Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường giúp người dân có thói quen tiêu dùng sản phẩm lành mạnh
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Viện Nhà nước và pháp luật) cho biết, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ tác động tích cực về ý thức xã hội, giúp người dân có thói quen tiêu dùng sản phẩm lành mạnh, nhưng cũng cần đánh giá kỹ hơn về các tác động khác, như ảnh hưởng sinh kế của người lao động.
Phóng viên: Bộ Tài chính đề xuất đưa nước giải khát có đường vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu sắc thuế này được thông qua, theo ông, sẽ có những tác động gì tới đời sống kinh tế - xã hội?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Bất kỳ sắc thuế nào được ban hành cũng đều có tác động lớn đến xã hội. Cần nhắc lại rằng thuế là công cụ quan trọng có tính kinh điển trong hoạt động điều tiết, can thiệp vào đời sống kinh tế - xã hội của bất cứ Nhà nước nào.
Bằng cách áp thuế, việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, tuy hợp pháp nhưng có rủi ro gây ra những hậu quả cực đoan đối với xã hội, sẽ có thể được giảm bớt. Đồng thời, nó cũng tạo ra cơ hội ra đời và phát triển cho những hoạt động sản xuất, hành vi tiêu dùng sản phẩm lành mạnh.
Tôi được biết đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường xuất phát từ vấn đề của y tế công cộng, tức là lạm dụng đường và nguy cơ béo phì, thừa cân cùng nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Như vậy, mong muốn của nhà hoạch định chính sách là thông qua can thiệp bằng sắc thuế này, việc lạm dụng đường sẽ giảm xuống và sức khỏe cộng đồng được cải thiện (sức khỏe cộng đồng ở đây được nhìn nhận là đối tượng của y tế công cộng chứ không phải sức khỏe của một cá nhân cụ thể nào).
Kinh nghiệm của các nước đã áp dụng sắc thuế này cho thấy, sản lượng tiêu thụ nước giải khát có đường được thống kê tại khu vực áp thuế chắc chắn giảm xuống. Điều đó tạo ra niềm tin rằng, người nào tiêu thụ sản phẩm nhiều thì sẽ đóng thuế nhiều và chính họ phải chi trả cho các chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến thừa cân, béo phì nhiều hơn những người khác - từ tiền túi của họ và từ phần ngân sách nhà nước mà họ đã nộp khi tiêu thụ sản phẩm.
Hơn nữa, các sản phẩm ít đường, không đường, sản phẩm thay thế đường (đường ăn kiêng - không năng lượng) cũng đã xuất hiện. Nó đem lại tâm lý, thói quen tiêu dùng lành mạnh. Đây là những tác động tích cực về ý thức xã hội, sự công bằng, dù chỉ là niềm tin, chúng cũng góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội.
Tất nhiên, phía nhà hoạch định chính sách cũng cần phải cân nhắc đến lộ trình hợp lý về cả thời gian và mức thuế. Bởi thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu đánh vào người mua nhưng ảnh hưởng không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp, kéo theo những ảnh hưởng khác như việc làm của người lao động, các dịch vụ hỗ trợ của hoạt động sản xuất, kinh doanh trước đó và đặc biệt là hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất.
Phóng viên: Vậy làm sao để hài hòa lợi ích Nhà nước, sức khỏe người dân và doanh nghiệp?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Đây là câu hỏi không bao giờ dễ trả lời. Chúng ta không thể tư biện chỉ dùng logic để chứng minh sự hài hòa, tất cả đều phải dựa trên bằng chứng xác thực. Bởi vậy, cần phải đánh giá tác động chính sách thật kỹ lưỡng, xem xét tất cả các tác động trực tiếp và gián tiếp của can thiệp chính sách, từ cân nhắc các rủi ro về chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp phải thay đổi công thức sản phẩm, thay đổi quy mô sản xuất hoặc thay đổi cả ngành nghề kinh doanh, đến những ảnh hưởng tới những đối tượng khác như nhà cung cấp nguyên liệu, người lao động.
Đặc biệt là các rủi ro về sinh kế của nông dân trồng mía đường bởi ngoài ruộng và kỹ năng, thói quen canh tác mía, họ không có gì nhiều. Không đánh giá tác động chính sách toàn diện sẽ không bao giờ có được sự hài hòa mà chúng ta thường nhắc đến như một nguyên tắc xây dựng chính sách và ban hành pháp luật.
Phóng viên: Còn về phía doanh nghiệp, nên có những giải pháp gì để giảm bớt những lo ngại?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Dù sắc thuế có được áp dụng hay không thì giảm tiêu thụ đường (và muối) vẫn đang là một xu hướng ngày càng rõ và phổ biến, cả trên thế giới lẫn Việt Nam. Do vậy, tâm thế sẵn sàng để thay đổi cần phải có ở các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm có dùng đường làm nguyên liệu, không chỉ là nước giải khát, mà còn cả bánh, kẹo, các món ăn vặt (snack).
Nghiên cứu các sản phẩm ít đường, không đường, ít đượng hoặc thậm chí là không muối. Hiện nay, muối chưa được đặt ra ở Việt Nam nhưng đây có lẽ là thứ cần tính đến với xu thế giảm muối không hề kém sôi động trên thế giới. Nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thế cần được tính đến và triển khai.
Tôi muốn nói thêm với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trong nước rằng, những hãng sản xuất nước giải khát, nước tăng lực, đồ uống thể thao lớn trên thế giới đang hoạt động ở Việt Nam đã từng đối mặt với chính sách này ở nhiều nước rồi. Họ quá lớn và quá nhiều kinh nghiệm để đối phó.
Bởi vậy, nếu không sẵn sàng thay đổi để thích ứng với trào lưu tiêu dùng và các chính sách mới, doanh nghiệp nhỏ sẽ bị đào thải bởi các đối thủ cạnh tranh khổng lồ và từ chính các chi phí tuân thủ phát sinh từ các chính sách mới.
Phóng viên: Theo ông, ngưỡng đánh thuế như thế nào là hợp lý?
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Đây là cũng là điều khó của kỹ thuật lập pháp. Hàm lượng đường vượt quá mức nào trên một đơn vị thể tích đồ uống thì mới được coi là lạm dụng? Ngay cả khi đồ uống có hàm lượng đường rất thấp, nhưng người ta tiêu thụ nhiều lần thì tổng lượng đường vào cơ thể vẫn rất cao.
Tôi không thể võ đoán đưa ra một con số về ngưỡng hàm lượng đường trong đồ uống; cũng không thể võ đoán đưa ra một tỷ lệ phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt bởi những con số cần nghiên cứu chuyên sâu của y học cũng như đánh giá tác động chính sách toàn diện.
Từ tham khảo kinh nghiệm của một số nước, tôi nhận thấy đặt một con số cố định cho một đơn vị sản phẩm được nhiều nước áp dụng. Chẳng hạn, Pháp áp thuế 7,16 cent cho một lít nước giải khát có đường. Đan Mạch thì áp thuế này khoảng 1,7 Krone (khoảng 5.000 đồng Việt Nam) cho một lít trong suốt gần 100 năm nhưng nước này đã bãi bỏ từ 2014.
Trong khi đó, một số nước khác lại áp thuế theo tỷ lệ phần trăm và các tỷ lệ rất khác nhau dao động từ 3,5% đến 20% tùy thuộc vào hàm lượng đường trong đồ uống. Ở Mexico nếu đồ uống có từ 6,25 gram đường/100 ml sẽ chịu thuế 18% còn dưới ngưỡng đó, mức thuế là 10%.
Đáng lưu ý là, dù khác nhau về cách tính và thuế suất, nhưng đa số các nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt không cao hơn thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng này. Đây là những gợi ý mà theo tôi, chúng ta có thể tham khảo để khảo sát thực tiễn trong quá trình đánh giá tác động chính sách, từ đó đặt ra một mức thu phù hợp. Điều quan trọng, không phải là thu bao nhiêu tiền mà thu thế nào để giảm tiêu thụ đường bổ sung.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!