Hội thảo về “Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng” thành công tốt đẹp
Hội thảo về “Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng” bên lề Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp (SFOM) APEC 2017, với sự tham dự có đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế diễn ra ngày 17/5/2017, tại tỉnh Ninh Bình đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng là một trong bốn chủ đề ưu tiên được Bộ Tài chính Việt Nam lựa chọn trong kênh hợp tác tài chính APEC, nhấn mạnh vào vai trò của cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro trong việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng thông qua hình thức đối tác công-tư (PPP), qua đó thúc đẩy việc phát triển các dự án PPP trong khu vực.
Để thực hiện mục tiêu triển khai Kế hoạch hành động về Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng đã được các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC thông qua vào tháng 02/2017 tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội thảo đã thảo luận chuyên sâu và trao đổi các kinh nghiệm tốt về xây dựng ma trận chia sẻ rủi ro và các công cụ giảm thiểu rủi ro ứng dụng trong các dự án PPP ở các nền kinh tế trong APEC.
Trong những năm gần đây, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế thành viên APEC ngày càng lớn. Mô hình đối tác công-tư PPP trong khu vực APEC được coi là một giải pháp quan trọng để giải quyết khó khăn về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế, đặc biệt là đối với các lĩnh vực hạ tầng chủ chốt như giao thông và năng lượng.
Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn này, các nền kinh tế thành viên APEC đang phải đối mặt với khó khăn trong việc thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP mà không có các giải pháp hữu hiệu để đối phó với nhiều loại rủi ro khác nhau.
Thông qua Hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày tổng quan về tài chính cho cơ sở hạ tầng, các vấn đề chính sách liên quan trong APEC, và các giải pháp đa dạng hóa nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng cũng như các công cụ giảm thiểu rủi ro trong những dự án thuộc một số lĩnh vực cụ thể bao gồm giao thông, cung cấp nước sạch, xử lý rác thải và năng lượng.
Với mục tiêu tìm ra những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất, các thành viên APEC và nhiều đại diện của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung tâm Cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIH)… đã chia sẻ với Hội thảo xu hướng đầu tư, sự tham gia của khu vực tư nhân trong các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực APEC, kinh nghiệm của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và châu Mỹ La-tinh, đặc biệt là kết quả của cuộc điều tra của OECD về các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng áp dụng tại một số thành viên APEC.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế phân bổ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân cũng đã được chia sẻ tại Hội thảo với nội dung tập trung vào vấn đề nhà nước hỗ trợ chia sẻ rủi ro với khu vực tư nhân.
Việc tái phân bổ rủi ro trong mô hình đối tác công-tư được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút sự tham gia hơn nữa của nhà đầu tư tư nhân vào các dự án PPP. Trên cơ sở các nội dung thảo luận, Hội thảo đã đưa ra các gợi ý chính sách về chia sẻ và giảm thiểu rủi ro trong các dự án PPP tại các nền kinh tế thành viên APEC.
Thông qua các hoạt động hợp tác tích cực, Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 tiếp tục khẳng định cam kết của các Bộ trưởng Tài chính tăng cường đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng mang tính bền vững, nhất là thu hút các nguồn đầu tư dài hạn cho hạ tầng từ các nhà tài trợ tổ chức trong khu vực, tối đa hoá vai trò PPP thông qua việc đánh giá khung chính sách và phân tích các thông lệ tốt về chia sẻ rủi ro trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
Kết quả hợp tác sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10/2017 diễn ta tại Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.