Áp thuế đối với đồ uống có đường góp phần bảo vệ sức khỏe người dân

Văn Trường (thực hiện)

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính, TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, sản lượng tiêu thụ đồ uống có đường đã liên tục tăng nhanh trong nhiều năm qua. Vì vậy, nếu Nhà nước sử dụng công cụ thuế để điều tiết sẽ có tác dụng làm chậm mức tăng hoặc giảm nhẹ việc tiêu thụ đồ uống có đường, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Phóng viên: Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế để bảo vệ sức khỏe người dân. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện đã có bằng chứng cụ thể chứng minh việc gia tăng sử dụng đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng, tiểu đường tuýp 2, thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác, bao gồm cả bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh chuyển hóa và ung thư.

Những căn bệnh do nguy cơ sử dụng đồ uống có đường quá nhiều sẽ gây tác hại đối với vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng, do đó Nhà nước cần phải có các công cụ để điều tiết. Một trong những công cụ quản lý nhà nước là sử dụng biện pháp về thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt.

TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội).
TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội).

Tại Việt Nam, cũng theo số liệu của WHO, mức tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng gấp 8 lần từ năm 2002 đến năm 2021. Đây là xu hướng đáng báo động và nó đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở cả thanh thiếu niên và người trưởng thành. Theo điều tra sức khỏe trường học năm 2021, tỷ lệ thừa cân của nhóm tuổi trong độ tuổi 13-17 đã tăng từ 5,8% năm 2013 lên 10,6% năm 2019.

Còn theo điều tra dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân trong nhóm tuổi 15-19 tuổi cũng tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020. Điều này sẽ khiến nhóm thanh thiếu niên tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và các bệnh khác gây ra bởi tình trạng thừa cân và béo phì trong cuộc sống.

Theo WHO, hiện nay, có khoảng gần 80 quốc gia trên thế giới đã đánh thuế với đồ uống có đường. Các bằng chứng và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đánh thuế đồ uống có đường sẽ có tác dụng giảm tiêu thụ các sản phẩm đồ uống có đường, giảm tiêu thụ calorie, qua đó sẽ góp phần giảm nguy cơ thừa cân, béo phì và các căn bệnh không lây nhiễm liên quan.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, có thể áp thuế theo tỷ lệ % đường trong sản phẩm, giống như đang áp dụng đánh thuế đối với mặt hàng bia, rượu hiện nay và loại trừ các sản phẩm thiết yếu hàng ngày như sữa. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Trên thế giới, hiện có một số cách thức đánh thuế khác nhau, như đánh thuế theo tỷ lệ %, theo dung tích, theo hàm lượng hoặc theo “ngưỡng đường” trong đồ uống. Mỗi phương thức có ưu, nhược điểm khác nhau.

Chẳng hạn như: Đánh thuế theo hàm lượng đường, hoặc theo “ngưỡng đường” có ưu điểm sẽ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất đồ uống phải giảm hàm lượng đường để ít gây hại tới sức khỏe của người dân. 

Còn đối với sản phẩm sữa nếu là sản phẩm tự nhiên không thêm đường thì không nên đánh thuế. Nếu là sản phẩm thêm đường thì sẽ nên chịu sự điều chỉnh của thuế theo ngưỡng đường, hay hàm lượng đường.

Phóng viên: Tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng đồ uống có đường đến nhóm đối tượng doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng này thế nào, thưa ông?

Theo đánh giá từ các chuyên gia của WHO và Ngân hàng Thế giới về bằng chứng và kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng, nếu việc đánh thuế làm tăng 10% giá đồ uống có đường thì có thể dẫn đến giảm khoảng 10% tiêu thụ đồ uống có đường.

Tuy nhiên, như tôi chia sẻ ở trên, sản lượng tiêu thụ đồ uống có đường đã liên tục tăng nhanh trong nhiều năm qua. Vì vậy, nếu Nhà nước sử dụng công cụ thuế để điều tiết sẽ có tác dụng làm chậm mức tăng hoặc giảm nhẹ việc tiêu thụ đồ uống có đường, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Các doanh nghiệp cũng phải có chiến lược chuyển hướng kinh doanh, nhằm vào đồ uống không có đường, hoặc dưới ngưỡng đường theo khuyến nghị của cơ quan y tế.

Phóng viên: Để đảm bảo áp thuế đối với đồ uống có đường phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ông có khuyến nghị gì về chính sách thuế này?

Tôi cho rằng, nếu chúng ta thiết kế chính sách thuế theo “ngưỡng đường” thì sẽ mang lại kết quả hài hòa. Khi đó chính sách thuế - với tư cách là công cụ điều tiết của Nhà nước sẽ góp phần làm cho thị trường cân bằng hơn, tức là sản lượng đồ uống có đường sẽ không tăng hoặc giảm đi chút ít. Người dân giảm tiêu thụ đồ uống nhiều đường và tăng tiêu thụ đồ uống không đường, ít đường, qua đó mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người dân.

Ngoài biện pháp thuế thì Nhà nước cũng nên tiến hành các biện pháp bổ trợ khác, như: Quy định công bố hàm lượng đường ở nhãn bao bì, cảnh báo mức độ đường với thông tin rõ rệt để người dân lựa chọn; cấm quảng cáo và tiến hành các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức cho nguời tiêu dùng, thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh, nhằm ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh lý khác, do sử dụng quá nhiều đường gây ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!