Áp dụng chứng thư số trong triển khai các dịch vụ công điện tử của Kho bạc Nhà nước

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 177 (3/2017)

Triển khai thực hiện dịch vụ công (DVC), giao nhận hồ sơ thông qua môi trường internet là một bước quan trọng trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN); góp phần nâng cao hiệu quả thi hành công vụ trên cơ sở đơn giản hóa về thủ tục, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử. Khi tham gia sử dụng các dịch vụ công (DVC) của KBNN, chứng thư số là yêu cầu bắt buộc để các đơn vị quản lý cũng như đơn vị sử dụng NSNN đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thời gian qua, KBNN đã tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết số 36a/ NQ-CP về Chính phủ điện tử và triển khai Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, một trong ba mục tiêu đến năm 2015 là “Cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn” và định hướng đến năm 2020 là “tích hợp các hệ thống thông tin” và “hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau".

KBNN đã thực hiện xây dựng Cổng thông tin điện tử KBNN, tích hợp 03 DVC trực tuyến mức 3, mức 4 cung cấp cho các đơn vị, tổ chức đăng ký, sử dụng tài khoản tại KBNN hoặc thực hiện việc kiểm soát chi NSNN qua KBNN (không bao gồm cá nhân, các đơn vị thuộc khối an ninh, quốc phòng).

Các dịch vụ công trực tuyến bao gồm: Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với KBNN; giao diện thông tin yêu cầu thanh toán qua mạng và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán; đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN.

Để có căn cứ áp dụng, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2704/QĐ-BTC ngày 17/12/2015 về việc thí điểm thủ tục giao dịch điện tử đối với dịch vụ công trên Cổng thông tin KBNN; KBNN đã ban hành Công văn số 451/KBNN-CNTT ngày 3/2/2016 và Công văn số 894/KBNN-CNTT ngày 8/3/2016 hướng dẫn về việc triển khai thí điểm 03 DVC trực tuyến cho 5 KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh.

Điều kiện để các đơn vị tham gia sử dụng các dịch vụ công của KBNN là: Đơn vị cần phải đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ công với cơ quan KBNN, nơi đơn vị mở tài khoản và thực hiện giao dịch; cần có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị cấp (Ban Cơ yếu Chính phủ).

Sau khi được KBNN tiếp nhận, đăng ký và chấp nhận, đơn vị sẽ được cấp tài khoản đăng nhập vào dịch vụ công KBNN. Tùy theo dịch vụ công và mức độ đăng ký tham gia, đơn vị có thể sử dụng các dịch vụ công của kho bạc như: Dịch vụ công Đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN; Khai báo Phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa thuộc lĩnh vực kho bạc và Giao diện thông tin yêu cầu thanh toán qua mạng và chương trình kê khai yêu cầu.

Được triển khai từ đầu tháng 03/2016, đến nay 03 DVC điện tử đã triển khai thí điểm tại 5 KBNN tỉnh, thành phố, với 39 đơn vị sử dụng NSNN, 752 chứng từ đã được thực hiện trực tuyến. Về cơ bản, các DVC trực tuyến triển khai đã đáp ứng được mục tiêu đề ra: Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị trong quá trình kiểm soát thanh toán.

Dịch vụ công hiện đại, an toàn, bảo mật

Xây dựng DVC điện tử đã góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, công tác mở và sử dụng tài khoản của KBNN theo hướng: Hồ sơ, chứng từ của đơn vị được ký số và gửi trực tiếp tới kho bạc; kho bạc thực hiện kiểm tra, kiểm soát và trả kết quả thông qua DVC điện tử. Quy trình giao - nhận, kiểm soát - trả hồ sơ trực tuyến đã rút ngắn thủ tục hành chính; minh bạch về quy trình, hồ sơ chứng từ và nội dung kiểm soát.

Đây là bước đi đầu tiên tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử và đăng ký mở và sử dụng tài khoản qua mạng. Thông qua DVC, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được ngay tình trạng xử lý hồ sơ, chứng từ làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ nghiệp vụ khi tiếp nhận, kiểm tra và trả kết quả trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Từ quy trình có thể thấy DVC điện tử đã cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian đi lại cho các đơn vị giao dịch đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ.

Đồng thời, DVC điện tử cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “KBNN đang xử lý hồ sơ”; “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối Thanh toán”; “Hồ sơ kiểm soát chi xử lý quá hạn” đã góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN, qua đó các đơn vị giao dịch có thể chủ động được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị mình.

Sử dụng DVC điện tử bắt buộc các đối tượng giao dịch phải sử dụng chữ ký số được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp theo đúng quy trình tại Điều 5, Thông tư số 08/2016/ TT-BQP ngày 01/02/2016 của Bộ Quốc phòng quy định về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dụng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (Thông tư 08), được quy định chi tiết cho từng dịch vụ đơn vị tham gia.

Khi hồ sơ giao dịch gửi đến KBNN qua DVC điện tử, KBNN thực hiện xác thực chữ ký số sử dụng trên hồ sơ thông qua SubCA (là 1 bản sao dữ liệu CA của Ban Cơ yếu đặt tại Bộ Tài chính) để đảm bảo chữ ký sử dụng là chữ ký được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và đang còn hiệu lực sử dụng. Chữ ký số là không thể giả mạo nên quy trình giao dịch bằng DVC điện tử là an toàn, chính xác và được bảo mật tuyệt đối đã hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị.

Một số vướng mắc

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó khăn lớn nhất là: Hiện nay, phần lớn chủ tài khoản và kế toán trưởng của các đơn vị tham gia DVC trực tuyến tại các tỉnh, thành phố đều chưa được cấp chữ ký số một cách đầy đủ.

Số lượng đơn vị dự kiến ban đầu tham gia triển khai sử dụng DVC tại 5 KBNN tỉnh, thành phố là 50 đơn vị nhưng tính tới thời điểm hiện tại, còn nhiều đơn vị chưa đăng ký hoặc chưa được cấp chứng thư số. Chính vì thế, trong thời gian qua số lượng hồ sơ, chứng từ của các đơn vị trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố tham gia triển khai thí điểm gửi qua DVC trực tuyến của KBNN còn hạn chế.

Quy trình đăng ký chứng thư số thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2010/TT-BNV ngày 01/07/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị (từ ngày 17/3/2016 áp dụng theo Thông tư 08) cho các chức danh gồm: Chủ tài khoản và cán bộ được ủy quyền, Kế toán trưởng và người được ủy quyền của các đơn vị.

Theo đó, quy trình xin cấp phải thực hiện qua rất nhiều bước như: Các đơn vị phải báo cáo gửi công văn tới đơn vị chủ quản các đơn vị sử dụng ngân sách là đơn vị trực tiếp chi tiêu ngân sách và là cấp dưới của các bộ - ngành hoặc cấp dưới của UBND tỉnh/ huyện xã); đơn vị chủ quản tập hợp lại danh sách để đăng ký xin cấp chữ ký số với Ban Cơ yếu, có nhiều cơ quan chủ quản chưa tổ chức đầy đủ nhiệm vụ vai trò của một chủ quản thuê bao.

Trong thời gian qua Bộ Tài chính, KBNN đã có nhiều văn bản gửi tới các đơn vị chủ quản cũng như các các đơn vị sử dụng ngân sách về việc đôn đốc đăng ký chữ ký số với Ban Cơ yếu Chính phủ nhưng mỗi bước thực hiện mất nhiều thời gian để xử lý (thường từ 1-2 tháng). Thời gian cấp chứng thư số kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia triển khai thí điểm của các đơn vị.

Dự kiến năm 2017, 2018, KBNN sẽ tiếp tục triển khai mở rộng 3 DVC trực tuyến KBNN cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư (có đủ điều kiện tham gia DVC) tại các tỉnh, thành phố và các quận, thị xã trên toàn quốc, đến năm 2020 sẽ triển khai cung cấp thêm một số dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 khác như: Truy vấn số dư tài khoản, tiếp nhận hồ sơ cam kết chi...

Số lượng đơn vị sử dụng NSNN ước khoảng hơn 400 nghìn đơn vị; trong đó mỗi đơn vị cần có tối thiểu 2 chữ ký số cho chức danh Chủ tài khoản và Kế toán trưởng để tham gia DVC điện tử. Như vậy, số lượng chứng thư số cần cấp là khoảng hơn 800 nghìn. Với số lượng chứng thư số lớn như vậy đòi hỏi cả KBNN và Ban Cơ yếu Chính phủ cần có phương án và kế hoạch cụ thể, kịp thời cho việc triển khai rộng trong thời gian tới.


Chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống Kho bạc Nhà nước

Để tăng cường hiệu lực pháp lý về chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý của nhà nước, đồng thời bảo đảm phù hợp mục tiêu cải cách hành chính và thực tiễn hoạt động của quỹ ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư quy định về lĩnh vực này trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống KBNN hiện đang được điều chỉnh bởi Quyết định số 61/2002/QĐ-BTC ngày 17/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Quyết định 61). Đây không chỉ là một quyết định quy định cơ chế, chính sách trong quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý mà còn là một văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) điều chỉnh về cơ bản các hoạt động kho quỹ và nghiệp vụ kho quỹ của Nhà nước.

Quyết định 61 qua nhiều năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế như: Chưa bao quát đối tượng được bảo quản trong kho tiền, trách nhiệm quản lý kho tiền đối với mỗi thành viên; chưa có quy định trong việc sử dụng và bảo quản chìa khóa két sắt của quầy giao dịch, két sắt trên xe ô tô chuyên dụng...

Để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực từ 01/7/2016 đòi hỏi các QPPL quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý cần phải ban hành thông tư nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quỹ NSNN.

Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 2/7/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/ NĐ-CP ngày 18/2/2002 của Chính phủ (Nghị định 70), quy định quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống KBNN cần được cụ thể hóa bằng một văn bản QPPL đủ hiệu lực để thực hiện.

Những nội dung cơ bản và điểm mới của dự thảo Thông tư

Dự thảo Thông tư được kết cấu 06 chương, 40 điều, trong đó Chương I là những quy định chung; Chương II về quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý và kho tiền; Chương III quy định về vận chuyển tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý; Chương IV về kiểm kê, bàn giao và xử lý thừa thiếu tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý; Chương V về chế độ bồi dưỡng, phụ cấp và khen thưởng, kỷ luật và Chương VI về điều khoản thi hành.

Bổ sung và làm rõ hơn một số thuật ngữ

Bổ sung và làm rõ hơn một số thuật ngữ, như tiền mặt là các loại tiền giấy, tiền kim loại do NHNN Việt Nam phát hành và ngoại tệ tiền mặt là một loại tài sản quý. Việc ủy quyền lại được coi là một trách nhiệm pháp lý của người nhận ủy quyền nhằm làm tăng trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời nhằm giải quyết được yêu cầu quản lý trong mọi tình huống đối với kho tiền.

Quản lý và bảo quản kho tiền

Thành phần Ban Quản lý kho tiền tại KBNN các cấp cơ bản kế thừa Quyết định 61, chỉ thay đổi thành viên Ban Quản lý kho của Kho tiền KBNN từ Vụ trưởng Vụ Kế toán sang là Kế toán trưởng Sở Giao dịch KBNN để phù hợp với nhiệm vụ quản lý tài sản của tổ chức này. Với phòng Giao dịch của KBNN tỉnh nếu có kho tiền đủ điều kiện thì thành lập Ban Quản lý kho tiền để hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm với tiền, tài sản được giao.

Trưởng ban Quản lý kho tiền được bổ sung thêm các nhiệm vụ, như:  Trang bị những phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn kho quỹ theo quy định; chỉ đạo áp dụng các biện pháp cần thiết chống mất mát, nhầm lẫn, đề phòng trộm cướp, cháy nổ, lụt bão… đảm bảo chất lượng tiền, tài sản bảo quản trong kho; giám sát việc xuất, nhập, bảo quản tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý…; trực tiếp tham gia kiểm quỹ, kiểm kê kho tiền theo quy định… Thành viên là Kế toán trưởng bổ sung  nhiệm vụ: Chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc xuất, nhập tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý…; hướng dẫn, kiểm tra việc mở và ghi chép sổ sách kho quỹ; trực tiếp tham gia kiểm quỹ, kiểm kê kho tiền… Thành viên là Thủ kho bổ sung nhiệm vụ: Trực tiếp mở, khoá cửa kho tiền; cùng vào, ra với các thành viên Ban quản lý kho tiền, đồng thời bỏ một số quyền như từ chối xuất nhập tiền mặt, không cho nhập các tài sản không thuộc đối tượng, người không có nhiệm vụ ra, vào kho… vì coi đó là trách nhiệm chung của Ban Quản lý kho.

Quy định về ủy quyền của cấp trưởng cho cấp phó, của Kế toán trưởng cho Phó phòng/Tổ phó kế toán; xử lý tình huống khi người nhận ủy quyền vắng mặt tại đơn vị thì dự thảo có bổ sung quy định “Ủy quyền lại” áp dụng cho trường hợp người nhận ủy quyền vắng mặt thì ủy quyền lại cho người khác, đồng thời quy định rõ khi ủy quyền, ủy quyền lại phải bàn giao tài sản nhằm đảm bảo an toàn về tài sản đồng thời phù hợp với việc quản lý, điều hành hoạt động kho quỹ ở KBNN các cấp.

Đối tượng bảo quản trong kho tiền được mở rộng hơn, bao quát hơn so với quy định trước đây. Bổ sung 02 nhóm đối tượng được bảo quản trong kho tiền, đó là các loại tài sản theo quy định của pháp luật giao KBNN bảo quản và các tài sản khác được Thủ trưởng đơn vị có kho tiền quyết định. Việc bảo quản tài sản quý tại KBNN huyện do Giám đốc KBNN quyết định đã bãi bỏ do không phù hợp với quy định tại Nghị định 70.

Quy định vào, ra kho tiền bổ sung quy định “Trước khi vào và sau khi ra khỏi kho tiền, các thành viên giữ chìa khóa phải có mặt đầy đủ để chứng kiến việc mở, đóng cửa kho tiền. Các thành viên giữ chìa khóa phải tự bảo vệ bí mật mã số, chìa khóa cửa kho tiền khi mở, đóng cửa kho tiền” nhằm làm cho việc đóng, mở cửa kho và quản lý kho tiền luôn được đồng thời cả 3 thành viên quản lý chìa khóa kho giám sát lẫn nhau, đảm bảo an toàn tiền, tài sản.

Quầy giao dịch là nơi quan hệ giữa KBNN với khách hàng, hơn nữa là một bộ phận gắn liền với hoạt động và tổ chức công tác kế toán. Dự thảo vì vậy nêu định hướng quầy giao dịch được bố trí tại vị trí thuận tiện, an toàn, có trang thiết bị đảm bảo để vừa phù hợp với thực tế của từng đơn vị Kho bạc vừa phục vụ kịp thời, có chất lượng trong thu chi tiền mặt.

Các nguyên tắc thu, chi tiền mặt cơ bản giữ nguyên như Quyết định 61 và có bổ sung: (1) Trong trường hợp nếu việc giao nhận, kiểm đếm tiền mặt giữa khách hàng với KBNN chưa hoàn thành mà hết thời gian làm việc, nếu khách hàng có nhu cầu gửi tiền trong kho tiền của KBNN thì khách hàng tự niêm phong số tiền cần gửi để làm thủ tục gửi kho; (2) khi nhận tiền mặt khách hàng phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc “Căn cước công dân”.

Bỏ quy định về “Cắt dây buộc bó tiền” vì khi cắt dây buộc bó tiền thì các thếp tiền sẽ bị xáo trộn, khó khăn khi kiểm đếm, do đó chỉ cần quy định “Xé niêm phong trên bó tiền” trước khi chi giúp cho hoạt động quản lý chi tiền mặt được chặt chẽ.

Bổ sung việc kiểm đếm tiền kim loại theo “Miếng” và đóng gói tiền kim loại “Cứ 50 miếng cùng mệnh giá đóng vào một thỏi; 20 thỏi đóng vào một túi” vì đó là một loại tiền mặt do NHNN Việt Nam phát hành, đang lưu thông và phù hợp với quy định của NHNN. Việc giao nhận, kiểm đếm, đóng gói, niêm phong ngoại tệ thực hiện như đối với tiền mặt.

Giao nhận tiền mặt của KBNN với NHNN thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của NHNN quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá, đồng thời quy định trong nội bộ của hệ thống để quy trình nghiệp vụ này được hoàn chỉnh, giúp công chức thực hiện được thuận lợi.

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền, tài sản Nhà nước, dự thảo bổ sung: (1) “Trường hợp phải ra ngoài quầy giao dịch thì phải niêm phong két và khóa két bằng mã số, chìa định vị”; (2) “Trong giờ nghỉ trưa, toàn bộ tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý tại quầy giao dịch trong trụ sở KBNN phải được bảo quản trong két sắt khóa bằng mã số, chìa định vị, niêm phong hoặc đưa vào hòm tôn có khóa, niêm phong bảo quản trong kho tiền; tại các điểm giao dịch ngoài trụ sở cơ quan, toàn bộ tiền mặt, giấy tờ có giá phải được bảo quản trong két sắt khóa bằng mã số, chìa định vị, niêm phong và bố trí người trực để bảo vệ”.

Về sử dụng và bảo quản chìa khóa kho tiền, két sắt, dự thảo bổ sung, sửa đổi, cụ thể: Chìa khóa dự phòng cánh cửa kho tiền KBNN cấp huyện, cấp tỉnh được gửi tại KBNN gần nhất hoặc Ngân hàng trên địa bàn, nhằm xử lý nhanh nhất trong trường hợp cần thiết; giao quản lý chìa khóa két sắt trên xe ô tô chuyên dụng cho Thủ kho bảo quản và giao chìa khóa két sắt tại quầy giao dịch cho công chức thu chi tiền mặt quản lý và có trách nhiệm đảm bảo bí mật.

Quy định về phương tiện vận chuyển tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý

Để tạo sự đồng bộ về quy phạm pháp luật và nhằm nâng cao giá trị pháp lý trong vận chuyển tiền, tài sản nhà nước, trang bị phương tiện chuyên dùng, dự thảo quy định vận chuyển tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý giữa KBNN với KBNN các tỉnh, thành phố; giữa KBNN tỉnh, thành phố với KBNN huyện phải bằng ô tô chuyên dùng, có cảnh sát bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền, tài sản quý; trường hợp phạm vi vận chuyển hẹp (điểm giao dịch, ngân hàng về KBNN huyện) thì có thể vận chuyển bằng phương tiện khác nhưng phải đảm bảo yêu cầu an toàn tài sản và phù hợp với thực tiễn vận chuyển ở KBNN địa phương; trong trường hợp sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng như: Máy bay, tàu hoả, xuồng máy... thì người có quyền ra lệnh điều chuyển phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, đảm bảo an toàn tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý.

Xác định tồn quỹ cuối ngày

Nhằm xác định chính xác tồn quỹ tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý thực tế đến cuối ngày. Do đối tượng quản lý khác nhau, cách thức, yêu cầu kiểm kê từng loại không giống nhau, do vậy dự thảo quy định hình thức, quy trình kiểm kê riêng cho từng loại tiền, tài sản cho phù hợp, dễ thực hiện. Không quy định thành phần kiểm kê kho tiền các cấp và việc bàn giao trong quản lý tiền, tài sản sẽ được văn bản hướng dẫn nghiệp vụ quy định.

Xử lý thừa tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý chưa rõ nguyên nhân thì hạch toán vào tài khoản ngoại bảng chờ xử lý; thiếu tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong bó, túi nguyên niêm phong thì công chức có tên ký trên niêm phong chịu trách nhiệm bồi hoàn; thiếu tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý do công chức nào quản lý thì công chức đó chịu trách nhiệm bồi hoàn, qua đó làm rõ trách nhiệm cho công chức kiểm đếm và quản lý tiền, tài sản.

Hiện nay, dự thảo Thông tư đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Công thông tin điện tử Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy trình ban hành văn bản QPPL.