Phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội: Đề xuất quan trọng của Việt Nam tại APEC 2017
Trao đổi với báo chí về Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC (SFOM) tổ chức tại Ninh Bình trong hai ngày 18-19/5/2017, ông Vũ Nhữ Thăng- Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính đã chia sẻ nhiều nội dung quan trọng về hợp tác tài chính trong khuôn khổ APEC 2017 cũng như những đề xuất của Việt Nam về các chính sách trong hợp tác tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hướng tới một khu vực châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng và tiến bộ.
Xin ông cho biết về những nội dung cơ bản của chủ đề hợp tác tài chính trong khuôn khổ APEC 2017?
Ông Vũ Nhữ Thăng- Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính: Hợp tác tài chính là một trong những yếu tố then chốt giúp tạo đà tăng trưởng bền vững bao trùm đối với Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Hợp tác tài chính thông qua Tiến trình Bộ trưởng Tài chính trở thành trụ cột chính trong APEC từ năm 1994. Với mục tiêu xây dựng một cộng đồng APEC hội nhập tài chính, minh bạch, bền vững và kết nối, Kế hoạch hành động Cebu (CAP) đã được các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua năm 2015 nhằm định hướng dài hạn cho hợp tác tài chính APEC đến năm 2025 bao trùm nhiều lĩnh vực hợp tác tài chính khu vực với định hướng hành động cụ thể trên bốn trụ cột: (i) Thúc đẩy hội nhập tài chính; (ii) Thúc đẩy minh bạch tài khoá; (iii) Cải thiện bền vững tài chính; và (iv) Tăng cường tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng.
Về hội nhập tài chính, các nền kinh tế APEC hướng tới tăng cường tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và chuỗi cung ứng, chia sẻ kinh nghiệm về tài chính toàn diện và chiến lược giáo dục tài chính, giảm chi phí chuyển kiều hối về nước, và hướng tới tự do hóa các dịch vụ tài chính và tự do hóa tài khoản vốn trong các nền kinh tế APEC.
Về tăng cường minh bạch thông tin tài khóa, các nền kinh tế APEC tập trung áp dụng các thông lệ tốt về thuế, cải thiện hiệu quả chi đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân và tạo việc làm, và rà soát, loại bỏ các hình thức trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.
Về cải thiện bền vững tài chính, các nền kinh tế APEC đẩy mạnh hợp tác kinh tế vĩ mô, phát triển các cơ chế bảo hiểm (bao gồm cả bảo hiểm vi mô) và hỗ trợ tài chính nhằm giúp các nền kinh tế APEC đối phó với các rủi ro thiên tai, giảm gánh nặng tài khoá, và phát triển thị trường vốn nhằm tạo thêm các công cụ chuyển hóa rủi ro, các sản phẩm tài chính đa dạng, và hệ thống tài chính ổn định.
Về tăng cường tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng, các nền kinh tế APEC ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP) cho các dự án quan trọng, huy động nguồn tài trợ dài hạn dành cho cơ sở hạ tầng, khởi động các công cụ dài hạn hỗ trợ cho đầu tư dài hạn, và tăng cường cơ sở hạ tầng toàn diện cho phát triển đô thị và kết nối khu vực.
Với tư cách là nước chủ nhà, tại APEC 2017, Việt Nam đề xuất những nội dung gì về hợp tác tài chính? Xin ông cho biết đề xuất quan trọng của Việt Nam đối với lĩnh vực này là gì?
Sáng kiến hợp tác tài chính trong năm APEC 2017 gắn liền với các trụ cột ưu tiên quốc gia của Việt Nam chủ trì Năm APEC, đồng thời triển khai chương trình hành động cụ thể của CAP. Theo đó, bốn sáng kiến về hợp tác tài chính APEC 2017 được lựa chọn là: (i) Tài chính cho cơ sở hạ tầng; (ii) Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận; (iii) Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; và (iv) Tài chính toàn diện.
Hiện nay, các nền kinh tế thành viên APEC đã thiết lập quan hệ thương mại tự do và rộng mở giữa các nền kinh tế phát triển, nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế kém phát triển hơn.
Các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực tự do thương mại và đẩy mạnh các mục tiêu quan trọng khác đến năm 2020 như: tăng trưởng bền vững cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đón nhận công nghệ mới như: số hóa, in 3D, kỹ thuật tự động hóa… giúp các nền kinh tế thành viên APEC phát triển, tương tác với nhau.
Để đạt được mức tăng trưởng như mong muốn, các nền kinh tế thành viên APEC cần bảo đảm tăng trưởng bền vững, bao trùm nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng…
Trong bối cảnh đó, tại APEC 2017, Việt Nam đề xuất thúc đẩy tính bao trùm trong phát triển, cụ thể là văn kiện trong Năm APEC 2017 về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội do Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 đề xuất. Đây là một sáng kiến hay và có ý nghĩa nhằm thực hiện Mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Văn kiện về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội đề ra phạm vi hợp tác và định hướng chính sách hướng tới cộng đồng APEC bao trùm trên cơ sở kế thừa và kết hợp các sáng kiến đang thực hiện và thành tựu đã đạt được trong APEC như: (i) Chiến lược Tăng trưởng APEC 2010; (ii) Đổi mới chương trình nghị sự trong APEC cho Tái cơ cấu; (iii) Kế hoạch hành động tạo thuận lợi kinh doanh APEC lần 2; (iv) Bản thiết kế kết nối APEC giai đoạn 2015-2025; (v) và các Kế hoạch hành động riêng lẻ khác...