APEC và cơ hội cho thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Năm 2017, sự kiện Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các thành viên đối với đóng góp của Việt Nam cho APEC.
Động lực tăng trưởng của toàn cầu
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương(ngày 21/4/2017), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo lạc quan đối với kinh tế khu vực này với mức tăng trưởng 5,5% trong năm 2017 và vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo dự báo của IMF, năm 2017, châu Á- Thái Bình Dương có đà tăng trưởng tốt hơn so với mức 5,3% năm 2016, trong đó các nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn tăng trưởng ở mức cao.
Đóng góp chung vào sự tăng trưởng của khu vực phải kể đến vai trò các nền kinh tế trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Hình thành từ tháng 11/1989 tại Australia với 12 thành viên sáng lập, đến nay, APEC đã mở rộng với 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Năm 2016, Mỹ có GDP tính theo sức mua đạt 18,56 nghìn tỷ USD, GDP thực tế đạt 18,56 nghìn tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 57.300 USD (năm 2016); Nga có GDP tính theo sức mua đạt 3,745 nghìn tỷ USD, GDP thực tế đạt 1,268 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 26.100 USD (năm 2016); Trung Quốc có GDP tính theo sức mua đạt 21,27 nghìn tỷ USD, GDP thực tế đạt 11,39 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 15.400 USD (năm 2016)…
Sau 23 năm thực hiện các mục tiêu dài hạn của APEC (Tuyên bố Bogor năm 1994 của các nhà lãnh đạo APEC), các nền kinh tế thành viên đã đạt những kết quả đáng kể về tự do hóa thương mại và đầu tư. Theo đó, về tự do hóa thương mại và đầu tư, từ năm 1989 đến năm 2016, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của APEC đã tăng từ 15,7 nghìn tỷ USD lên hơn 30 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người tăng 36%.
Tổng giá trị thương mại hàng hóa nội khối tăng gần 7 lần, từ 3.000 tỷ USD năm 1989 lên 20.000 tỷ USD năm 2016. Hiện kim ngạch mậu dịch của APEC chiếm 48% tổng kim ngạch mậu dịch thế giới, với ba thực thể kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Tính đến nay, 21 nền kinh tế này đại diện khoảng 2,8 tỷ dân và đóng góp 43 nghìn tỷ USD tổng GDP, 20 nghìn tỷ USD thương mại quốc tế, tương đương khoảng 39% dân số thế giới, 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.
Triển vọng thương mại trong bối cảnh mới
Những biến động rất phức tạp và khó lường về chính trị - kinh tế trên thế giới thời gian qua đang ảnh hưởng đến triển vọng thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và các nền kinh tế thành viên APEC nói riêng. Nổi bật trong số đó có thể kể đến:
- Xu hướng bảo hộ thương mại đang nổi lên: Sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ trả đũa thương mại có thể làm mất đi phần lớn tác động tích cực của các sáng kiến về chính sách tài khóa đối với tăng trưởng của từng quốc gia cũng như cả thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại toàn khu vực.
Thực tế cho thấy, “chìa khóa” đem lại đà tăng mạnh mẽ của các nền kinh tế thời gian qua là do mở cửa, tự do hóa thương mại. Do vậy, nếu thương mại trở thành lĩnh vực hứng chịu hậu quả từ xu hướng bảo hộ thì các quốc gia sẽ gặp nguy cơ mất đi một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng và cuộc cải cách kinh tế trọng yếu.
- Thương mại toàn cầu yếu: Thương mại thế giới năm 2017 được dự báo sẽ phục hồi ở mức 4,6% do kỳ vọng từ hiệu ứng mang lại từ một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng.
Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang đứng trước những thách thức không nhỏ với hai sự kiện đáng chú ý là Brexit và chính sách của Tổng thống Mỹ, sẽ có thể là nhân tố cản trở đà hồi phục của thương mại thế giới…
- Tốc độ tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển: Dự báo cho thấy, năm 2017, tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt mức 2,2% dựa trên giả định nền kinh tế Mỹ chưa chịu nhiều ảnh hưởng từ sự kiện Brexit, lãi suất sẽ được tăng một cách dần dần, đồng USD mạnh lên; Kinh tế Nhật Bản tiếp tục trì trệ do những bất ổn trong nội tại và sẽ chỉ đạt mức 2,2%.
Trung Quốc tiếp tục quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,2% (năm 2017) và 6,3% (năm 2018)…
- Suy giảm tăng trưởng một số nền kinh tế mới nổi: Các nền kinh tế mới nổi trong cả khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng 5,7% giai đoạn 2017 - 2018, trong khi các nước Đông Nam Á chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 4,6% trong năm 2017, còn các nền kinh tế Nam Á sẽ có mức tăng là 7,3%.
Các nền kinh tế đang nổi dễ bị tổn thương bởi sự mất giá thường xuyên của đồng nội tệ so với USD (giá USD vẫn đang ở mức cao), dự trữ ngoại hối giảm, sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô…
- Tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư trong bối cảnh năng suất lao động tăng trưởng chậm: Môi trường kinh tế hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Thương mại không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hàng hoá mà còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ số, dịch vụ.
Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ứng dụng về công nghệ, tự động hóa, đề cao tính sáng tạo… đang đặt cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và APEC nói riêng trước thách thức mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, tới đây, triển vọng kinh tế thương mại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của các nền kinh tế APEC, bởi APEC vẫn thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư khu vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực. Tính đến cuối năm 2016, 60 FTA đã được ký kết trong APEC.
APEC hiện cũng đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và thuận lợi hóa kinh doanh với mục tiêu đưa hoạt động kinh doanh rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25%; các hàng rào thương mại giảm đi đáng kể… Do vậy, để thúc đẩy phát triển bền vững trong năm 2017 và các năm tiếp theo, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tận dụng cơ hội để có sự đồng thuận về tự do hóa thương mại.
Trong đó, APEC diễn ra tại Việt Nam năm 2017 trở thành sự kiện quan trọng, là cầu nối để lãnh đạo 21 nền kinh tế tìm tiếng nói chung với mục tiêu tiếp tục kiên trì thúc đẩy hợp tác và tự do hóa thương mại, tạo động lực tăng trưởng cho các nền kinh tế thành viên và toàn khu vực.
Các nền kinh tế thành viên APEC cần phải tính đến việc liên kết hội nhập mạnh hơn với cách thức phù hợp hơn trong tình hình mới, trong đó mấu chốt vẫn là tự do hoá thương mại và ưu tiên cho kết nối về cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự gắn kết về kinh tế, thương mại giữa các nền kinh tế thành viên; Thúc đẩy các biện pháp thương mại đầu tư “thế hệ mới” như tăng trưởng sáng tạo, chuỗi cung ứng đáng tin cậy… nhằm bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp toàn cầu lần thứ 4.
Tài liệu tham khảo:
1. PGS.,TS. Nguyễn Anh Tuấn (2017), Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 và triển vọng năm 2017, Tạp chí Cộng sản;
2. Cổng Thông tin tài chính Vietstock (2017), Châu Á-Thái Bình Dương có nên dẫn dắt quá trình toàn cầu hóa?;
3. Thanh Lâm (2017),APEC - Cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương, Thông tấn Xã Việt Nam;
4. Một số trang web như: moit.gov.vn, apec2017.vn. vtv.vn…