Áp lực ổn định mặt bằng lãi suất

Theo An Bình/thoibaonganhang.vn

Với đặc thù nhu cầu vốn đầu tư trung dài hạn còn phụ thuộc lớn vào vốn tín dụng, trong khi tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn của các ngân hàng trung ương (NHTM) vẫn đang ở mức cao thì rất khó để giảm lãi suất huy động.

NHNN chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Nguồn: internet
NHNN chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Nguồn: internet

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã khai mạc hôm 20/5. Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội tuần qua, NHNN cho biết ngày càng có nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất. Trong bối cảnh đó, NHNN chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp tạo điều kiện ổn định lãi suất của các TCTD.

Không chỉ vậy, NHNN còn chỉ đạo các TCTD cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đồng thời điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các TCTD.

Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, để tiếp tục góp phần hỗ trợ DN, tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ.

Cụ thể, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành (lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng 7,25%/năm, lãi suất tái cấp vốn 6,25%/năm, lãi suất tái chiết khấu 4,25%/năm); Giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao 6,5%/năm; Giữ nguyên lãi suất tối đa bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng (1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng). Hiện lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6 -9%/năm đối với ngắn hạn, trung - dài hạn khoảng 9-11%/năm.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019, đồng tình với lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, các NHTM Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đến cuối tháng 3/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 4,84% so với cuối năm 2018, chiếm 25,1% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; DNNVV tăng 1,84%, chiếm 18%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 12,45%, chiếm 3,3%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,32%, chiếm 3,13%; DN ứng dụng công nghệ cao tăng 15,57%, chiếm 0,41%...

Việc mặt bằng lãi suất ổn định, tín dụng các lĩnh vực ưu tiên tăng sẽ tiếp tục góp phần cho tăng trưởng kinh tế bền vững, hỗ trợ cho ổn định kinh tế vĩ mô - yếu tố quan trọng hàng đầu trong bối cảnh thế giới đang có nhiều bất định như hiện nay.

 Thực tế, ngay từ đầu năm các chuyên gia đã dự báo 2019 sẽ vẫn là năm của những biến động và bất ổn kinh tế thế giới. Trong nhiều yếu tố, các nhà đầu tư đề cao cảnh giác với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng ít ai có thể ngờ cuộc chiến thương mại này lại leo thang nhanh đến như vậy và đang có nguy cơ lan thành cả chiến tranh tiền tệ.

Các động thái đánh thuế theo kiểu "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến hệ lụy là sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán, sự bất ổn của giá các hàng hóa thiết yếu trên thế giới, khiến tỷ giá giữa đô la Mỹ với các đồng tiền khác trên thế giới không ngừng biến động. VND/USD không nằm ngoài xu hướng chung đó.

Việc NHNN tuyên bố sẵn sàng bán USD ra can thiệp thị trường đã củng cố niềm tin của người dân với nhà điều hành. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là thị trường tiền tệ toàn cầu bất định, NHNN vẫn phải linh hoạt điều chỉnh tỷ giá trong xu hướng mất giá khó cưỡng lại của đồng nội tệ (không riêng gì VND mà cả đồng tiền của nhiều quốc gia khác) so với USD. Như vậy trong bối cảnh tỷ giá tăng, áp lực lạm phát tăng, bất ổn của thị trường thế giới ngày càng gia tăng... khiến việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất thực sự là thách thức đối với cơ quan quản lý.

Để giữ sức hấp dẫn cho kênh tiền gửi tiết kiệm VND, lãi suất huy động sẽ phải cộng thêm cả mức tăng của tỷ giá. Bên cạnh đó, với đặc thù nhu cầu vốn đầu tư trung dài hạn còn phụ thuộc lớn vào vốn tín dụng, trong khi tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn của các NHTM vẫn đang ở mức cao thì rất khó để giảm lãi suất huy động.