Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường: Chính sách nhân văn giảm gánh nặng bệnh tật

Hoàng Minh

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là một chính sách nhân văn hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ không bị phương hại gì nếu biết điều chỉnh hàm lượng đường phù hợp trong đồ uống.

Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường type 2 và các bệnh tim mạch.
Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường type 2 và các bệnh tim mạch.

Tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giảm lượng đường tự do tiêu thụ hàng ngày ở cả người lớn và trẻ em xuống dưới 10% tổng năng lượng khẩu phần mỗi ngày và tiến tới giảm xuống còn 5% tổng năng lượng khẩu phần sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Theo đó, mỗi người không nên tiêu thụ quá 25 gram đường một ngày.

Ở Việt Nam, tiêu thụ đường tăng lên gấp 7 lần trong 15 năm qua. Năm 2018, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam là 46,5 gam/ngày, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của WHO.

PGS. TS. Vũ Thị Thu Hiền - Trưởng khoa Hóa sinh và Chuyển hóa Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có nguy cơ gây thừa cân, béo phì, sâu rằng, xói mòn men răng, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường type 2 và nhiều hệ lụy khác từ bệnh béo phì như loãng xương, huyết áp cao, tim mạch, ung thư…

Trung bình một lon nước ngọt có gas chứa tới 36 gam đường. Những người tiêu thụ một lon nước ngọt mỗi ngày trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ đái tháo đường type 2 26% và tăng nguy cơ béo phì 75% so với những người ít sử dụng đồ uống có đường. Trẻ em uống nước ngọt có đường mỗi ngày một lon có nguy cơ bị sâu răng cao tới 22% so với trẻ ít uống nước ngọt. Thực tế, ở Việt nam, tỷ lệ trẻ em béo phì trong 10 năm qua tăng gấp đôi, từ tỷ lệ 8,5% năm 2010 tăng lên 19% năm 2020.  

Có nhiều nguyên nhân người Việt Nam tiêu thụ ngày càng nhiều đồ uống có đường, trong đó có 3 nguyên nhân chính là lối sống thay đổi, mức sống tăng lên và quảng cáo tràn lan trong khi kiến thức về đồ uống có đường chỉ dừng lại ở những người làm chuyên môn dinh dưỡng, y tế, chưa được phổ biến rộng trong cộng đồng.

Hàm lượng đường có trong một số loại đồ uống (tính trong 100ml). Nguồn: reallifegoodfood
Hàm lượng đường có trong một số loại đồ uống (tính trong 100ml). Nguồn: reallifegoodfood

Cần đặt sức khỏe cộng đồng lên trên hết

Theo ThS. Vũ Thị Minh Hạnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), sử dụng đồ uống có đường không kiểm soát sẽ gây tác hại khó lường tới sức khỏe. Do đó, việc hạn chế đồ uống có đường là hết sức cần thiết. Để giảm thiểu việc lạm dụng đồ uống có đường, trước tiên phải tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của loại đồ uống này.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tham khảo các giải pháp của các nước khác đã áp dụng chính sách thuế để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường và kiểm soát quảng cáo.

“Giải pháp thuế là nhanh nhậy nhất, hữu hiệu nhất, trực tiếp tác động đến sức mua, làm giảm khả năng tiêu thụ mặt hàng có hại cho sức khỏe’”, ThS. Vũ Thị Minh Hạnh nhận định.

Có thể lấy ví dụ ở một số quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường như: tại nước Anh, sau 4 năm áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, lượng đường tiêu thụ của người dân nước này đã giảm 34,5%; ở Mexico giảm 6% năm đầu và giảm 10% năm tiếp theo; còn ở Thái Lan mức giảm tiêu thụ đường trung bình là 2,8% một năm.

Nếu Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, bà Hạnh cho rằng, mức tiêu thụ đường của cộng đồng sẽ giảm từ 5% đến 10% một năm tùy theo mức thuế.

Bàn về đề xuất của Bộ Tài chính áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, ThS. Vũ Thị Minh Hạnh cho rằng, đây là một chính sách thể hiện giá trị nhân văn khi bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt nhóm yếu thế là trẻ em. Bên cạnh đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, nhất là bệnh béo phì.

“Chi phí để điều trị trực tiếp và gián tiếp cho các bệnh liên quan đến béo phì, tiểu đường hiện chiếm khoảng 1,1% GDP (các nước khác như Mỹ là 4%). Do đó, chúng ta phải cân nhắc lợi ích cộng đồng cũng như những thiệt hại và gánh nặng bệnh tật do tác hại của đồ uống có đường”, bà Hạnh chia sẻ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi tác động của chính sách thuế này. Bà Hạnh cho rằng, doanh nghiệp sẽ không bị phương hại gì nếu biết điều chỉnh hàm lượng đường phù hợp trong đồ uống.

Ví dụ như ở Anh, sản phẩm đồ uống có hàm lượng đường lớn hơn 5mg trên 100ml sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Các doanh nghiệp đã tự thích ứng, điều chỉnh hàm lượng đường từ 39% trên 100ml (năm 2014) xuống còn 15% trên 100ml (năm 2018). Điều này cho thấy, chính sách thuế đã hạn chế được lượng đường tiêu thụ quá mức, giảm thiểu tác hại của đường tới sức khỏe mà không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, vì lợi ích chung của cộng đồng, doanh nghiệp cũng nên chung tay với Nhà nước để bảo vệ sức khỏe người dân.

“Nếu việc áp thuế đối với đồ uống có đường trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi được Quốc hội thông qua, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên, ước tính khoảng 5.300 tỷ đồng đến 13.500 tỷ đồng, tùy vào mức áp thuế. Đây là nguồn lực quan trọng để bổ sung cho việc nâng cao sức khỏe, các vấn đề an ninh – xã hội và các đề án khắc phục hậu quả sau COVID-19”, bà Hạnh cho biết thêm.