Áp lực bán chốt lời, VN-Index vẫn tăng nhẹ
Đánh giá việc khối ngoại vẫn mua ròng nhất là MSN và DHG, các chuyên gia phân tích cho rằng, NĐT nước ngoài vẫn rất lạc quan với chứng khoán Việt Nam và đây là điểm rất tích cực trong bối cảnh diễn biến TTCK thế giới khó lường...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, phiên giao dịch diễn ra với những biến động rất khó lường, nhất là buổi chiều. Chỉ số tăng mạnh trong những phút đầu phiên đã bị áp lực bán chốt lời dâng cao gần cuối phiên làm nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu và khiến các chỉ số rung lắc.
Các mã như VJC, HPG, KDC, FPT, ACB… đều giảm khá sâu. Trong đó, HPG giảm 2,6% xuống còn 41.300 đồng/CP sau thông tin Quỹ đầu tư PENM III Germany GmbH &Co. KG đăng ký bán 20 triệu cổ phiếu HPG, tương đương với 0,94% vốn điều lệ. Mã VJC giảm 2,4% xuống 145.000 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu dầu khí được xem là nhóm có giao dịch tích cực trong những phiên gần đây cũng đã có sự điều chỉnh. PVD đảo chiều giảm 3,2% xuống 21.000 đồng/CP; PVB lùi về đứng ở mức giá tham chiếu; PLX giảm 0,8% xuống 71.000 đồng/CP; PVE cũng giảm nhẹ 200 đồng/CP. Trong khi đó, mức tăng của các mã như GAS, PVS hay PVC cũng phần nào bị thu hẹp.
VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh nhờ vào lực đỡ đến từ một số mã trụ cột như VIC, BID, hay TCB. Trong đó, VIC được kéo lên mức cao nhất phiên với 3,6% lên 102.000 đồng/CP. BID tăng 4,2% lên 36.200 đồng/CP.
Điểm đáng chú ý trong phiên là khối ngoại có phiên giao dịch khá đột biến khi mua ròng 10.334 tỷ đồng trên toàn thị trường đây là phiên mua ròng mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua. Cụ thể, trên HSX, khối ngoại mua ròng khá mạnh với 109 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 10.339 tỷ đồng.
Trong đó, MSN là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 10.121 tỷ đồng qua phương thức thỏa thuận. Đây là giao dịch bán cổ phiếu quỹ của Masan cho SK Group – một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc. DHG cũng được khối ngoại mua ròng khá mạnh với 274 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VJC là CP khối ngoại bán ròng nhiều nhất với 105,51 tỷ đồng, tiếp đến là DXG (29,24 tỷ đồng), PVD (19,79 tỷ đồng), VCB (19,58 tỷ đồng), SBT (10,61 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp với 111 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 15,62 tỷ đồng. VCG cùng với PVS là 2 cổ phiếu khối ngoại mua ròng nhiều nhất HNX với giá trị lần lượt 5,69 tỷ đồng và 1,64 tỷ đồng. Còn trên UpCom, khối ngoại trở lại mua ròng 973 nghìn/CP, tương ứng giá trị 10,94 tỷ đồng.
Đánh giá việc khối ngoại vẫn mua ròng nhất là MSN và DHG, các chuyên gia phân tích cho rằng, NĐT nước ngoài vẫn rất lạc quan với chứng khoán Việt Nam và đây là điểm rất tích cực trong bối cảnh diễn biến TTCK thế giới khó lường. Tuy nhiên, NĐT nước ngoài mua ròng không phải trên diện rộng mà chỉ tập trung vào những mã có tiềm năng như MSN bởi thị trường tiêu dùng Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng.
Ở góc nhìn của mình, chuyên gia Bùi Ngọc Tài (Công ty chứng khoán SSI) cho rằng, về cơ bản thị trường vẫn trong tình trạng rung lắc, sở dĩ chỉ số VN-Index tiếp tục tăng vì VIC, VHM, VRE, VNM, SAB sau thời gian tạo đáy đã bật tăng trở lại. Chỉ riêng VIC tăng 3.500 đồng/CP đã giúp VN-Index tăng hơn 1 điểm. Tuy nhiên thị trường có rất nhiều tiềm năng khi các chỉ số đang trong giai đoạn tích lũy, thị trường lại đang có lực cầu bắt đáy hỗ trợ chỉ số…
“Nhóm dầu khí dù đang có sự điều chỉnh nhưng giá dầu ngày 2/10 đã vượt mức 75 USD/thùng để tiến tới vùng 100 USD/thùng vào thời điểm cuối năm sẽ hỗ trợ rất tích cực cho nhóm dầu khí tăng điểm và làm trụ đỡ cho thị trường. Ngoài ra, một yếu tố tích cực khác là sự trỗi dậy trở lại của VIC – cổ phiếu có mức vốn hóa lớn chiếm 30% thị trường nếu tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường thì nhiều khả năng VN-Index sẽ bật lên vùng từ 1025 điểm đến 1050 vào cuối tuần và xa hơn nữa có khả năng vượt đỉnh 1.200 điểm đã từng đạt được”, ông Tài nhận định.