Bổ sung mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế phù hợp với kinh nghiệm quốc tế
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc đưa quy định về mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là phù hợp kinh nghiệm của nhiều nước, cũng như phù hợp với quy định trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam. Mặt khác, việc chịu thuế nói trên cũng là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần tác động điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng.
Phóng viên: Liên quan đến việc Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế nêu tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
Luật sư Trần Đức Phượng: Theo các chuyên gia ngành Y tế, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên mức 46,5 lít/người năm 2017, và năm 2018 là 50,7 lít/người.
Trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đã có nhiều khuyến cáo và thực tế tại Việt Nam hiện nay về vấn đề này đang cần được quan tâm.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một loại thuế riêng đặc thù, với tên gọi khác nhau, giống như chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam, được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới, nước phát triển và các nước đang phát triển đối với một số hàng hóa và dịch vụ.
Cụ thể, đối với đồ uống có đường ở các nước được điều chỉnh ở các sắc thuế dưới tên gọi khác nhau như: Thuế đường, “sugar tax” (Đan Mạch); Thuế đối với nước ngọt “soda tax”, thuế đối với đồ uống có đường “beverage sugar tax”, hoặc trong thuế tiêu thụ đặc biệt “excise tax” (Thái Lan)... Phần thuế này được cấu thành trong giá cả hàng hóa và do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hóa.
Trở lại Việt Nam, chúng ta có Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đầu tiên năm 1998 nhưng trước đó cũng đã có quy định một số hàng hóa, dịch vụ mức thuế riêng với mức cao hơn các loại hàng hóa khác từ năm 1951 (Điều lệ về thuế công thương nghiệp và Điều lệ về thuế hàng hoá).
Hiện nay, việc Bộ Tài chính đề xuất đưa quy định về mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là phù hợp kinh nghiệm của nhiều nước, cũng như phù hợp với quy định trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam. Mặt khác, việc chịu thuế nói trên cũng là một trong những giải pháp góp phần tác động điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng.
Phóng viên: Được biết, hiện có khoảng 85 quốc gia đã áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và đã mang lại hiệu quả nhất định. Ông đánh giá thế nào nếu Việt Nam bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế?
Luật sư Trần Đức Phượng: Về các báo cáo đối với việc áp dụng thuế đối với đồ uống có đường của các nước đã được nhiều tổ chức và các cơ quan y tế, quản lý nhà nước trong nước nghiên cứu, công bố và tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến để xây dựng vững chắc để từ đó đề xuất đưa mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, cần có những đánh giá toàn diện và khách quan liên trực tiếp với vấn đề này:
Một là, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế… nhưng các lý luận về khoản thuế này chưa được đưa vào Luật. Việc áp dụng thuế thu tiêu thụ đặc biệt này mới chỉ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Vì các lý luận không được quy định rõ nên việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội chưa cao. Trong việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì cần đưa các quy định mới này vào trong Luật.
Hai là, việc áp dụng một mức thuế đối với đồ uống có đường sẽ phản ánh vào giá sản phẩm, làm cho giá sản phẩm có xu hướng tăng, từ đó tác động đến sự cân nhắc của người tiêu dùng, đóng góp một phần trong việc giảm việc tiêu thụ đồ uống có đường. Tuy nhiên, đây không phải là phương cách chính và duy nhất để thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Do đó, cần thêm những công cụ và phương pháp khác.
Ba là, Nhà nước cần có chính sách, khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, sẽ thu được một nguồn thu. Nếu Nhà nước sử dụng chính những nguồn thu này dành cho chính các địa phương và sử dụng hết phục vụ cho các công tác như tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng, lồng ghép các chương trình y tế, chương trình học đường… thì thật sự mang lại hiệu quả của chính sách này. Ngược lại, nếu không sử dụng nguồn thu này thì hiệu quả của việc áp dụng thuế sẽ không đạt mục tiêu như kỳ vọng. Do đó, đánh giá về mức hiệu quả, Nhà nước cần cân nhắc và xem kỹ về vấn đề này.
Phóng viên: Nếu áp mức thuế suất 10% như một số nước sẽ có tác động không quá lớn đến sản xuất và tiêu thụ đồ uống có đường. WHO khuyến nghị, Việt Nam có thể xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ để giảm nguy cơ sức khỏe cho các thế hệ tương lai. Mức đánh thuế trên có phù hợp với thực tiễn nước ta?
Luật sư Trần Đức Phượng: Với quan điểm cá nhân, mức phát triển kinh tế như hiện nay, việc áp dụng mức thuế cao cũng chưa phải phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Do đó, Việt Nam nên đánh giá kỹ và có những phân tích cụ thể như: Mức thu nhập, tập quán, hiệu quả áp dụng mức thuế của nước có đặc điểm gần nhất… để từ đó đưa ra một mức thuế cụ thể, phù hợp nhất trên cơ sở nghiên cứu khoa học, không cảm tính hoặc tính so sánh giản đơn.
Theo kinh nghiệm các nước, mức thuế được áp dụng theo tỷ lệ đường có trong sản phẩm, do đó, Việt Nam nên áp dụng theo từng mức cụ thể, ngoài ra cũng rất cần có những sự phân tích về mức tiêu thụ vì dù mức tỷ lệ ít nhưng do đặc tính của sản phẩm sử dụng nhiều trong một ngày cũng nên áp dụng một mức thuế cao hơn không theo tỷ lệ đường như nguyên tắc trên.
Đặc biệt, tôi cho rằng, dù mức thuế có thấp hay mức thuế cao nhưng việc dành hết nguồn thu cho ngay tại các địa phương phục vụ các chương trình hạn chế đồ uống có đường mới là phương cách hiệu quả nhất.
Phóng viên: Xin cảm ơn Luật sư!