Áp dụng công cụ cải tiến năng suất giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Sau gần 10 năm triển khai Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 (Chương trình 712) đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của doanh nghiệp Việt về cải tiến chất lượng sản phẩm. Điều này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt cũng như nền kinh tế nước nhà.
Thực tế cho thấy, sau gần 10 năm triển khai, Chương trình 712 đã đem lại nhiều lợi ích lớn cho doanh nghiệp trong quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận các Hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9.000, ISO 14.000) và hệ thống các công cụ cải tiến cơ bản như: 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma...
Đáng chú ý, sau khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế và hệ thống các công cụ cải tiến đã giúp các cơ quan, doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động đáng kể so với thời điểm chưa áp dụng các công cụ này.
Thống kê cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã tăng năng suất lên 30%, giảm tỷ lệ hàng sai, lỗi, hàng tồn trong dây chuyền. Điển hình có thể kể tới như: Năm 2018, Bệnh viện Quân dân y miền Đông (Cục Hậu cần, Quân khu 7) triển khai áp dụng công cụ cải tiến “5S” (Sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng) theo tiêu chuẩn Nhật Bản và sau một năm áp dụng công cụ này đã đạt hiệu quả cao. Đó là, hồ sơ, bệnh án được sắp xếp, quản lý khoa học; trang thiết bị y tế, cơ sở kỹ thuật được bố trí, sử dụng, khai thác vận hành hiệu quả; thuốc men, vật tư y tế được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, sử dụng đúng thời hạn…
Hay tại Công ty TNHH Công nghiệp 3A, năm 2017-2018, Công ty này đã tham gia Chương trình 712 với nhiệm vụ hỗ trợ thí điểm doanh nghiệp công nghiệp cơ khí phụ trợ sản xuất ôtô, xe máy áp dụng chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn IATF 16949:2016 tại Doanh nghiệp Lê Group và 4P Electronics. Thông qua triển khai hệ thống quản lý tiêu chuẩn IATF, các doanh nghiệp đối tác của Công ty TNHH Công nghiệp 3A đã rút ngắn thời gian sản xuất ra 1 sản phẩm, giảm thiểu sản phẩm lỗi, hỏng và trách nhiệm cụ thể được quy định đến từng cá nhân người lao động…
Như vậy, việc áp dụng các công cụ cải tiến cơ bản trên đã đem đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích riêng. Chẳng hạn, việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất như Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) đã giúp doanh nghiệp hình thành được phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với các nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí.
Việc áp dụng hệ thống bảng điểm cân bằng (BSC) hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát tốt mục tiêu chiến lược và quá trình hoạt động thông qua hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc (KPIs), từ đó giúp các doanh nghiệp nâng cao được chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc áp dụng bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp DN tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày. Qua đó, giúp DN hợp lý hoá chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo các chuyên gia, để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, để thực hiện Chương trình 712 hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn và sự tham gia của doanh nghiệp trong việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề; tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng...
Ngoài các giải pháp trên, cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, làm cơ sở cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.