ASEAN 2020: Bài toán và lời giải cho kinh tế nội khối
“Thúc đẩy thương mại - đầu tư nội khối vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” là một trong những nội dung được nhiều quan chức, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách ASEAN bàn thảo.
“Thúc đẩy thương mại - đầu tư nội khối vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” là một trong những nội dung được nhiều quan chức, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách ASEAN bàn thảo để cùng nhau tìm ra những khó khăn, thách thức của việc tăng cường thúc đẩy kinh tế nội khối ASEAN, từ đó đề xuất những phương hướng tháo gỡ.
Kinh tế năng động nhưng liên kết chưa cao
Chia sẻ về vấn đề này, ông Aladdin D. Rillo, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN (Ban Thư ký ASEAN) cho rằng, ASEAN đang là một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới, là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 đạt khoảng 3 nghìn tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN đạt mức 5,4%, cao hơn trung bình toàn cầu khoảng 4%.
Trong thương mại, ASEAN cũng đang là nền kinh tế thương mại lớn thứ 4 trên thế giới về thương mại hàng hóa với tổng giá trị hơn 700 tỷ USD. Về đầu tư nước ngoài (FDI), tăng trưởng FDI tại ASEAN khoảng 4,4%, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển khác, đưa ASEAN trở thành nền kinh tế tiếp nhận FDI lớn thứ 3 trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Aladdin D. Rillo nhấn mạnh, thương mại nội khối hiện nay trong ASEAN chỉ chiếm khoảng 23%, còn tương đối thấp so với các khu vực khác. Cường độ thương mại nội khối không tăng lên, thậm chí còn giảm đáng kể trong vài năm gần đây.
Để ASEAN đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thương mại nội khối vào năm 2025, ông Aladdin D. Rillo cho rằng, thương mại nội khối ASEAN cần đạt được tốc độ tăng trưởng 9,1% trung bình hàng năm.
Theo ông Saysana Sayakone, Trưởng quan chức kinh tế cấp cao ASEAN của Lào, tiềm năng hợp tác nội khối ASEAN là rất lớn. Khu vực đã có những sáng kiến cũng như các cam kết quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực này, ví dụ như Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN năm 1992 với những cam kết thúc đẩy hàng rào về thuế quan và thể chế.
Hiện nay, hầu hết thuế quan giữa các nước ASEAN đều bằng không, lĩnh vực đầu tư và dịch vụ được đặc biệt chú trọng. Hiện nay, ASEAN cũng đang hướng tới các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay các hiệp định kinh tế với các đối tác ASEAN +1.
Sự tham gia của ASEAN vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực đang ở khoảng 60-61% và có thể cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.
Rào cản và thách thức từ bên trong
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số, các xu hướng bảo hộ và chống lại chủ nghĩa đa phương gia tăng, các chuyên gia cũng đã chỉ ra các rào cản, yếu tố chính có thể trực tiếp ảnh hưởng đến thương mại nội khối ASEAN, trong đó, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh tới rào cản phi thuế quan.
Ông Saysana Sayakone cho rằng, thương mại nội khối hoàn toàn có thể được cải thiện nếu giảm bớt rào cản về mặt chính sách, những biện pháp phi thuế quan. Hiện nay, trong ASEAN tồn tại hai xu hướng trái ngược nhau, theo đó các biện pháp thuế quan giảm dần song các biện pháp phi thuế quan lại gia tăng cao nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Đã có khoảng 9.845 các biện pháp phi thuế quan được áp dụng bởi ASEAN và con số này có xu hướng gia tăng. Các giá trị gia tăng, dịch vụ thương mại thấp hơn nhiều so với thế giới cũng đang là một thách thức lớn.
Theo ông Võ Chí Thành, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), các nước ASEAN hiện nay đang nỗ lực từng bước để khắc phục những khó khăn trên thông qua việc thúc đẩy cơ chế Một cửa ASEAN hay thúc đẩy RCEP.
Nhìn nhận nền kinh tế ASEAN dưới góc nhìn của các nhà kinh tế Liên minh châu Âu (EU), ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN cho rằng, nếu không có những biện pháp mạnh mẽ và quyết tâm đủ lớn, ASEAN khó có thể đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thương mại nội khối đến năm 2025.
Sự cạnh tranh vẫn lớn hơn hợp tác giữa các nền kinh tế ASEAN. ASEAN không phải mà một siêu quốc gia như EU nhưng ông Chris Humphrey cho biết, để phát triển thành một cộng đồng kinh tế đồng nhất, ASEAN vẫn cần những cơ chế chung về kinh tế.
Ở châu Âu, các thể chế có thầm quyền lớn và tác động tới kinh tế nội khối EU là Tòa án châu Âu và Ủy ban châu Âu.
Nỗ lực chắc chắn sẽ vượt qua
Cũng theo ông Võ Chí Thành, trước mắt, ASEAN phải tập trung vào dịch vụ, logistics bởi nó liên quan trực tiếp đến chuỗi giá trị; tập trung vào nền kinh tế số, tạo hệ sinh thái cho các startup ASEAN.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng cần phải tạo nền tảng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện để họ có khả năng tiếp cận tài chính, vốn, nguồn nhân lực; giúp họ có thể tự bảo vệ mình trước các biến động; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh bổ sung thêm rằng, muốn thúc đẩy thương mại nội khối cần cân nhắc về sự đa dạng thương mại giữa các quốc gia thành viên. Từ năm 2010 xuất hiện xu hướng hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN với các quốc gia bên ngoài thay vì nội khối ASEAN.
Vì vậy, để thúc đẩy hợp tác nhằm tăng cường thương mại nội khối ASEAN, các nước thành viên ASEAN cũng cần cân nhắc đến các thách thức thương mại quy mô khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, tính bổ trợ và cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng cần được xem xét, các nước ASEAN có nhiều điểm tương đồng – đây sẽ là nền tảng hợp tác trong tương lai.
Do đó, ASEAN cần tiếp tục tận dụng tính bổ trợ giữa nền kinh tế của các quốc gia thành viên, tìm ra các lĩnh vực tiềm năng để đẩy mạnh thương mại nội khối.
Một số giải pháp như tập trung nghiên cứu thêm các nhóm sản phẩm có giá trị thương mại cao; tăng cường hội nhập tài chính để hỗ trợ thương mại; tiếp tục thúc đẩy thương mại ASEAN dựa trên luật lệ… cũng được ông Aladdin D. Rillo nhấn mạnh trong khuôn khổ hội thảo.
Theo ông Aladdin D. Rillo, thúc đẩy thương mại đầu tư nội khối là một nhiệm vụ khó khăn đối với ASEAN nhưng khi ASEAN nỗ lực và quyết tâm thì đều có thể làm tốt được.
Bên cạnh chú trọng kinh tế nội khối, theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo, để tối đa hóa lợi ích khi các tập đoàn Trung Quốc, Mỹ và châu Âu gia nhập thị trường mới tại Đông Nam Á, ASEAN cần tìm kiếm động lực chính trị mới, thúc đẩy chính sách kinh tế cởi mở.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi ASEAN xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn. Do đó, ASEAN có thể kêu gọi sự tham dự tích cực hơn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Thế giới (WB)… mở rộng hợp tác giữa các tổ chức quốc tế, ASEAN và Trung Quốc trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Tỷ lệ đói nghèo tại ASEAN vẫn ở mức cao và cách nhanh nhất để giải quyết vấn đề là thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng.