Doanh nghiệp ngành Thủy sản:

Áp lực lớn với kế hoạch 2013

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Những khó khăn kéo dài từ năm 2012 của ngành thủy sản như nguồn nguyên liệu thiếu hụt, thị trường xuất khẩu vẫn bị co hẹp…, khiến kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp (DN) trong ngành kém tích cực.

6 tháng đầu năm, lượng hàng tồn kho của 17 DN thủy sản niêm yết lên tới 12.225 tỷ đồng. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
6 tháng đầu năm, lượng hàng tồn kho của 17 DN thủy sản niêm yết lên tới 12.225 tỷ đồng. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

    Khó hoàn thành kế hoạch

    Kết quả 6 tháng đầu năm của 17 DN niêm yết ngành thủy sản cho thấy, chỉ có  2 DN hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra là CTCP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Bến Tre (ABT), với 35,62 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 59,37% kế hoạch năm là 60 tỷ đồng và CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), đạt 132,85 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 63,26% kế hoạch cả năm là 210 tỷ đồng. Đây là 2 DN có hoạt động sản xuất khép kín, có thể chủ động nguồn nguyên liệu chế biến.

    Ngoài 2 đơn vị này, CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản An Giang (AGF); CTCP Nam Việt (ANV); CTCP Hùng Vương (HVG); CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC) cũng là những đơn vị có quy trình sản xuất khép kín và có tỷ lệ tự chủ vùng nuôi cao.

    Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các đơn vị này không mấy khả quan. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của AGF đạt 30,3 tỷ đồng (25,25% kế hoạch); ANV là 15,37 tỷ đồng (14,5%); HVG đạt 320,11 tỷ đồng (hoàn thành 43,2%); MPC đạt 51,44 tỷ đồng (hoàn thành 14,29%).

    Những DN chưa có quy trình sản xuất khép kín, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu mua ngoài gặp khó khăn hơn nhiều. 6 tháng đầu năm, nhóm DN này chỉ hoàn thành chưa đến 25% kế hoạch doanh thu, kế hoạch lợi nhuận có công ty chỉ đạt gần 2% như trường hợp của CTCP Đầu tư thương mại thuỷ sản (ICF), hay 6,8% của CTCP NTACO (ATA).

    Thậm chí, CTCP Xuất nhập khẩu Cửu Long An Giang ghi nhận lỗ 6,71 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 17,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. CTCP Thuỷ hải sản Việt Nhật cũng ghi nhận khoản lỗ lên tới gần 11 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nâng lỗ luỹ kế lên 13,5 tỷ đồng. Với kết quả trên, áp lực hoàn thành kế hoạch năm của các DN là rất lớn.

    Tồn kho lớn, tỷ lệ nợ vay ngắn hạn cao

    Nguyên nhân ảnh hưởng đến các DN thuỷ sản, bên cạnh thiếu nguồn nguyên liệu chế biến, khiến chi phí đầu vào tăng cao, còn là vấn đề an toàn thực phẩm và các rào cản thương mại. Cụ thể, đối với các thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, các DN thuỷ sản vướng phải các rào cản về kháng sinh cấm.

    Trong khi với thị trường nhập khẩu Mỹ, ngoài chịu thuế chống bán phá giá, hiện tại các DN còn đối mặt với vụ kiện chống trợ cấp, đặc biệt là với các DN ngành tôm như MPC, FMC, CMX. Nếu việc áp thuế chống trợ cấp giá được thông qua vào đầu tháng 10 tới, các DN sẽ đối mặt thêm nhiều khó khăn.

    Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lượng hàng tồn kho tăng cao. 6 tháng đầu năm 2013, tổng lượng tồn kho của 17 DN trong ngành lên đến 12.225 tỷ đồng, tăng 1.626 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2012. Lượng hàng tồn kho lớn rơi vào các DN như HVG tồn kho 3.228 tỷ đồng; MPC tồn kho 2.702 tỷ đồng; VHC tồn kho 1.029 tỷ đồng...

    Về nợ, tính đến 30/6, tổng vay và nợ vay ngắn hạn của 17 DN thuỷ sản là gần 16.000 tỷ đồng, chưa kể khoản vay dài hạn hơn 808 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ vay của MPC là 4.435 tỷ đồng; HVG là 3.554 tỷ đồng; VHC là 1.471 tỷ đồng; AVF là 1.030 tỷ đồng.

     

     Áp lực lớn với kế hoạch 2013  - Ảnh 1

    Đâu là lối ra?

    Trước tình hình khó khăn của ngành thời gian qua, số DN xuất khẩu thuỷ sản đã giảm đáng kể, chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, do không chủ động được nguồn nguyên liệu, số lượng đối tác hạn chế và uy tín thương hiệu thấp. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đến cuối năm 2012, số lượng DN thuỷ sản giảm hơn 30%, xuống còn khoảng 600 DN so với con số 900 DN của năm 2011.

    Đối với nhiều DN thuỷ sản niêm yết, giải pháp rời sàn dường như  là lựa chọn tại thời điểm này. Trong tổng số 28 DN huỷ niêm yết 8 tháng đầu năm, DN thuỷ sản có tới 3 đơn vị. Ngoài FBT bị huỷ niêm yết bắt buộc do lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ, 2 DN còn lại là CTCP Thuỷ sản Gentraco (GFC) và CTCP Gò Đàng (AGD) chính thức huỷ niêm yết tự nguyện.

    Là một trong những DN đầu ngành, với doanh thu và lợi nhuận ổn định, mới đây, ĐHCĐ MPC cũng thông qua quyết định huỷ niêm yết tự nguyện và dự kiến sẽ thực hiện vào cuối năm 2013.

    Vậy đâu là hướng ra cho các DN ngành thuỷ sản khi sắp tới đây, họ còn phải đối mặt với vụ kiện chống trợ cấp của Mỹ? Nếu quyết định này được Uỷ ban Tài chính quốc tế Mỹ thông qua, các DN thuỷ sản sẽ phải chịu mức thuế trợ cấp giá từ 1,15% đến 7,88%, bên cạnh mức thuế chống bán phá giá.

    Tại buổi đối thoại chính sách vừa được VTV1 tổ chức, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP và Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng văn phòng Luật sư AIC Hà Nội cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của chính các DN, cần có sự can thiệp và hỗ trợ hơn nữa từ phía Chính phủ, để các DN thuỷ sản có thể thắng kiện như đối với sản phẩm ống thép của Việt Nam đã làm. Qua đó, góp phần giúp các DN thuỷ sản vượt qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế.