Áp lực giảm khí thải của ngành hàng không


Trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tổ chức, các quan chức ngành hàng không toàn cầu vừa họp tại Dubai để thống nhất mục tiêu tạm thời về cắt giảm lượng khí thải carbon trong ngành hàng không.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Chịu áp lực giảm khí thải khi hoạt động đi lại phục hồi, song cuộc chuyển đổi xanh của ngành hàng không còn đối mặt nhiều khó khăn.

Hội nghị Hàng không và Nhiên liệu thay thế (CAAF) do Liên hợp quốc chủ trì thảo luận về mục tiêu cắt giảm lượng khí thải trong ngành hàng không từ 5% đến 8% vào năm 2030, thông qua việc sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn.

Tại cuộc họp năm ngoái của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các quốc gia tham dự đã đạt thỏa thuận lịch sử về mục tiêu trung hòa khí thải carbon của các chuyến bay quốc tế, với mức phát thải ròng bằng 0 trong ngành hàng không vào năm 2050. Lượng khí CO2 phát thải từ ngành hàng không chiếm từ 2,5% đến 3% tổng lượng phát thải toàn cầu.

Tuy nhiên, ngành hàng không được coi là một trong những lĩnh vực khó khử carbon nhất. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), gồm 300 hãng hàng không và chiếm khoảng 80% lưu lượng toàn cầu, để đạt được mục tiêu nêu trên đòi hỏi có sự chung tay hỗ trợ từ các chính phủ, nhà sản xuất máy bay và cơ quan quản lý.

Một số nước châu Âu và các quốc gia khác đang thúc đẩy mục tiêu tạm thời về nhiên liệu thay thế được gọi là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), được sản xuất từ các nguyên liệu như dầu ăn đã qua sử dụng. Nếu sử dụng SAF, lượng phát thải carbon sẽ giảm 80% so với sử dụng xăng nhiên liệu. Các nước khuyến khích tăng cường sản xuất SAF.

Theo ông Jo Dardenne - Giám đốc hàng không của Tập đoàn Transport & Environment, nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ngành hàng không quốc tế ước tính cần từ 1.450 tỷ đến 3.200 tỷ USD để tài trợ cho việc phát triển SAF. Ông Dardenne cũng cho rằng, việc tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn là cần thiết để thúc đẩy sản xuất SAF bên ngoài Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường quan ngại rằng, các cuộc thảo luận ở Dubai lần này không đủ để thúc đẩy việc sử dụng SAF, vốn còn thiếu và tốn kém.

Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia gần đây công bố “Lộ trình nhiên liệu hàng không bền vững” hướng đến phát triển một ngành công nghiệp nhiên liệu hàng không thân thiện với môi trường sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở nước này. Khí hậu, kinh nghiệm canh tác và chuỗi cung ứng hiện tại mang đến cho Australia cơ hội quan trọng trong phát triển nhiều loại nguyên liệu hữu cơ đầu vào.

Hãng sản xuất máy bay Boeing cho biết sẽ phối hợp tiến hành một nghiên cứu chung để xem xét mở rộng quy mô sản xuất SAF tại Đông Nam Á.

Trong khi đó, Canada hỗ trợ khoảng 265 triệu USD cho ngành hàng không hướng tới loại bỏ hoàn toàn khí thải carbon. Tổng thống Emmanuel Macron cũng cho biết, Pháp sẽ đầu tư hàng trăm triệu euro để phát triển máy bay, động cơ và nhiên liệu hàng không phát thải thấp trong những năm tới.

Chính phủ Đan Mạch đã đề xuất áp thuế trung bình 100 crown (14,35 USD) đối với hành khách đi du lịch bằng đường hàng không nhằm tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh của ngành hàng không, hướng tới mục tiêu tất cả các chuyến bay nội địa sử dụng 100% nhiên liệu bền vững vào năm 2030.

Công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh của ngành hàng không gặp nhiều trở ngại khi các hãng hàng không ước tính cần đầu tư khoảng 1.550 tỷ USD giai đoạn 2021-2050 để ngành này đạt được mục tiêu về khí hậu. Trong khi đó, kế hoạch áp thuế nhiên liệu hàng không của Liên minh châu Âu (EU) vấp phải trở ngại, khi 27 quốc gia thành viên khối chưa thể đồng thuận về các mức giá đối với nhiên liệu xanh và các nhiên liệu hóa thạch.

Theo nhandan.vn