Áp lực tỷ giá không ảnh hưởng đến triển vọng môi trường tín nhiệm 2024


Áp lực tỷ giá hiện nay chưa tác động quá lớn đến các cán cân cân đối của vĩ mô, cũng như ảnh hưởng nhiều đến triển vọng tín nhiệm của thị trường Việt Nam.

Áp lực tỷ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ còn tồn tại, nhưng nhìn dài hơi hơn thì áp lực tỷ giá này sẽ chưa tác động quá lớn. (Ảnh: Quốc Tuấn)
Áp lực tỷ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ còn tồn tại, nhưng nhìn dài hơi hơn thì áp lực tỷ giá này sẽ chưa tác động quá lớn. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Trong vài tuần vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam đã bị mất giá khá mạnh trên cả thị trường tự do và trên hệ thống các ngân hàng thương mại. Đối với vấn đề này, quan đểm của chúng tôi cho rằng về tổng thể trong năm 2024, áp lực về tỷ giá là có nhưng sẽ dần giảm bớt trong nửa cuối năm 2024. Đồng Việt Nam bị mất giá trong năm 2024 nhưng biên độ sẽ vẫn nằm trong ngưỡng an toàn và không tác động quá lớn tới các cán cân vĩ mô của nền kinh tế.

Cụ thể hơn về vấn đề tỷ giá, chúng ta có thể thấy là yếu tố tác động nhiều nhất đến áp lực tỷ giá trong thời gian gần đây chính là chênh lệch giữa lãi suất của Việt Nam đồng, đặc biệt là ở trong hệ thống ngân hàng, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng so với các cái thị trường phát triển, ví dụ như so với thị trường Mỹ. Chênh lệch lãi suất này sẽ không sớm được cải thiện, rút ngắn và chúng ta sẽ phải quan sát thêm những động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới. Ví dụ như trong cuộc họp FOMC hôm 20/3, cũng chưa có tín hiệu cụ thể cho thấy thời điểm cắt giảm lãi suất lần đầu tiên của Fed trong 2024 là khi nào; tuy nhiên Fed cũng đưa ra dự báo cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024. Điều này cho thấy không sớm thì muộn, chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam đồng và đồng đô la Mỹ sẽ giảm bớt vào giai đoạn cuối năm 2024. 

Quay trở lại đánh gía dòng tiền ra và vào Việt Nam thông qua cán cân thanh toán ngoại tệ, chúng ta có thể thấy trong nửa cuối năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thanh toán ngoại tệ vẫn được duy trì ở mức an toàn về phía đồng Việt Nam với sự hỗ trợ từ nguồn vốn FDI giải ngân và cán cân xuất nhập khẩu, mặc dù cán cân xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm cho thấy xuất siêu đã nhỏ hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể với những cân đối về cán cân thanh toán ngoại tệ như vậy, sẽ giúp cho dòng tiền vào thị trường Việt Nam vẫn lớn hơn so với dòng tiền ra và giúp cho cung và cầu dòng tiền ra - vào của thị trường Việt Nam vẫn ở mức an toàn.

Các trụ cột cải thiện, giúp triển vọng môi trường tín nhiệm năm 2024 tốt hơn 2023 và giúp cho khả năng trả nợ của doanh nghiệp tốt lên, đây cũng là điều kiện tác động trở lại để kỳ vọng tỷ giá giảm
Các trụ cột cải thiện, giúp triển vọng môi trường tín nhiệm năm 2024 tốt hơn 2023 và giúp cho khả năng trả nợ của doanh nghiệp tốt lên, đây cũng là điều kiện tác động trở lại để kỳ vọng tỷ giá giảm

Đánh giá thêm về áp lực tỷ giá trong thời gian gần đây, bởi vì cán cân thanh toán ngoại tệ vẫn đang ở ngưỡng an toàn, chúng tôi cho rằng lý do chính dẫn đến áp lực về tỷ giá là đến từ tâm lý của thị trường và đến từ nhu cầu mua ngoại tệ ở trong thị trường nội địa Việt Nam. 

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những cái động thái điều hành, can thiệp thị trường thông qua việc rút bớt nguồn thanh khoản dư thừa từ hệ thống ngân hàng bằng cách phát hành tín phiếu với lãi suất tương đối thấp. Qua đó, đã rút bớt một lượng tiền dư thừa của hệ thống ngân hàng tính đến ngày 20/3 ước khoảng 115 nghìn tỷ đồng và hướng đến hạ chênh lệch lãi suất.

Chúng tôi cho rằng cơ bản, áp lực tỷ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ còn tồn tại, nhưng nhìn dài hơi hơn một chút thì áp lực tỷ giá này sẽ chưa tác động quá lớn đến các cán cân cân đối của vĩ mô, cũng như ảnh hưởng nhiều đến triển vọng tín nhiệm của thị trường Việt Nam. Trong nửa cuối năm 2024, áp lực tỷ giá như đã nhận định, dự báo sẽ giảm.

Theo Nguyễn Đình Duy/Diendandoanhnghiep.vn