APEC 2017: Tìm kiếm giải pháp đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng
Đó là nội dung trọng tâm được các đại biểu bàn thảo tại Hội thảo“Đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng” tổ chức sáng 17/5, tại Ninh Bình. Tham dự Hội thảo gồm đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế (OECD, ADB). Ông Vũ Nhữ Thăng, Chủ tịch SFOM, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng xoay quanh chủ đề “Đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng”, trong đó nhấn mạnh về đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng trong khu vực APEC; Tổng quan về nhu cầu cơ sở hạ tầng, khả năng tài chính, vai trò tư nhân trong APEC; Tổng quan về các đề xuất về đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị về việc thay đổi lâu dài trong đầu tư cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế thành viên APEC; Hình thức đối tác công - tư (PPP) – một giải pháp tiềm năng cho các dự án cơ sở hạ tầng: Tổng quan về PPP trong APEC; Các yếu tố tư nhân tham gia các dự án cơ sở hạ tầng trong APEC ; Kinh nghiệm các dự án phát triển PPP.
Bên cạnh đó, những nội dung liên quan đến cơ chế phân bổ rủi ro của các dự án PPP: Sơ lược về cơ chế phân bổ rủi ro các dự án PPP; Kinh nghiệm phân bổ rủi ro như: phương tiện đi lại, nguồn nước, xử lý nước thải (các nền kinh tế thành viên APEC); Kết quả thăm dò phân bổ rủi ro của các nhân tố tư nhân; Công cụ quản lý dự án cơ sở hạ tầng cũng được các đại biểu quan tâm bàn thảo.
Ông Vũ Nhữ Thăng-Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính đánh giá, các nội dung được trao đổi tại Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam bởi trong những năm gần đây, nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế thành viên APEC ngày càng lớn. Mô hình đối tác công-tư PPP trong khu vực APEC được coi là một giải pháp quan trọng để giải quyết khó khăn về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế, đặc biệt là đối với các lĩnh vực hạ tầng chủ chốt như giao thông và năng lượng.
Ông Vũ Nhữ Thăng nhấn mạnh, đối với Việt Nam và một số nền kinh tế thành viên APEC, việc tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP) đang là vấn đề ngày càng được quan tâm, đặc biệt là khi áp lực chi tiêu công ngày càng lớn khiến nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn đầu tư trở thành mối quan ngại. Do đó, tài trợ vốn dài hạn để đầu tư vào hệ thống hạ tầng thông qua hình thức PPP là một trong các chủ đề được thảo luận sôi nổi tại các diễn đàn APEC cũng như nhiều diễn đàn và hội thảo quốc tế khác.
Chính vì vậy, chủ đề Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng trong APEC 2017 luôn được các nền kinh tế thành viên APEC và tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm và thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hướng tới việc thu hút các nguồn vốn đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các dự án PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông qua việc giải quyết vấn đề chia sẻ rủi ro và xây dựng các cơ chế giảm thiểu rủi ro cho dự ánđ
Trong những năm gần đây, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng là một trong bốn chủ đề ưu tiên được Bộ Tài chính Việt Nam lựa chọn trong kênh hợp tác tài chính APEC, nhấn mạnh vào vai trò của cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro trong việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng thông qua hình thức đối tác công-tư (PPP), qua đó thúc đẩy việc phát triển các dự án PPP trong khu vực.
Để thực hiện những mục tiêu trên, trước đó Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tổ chức vào tháng 02/2017 cũng được thảo luận và thông qua kế hoạch hoạt động về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng với đề xuất định hướng hợp tác trong năm 2017.