn mực kế toán Malaysia hoàn toàn theo sát chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS.
Theo đó, từ năm 2008, MASB chính thức tuyên bố về việc thông qua IFRS. Sau đó, MASB và Viện Kế toán Malaysia (MIA) thực hiện nhiều bước chuẩn bị cho tiến trình áp dụng IFRS như đào tạo, huấn luyện lực lượng kế toán viên và kiểm toán viên có hiểu biết về IFRS nhằm đảm bảo quá trình áp dụng IFRS thành công. Ngày 19/11/2011, MASB ban hành khung chuẩn mực kế toán thứ 3 tuân thủ theo IFRS nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm riêng của Malaysia và đặt tên là chuẩn mực BCTC Malaysia (MFRS), bắt đầu áp dụng từ ngày 01/01/2012.
Việc ban hành MFRS đã thể hiện cam kết của Malaysia trong tiến trình thông qua IFRS và MFRS trở thành chuẩn mực đáng tin cậy trong việc hướng dẫn cho các công ty niêm yết lập BCTC tuân theo IFRS. Trong quá trình thông qua IFRS, Malaysia cũng gặp nhiều thách thức như việc thu nhập, chuẩn bị, trình bày thông tin làm phát sinh chi phí nhiều hơn lợi ích mang lại. Malaysia hiện đang áp dụng IFRS vững chắc, gắn với nâng cao giáo dục, đào tạo những người hành nghề trong lĩnh vực kế toán, thúc đẩy sự phát triển các hiệp hội nghề nghiệp, tạo cơ cơ sở quan trọng cho tiến trình thông qua hoàn toàn IFRS tại quốc gia này.
Trung Quốc
Trung Quốc đã chấp nhận xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán mới theo hướng hội tụ kế toán quốc tế trên cơ sở IFRS gồm 38 chuẩn mực kế toán có hiệu lực từ năm 2007. Bộ Tài chính Trung Quốc (cơ quan ban hành chuẩn mực kế toán Trung Quốc) đang sửa đổi chuẩn mực kế toán quốc gia theo hướng phù hợp hơn với IFRS. Tuy nhiên, cơ quan này chưa thông báo bất kỳ kế hoạch nào nhằm áp dụng trực tiếp các IFRS tại Trung Quốc. Ở Trung Quốc, các công ty đại chúng trong nước không bắt buộc phải áp dụng chuẩn mực IFRS. Các DN này phải áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc gia của Trung Quốc (ASBE) cho việc lập BCTC tại Trung Quốc đại lục. Hiện nay, ở Trung Quốc chưa có công ty nước ngoài niêm yết ở thị trường Trung Quốc. Do vậy, không có quy định liên quan nào về việc các công ty này có được phép áp dụng chuẩn mực IFRS hay không.
Hàm ý đối với Việt Nam
Ngày 18/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 480/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Quyết định này nêu rõ nhiệm vụ Bộ Tài chính là cập nhật, ban hành bổ sung chuẩn mực báo cáo tài chính theo hướng phù hợp với IFRS, đặc biệt là các chuẩn mực BCTC của nền kinh tế thị trường phát triển và gắn liền với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là yêu cầu được đề cập tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Triển khai nhiệm vụ được giao, ngày 23/5/2017, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban soạn thảo “Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế tại Việt Nam” theo Quyết định số 918/QĐ-BTC. Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam.
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia châu Á, có thể thấy, tới đây, trong quá trình triển kháp, áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ đối mặt với một số thách thức, rào cản như: Thiếu nhiều nguồn lực trong triển khai thực hiện; thị trường vốn và thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh; tâm lý không muốn công khai về tình hình tài chính của một số DN; đội ngũ nhân lực về kế toán chưa được đào tạo sâu về IFRS; Rào cản về ngôn ngữ; yếu tố văn hóa, tư duy và khía cạnh pháp lý… Do vậy, Việt Nam cân nhắc các vấn đề có thể coi là các bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng IFRS và chuẩn mực BCTC.
Hầu hết các quốc gia ở châu Á thừa nhận nhưng không bắt buộc áp dụng Chuẩn mực quốc tế mà cho phép DN được lựa chọn giữa chuẩn mực quốc gia hoặc Chuẩn mực quốc tế (bản chất là áp dụng IFRS tự nguyện). Một số quốc gia quy định cụ thể về một số đối tượng bắt buộc phải áp dụng IFRS còn các đối tượng khác thì được khuyến khích áp dụng. Qua khảo sát thực tế, hầu hết các đối tượng áp dụng IFRS tại các nước là các DN đại chúng quy mô lớn. Như vậy, ở Việt Nam, ngoài các DN tự nguyện, bắt buộc áp dụng IFRS, cần thực hiện rà soát, ban hành mới hệ thống chuẩn mực BCTC Việt Nam (VFRS), thay thế cho 26 chuẩn mực kế toán hiện nay, áp dụng cho các DN còn lại. Trong đó, với đặc thù nền kinh tế Việt Nam, với phần lớn các DN có quy mô nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ thì cần được hướng dẫn riêng theo Luật hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ.
Thứ hai, về phạm vi, cách thức áp dụng IFRS.
Phần lớn quốc gia đều tuyên bố áp dụng nguyên mẫu IFRS. Một số nước cho phép áp dụng IFRS cho cả BCTC hợp nhất và BCTC riêng nhưng cũng có nước chỉ cho phép áp dụng IFRS cho BCTC hợp nhất. Một số ít các nước lựa chọn phương pháp áp dụng IFRS theo từng đợt, mỗi đợt áp dụng một số chuẩn mực theo khả năng của các DN. Như vậy, việc công bố áp dụng nguyên mẫu IFRS mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích, tuy nhiên DN cần xác định nhu cầu, khả năng và điều kiện của đơn vị mình một cách nghiêm túc để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện. Ngoài ra, các chuẩn mực của Việt Nam (VFRS) cũng cần phải tiệm cận gần nhất với IFRS, nhằm tiếp cần nhiều hơn với thông lệ quốc tế.
Thứ ba, về quy trình công bố và chuẩn bị áp dụng IFRS.
Việc áp dụng IFRS là một công việc tương đối phức tạp nên thông thường các quốc gia đều phải xây dựng kế hoạch và lộ trình áp dụng IFRS. Các DN cũng được thông báo để có đủ thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực (tối thiểu 3 năm kể từ ngày công bố chủ trương) khi triển khai áp dụng.… Là một nền kinh tế đang từng bước hội nhập quốc tế, thị trường tài chính dù đã có bước phát triển nhưng vẫn còn non trẻ, Việt Nam cần xây dựng lộ trình có tính thận trọng khả thi, với mục tiêu đảm bảo ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ; đảm bảo tính khả thi trong công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và khả năng thực hiện của DN, mang lại hiệu quả thiết thực.
Thứ tư, về xử lý sự khác biệt giữa chuẩn mực BCTC và chính sách thuế, cơ chế tài chính.
Việt Nam hiện có 3 loại văn bản quy phạm pháp luật cùng tác động đến công tác tài chính của DN là chuẩn mực BCTC, chính sách thuế và cơ chế tài chính dẫn đến sự chồng chéo, không nhất quán trong cách thức tiếp cận và áp dụng các chính sách này do DN cũng như cơ quan quản lý Nhà nước chưa phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực BCTC, chính sách thuế và cơ chế tài chính.
Điều này gây nhiều khó khăn cho DN vì cùng một vấn đề nhưng chuẩn mực BCTC và cơ chế tài chính có thể xử lý khác nhau. Do vậy, tới đây, Việt Nam cần rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính theo các mục tiêu cải cách; tạo sự bình đẳng trong việc áp dụng và thực thi pháp luật giữa các thành phần kinh tế; xác định và phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực BCTC và cơ chế tài chính, hạn chế vướng mắc trong việc lập, trình bày BCTC và thực hiện các nghĩa vụ của DN.
Kết luận
Việc thực hiện theo IFRS được ví như một cuộc cách mạng trong công tác kế toán và lập BCTC đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn của tất cả các bên liên quan để vượt qua các khó khăn, thách thức. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đối tượng liên quan. Chẳng hạn, cơ quan Nhà nước tuyên bố về chính sách và cách thức, lộ trình áp dụng IFRS; các DN phải tự tổ chức đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin để triển khai áp dụng IFRS theo lộ trình công bố của Chính phủ; các cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp chuẩn bị cho việc đào tạo sinh viên, hội viên; các công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu về cung cấp dịch vụ trong tình hình mới…
Tài liệu tham khảo:
Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam;
Đào Duy Hà (2019), Áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam và những yêu cầu đặt ra, Tạp chí Tài chính;
Hoàng Mỹ Bình (2019), Tăng cường áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2 tháng 12/2019.