ASEAN 2030 – Tiến tới một Cộng đồng kinh tế không biên giới

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Trong hai ngày, 17 và 18/7/2014, tại Singapore đã diễn ra hai sự kiện quan trọng chuẩn bị cho tiến trình hợp tác ASEAN giai đoạn sau năm 2015. Viện Nghiên cứu Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI) và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Singapore (ISEAS) tổ chức Đối thoại chính sách về "Chương trình nghị sự Cộng đồng kinh tế ASEAN hậu 2015" kết hợp với Lễ Ra mắt cuốn nghiên cứu "ASEAN 2030". Ông Nguyễn Bá Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài chính tham dự sự kiện này.

Ông Nguyễn Bá Toàn và ông Lê Lương Minh Tổng Thư ký ASEAN tại Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vnmof.gov.vn
Ông Nguyễn Bá Toàn và ông Lê Lương Minh Tổng Thư ký ASEAN tại Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vnmof.gov.vn
Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng. Tham gia sự kiện có các quan chức cao cấp của các Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, đại sứ quán của 10 quốc gia thành viên ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, Ban Thư ký APEC và các tổ chức Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), lãnh đạo và cán bộ ADBI và ISEAS, và các nhà nghiên cứu, giáo sư, chuyên gia trong khu vực Đông Nam Á.

Cuốn nghiên cứu "ASEAN 2030 – Tiến tới một Cộng đồng kinh tế không biên giới" đã được ADBI chủ trì soạn thảo, có tham vấn chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN, các nước thành viên ASEAN, và các đơn vị chức năng của ADB. Nghiên cứu này xem xét đến tương lai của ASEAN với ba nội dung chính: (i) ước vọng đến năm 2030 của từng thành viên ASEAN và của cả khu vực, (ii) những thách thức chính để hiện thực hóa những khát vọng này, và (iii) các lựa chọn chính sách để đạt được khát vọng. Tại cuộc Đối thoại chính sách, trên cơ sở nội dung cuốn nghiên cứu, các đại biểu tham dự đã trao đổi ý kiến về hoạch định chính sách của ASEAN, tập trung vào các vấn đề liên quan đến chương trình nghị sự sau năm 2015. Các chủ đề thảo luận xoay quanh những thách thức, điều kiện tiên quyết và các giải pháp chính sách mà ASEAN cũng như từng quốc gia thành viên cần tiến hành cho giai đoạn sau năm 2015, bao gồm: (i) thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường tài chính, (ii) hỗ trợ tăng trưởng công bằng và phát triển con người, (iii) thúc đẩy khả năng cạnh tranh và đổi mới, và (iv) tăng cường cấu trúc thể chế khu vực.

Vào cuối những năm sáu mươi, ASEAN được thành lập để giải quyết các vấn đề chủ yếu về chính trị và an ninh. Việc sử dụng nguyên tắc linh hoạt và đồng thuận – Phương cách ASEAN – đã giúp khu vực chuyển từ xung đột sang hợp tác. Theo thời gian, nền kinh tế khu vực đã thực hiện giai đoạn tập trung và ngày nay đã đi đến một thời điểm quan trọng. Vào năm 2015, các quốc gia thành viên sẽ khai trương Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Sáng kiến này, là một phần của "Cộng đồng ASEAN" rộng hơn bao gồm ba trụ cột, sẽ hình thành AEC khi trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu đang chuyển về châu Á, nơi có tính năng động được thúc đẩy bởi Trung Quốc và Ấn Độ. AEC thành lập cũng để bắt kịp với sự phát triển của hai siêu cường này, cũng như với Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nền kinh tế khác trong khu vực – thông qua cạnh tranh và hợp tác.

Mặc dù AEC là một mốc quan trọng trong hành trình của ASEAN hướng tới hội nhập sâu hơn và duy trì khả năng là trung tâm trong kiến trúc hợp tác châu Á, nhưng một mình AEC là không đủ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng đa cực. Để tăng cường khả năng cạnh tranh và giữ vai trò như một trung tâm năng động của châu Á, các nước ASEAN phải thực hiện các cải cách sâu sắc về cơ cấu ở cấp quốc gia. Đồng thời, cần phải có sự kết hợp đúng đắn giữa cải cách trong nước với các sáng kiến hội nhập sâu rộng, bổ sung và củng cố lẫn nhau để thúc đẩy khu vực phát triển công bằng và toàn diện, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, và bảo vệ môi trường. Các nước ASEAN phải phấn đấu xây dựng thương hiệu độc đáo của mình về hội nhập - thu hẹp khoảng cách phát triển và duy trì bản sắc.

Nghiên cứu "ASEAN 2030" cho thấy AEC cần được coi là một bước đệm để hội nhập sâu hơn. Đến năm 2030, ASEAN cần phát triển thành một cộng đồng kinh tế không biên giới, vì các thành viên nhận thức rằng tổng thể khu vực là nhiều hơn tổng số học của các nền kinh tế cộng lại. Tuy nhiên, ASEAN không nên biến mình thành một tổ chức quan liêu, hoặc một cấu trúc tương tự như Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù nhóm nước này cần tăng cường đáng kể cơ cấu tổ chức để duy trì sự gắn kết nội bộ và chi phối thị trường mới hình thành, nhưng nhóm cũng sẽ không để mất tính thực dụng và linh hoạt. Do vậy, việc hiện thực hóa một cộng đồng kinh tế không biên giới ASEAN đích thực vào năm 2030 thực tế sẽ nằm đâu đó giữa AEC và EU.

Nghiên cứu cũng cho thấy thông qua việc kết hợp thích hợp các chính sách, ASEAN có thể đạt được một kịch bản tăng trưởng cao dẫn đến tăng gấp ba lần thu nhập bình quân đầu người vào năm 2030, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân lên mức hiện nay của các thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Một kịch bản tiêu cực, tuy nhiên, sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế bình quân không quá 3% mỗi năm, nếu các nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình và không thể quản lý được các vấn đề đang nổi lên như thiên tai, biến đổi khí hậu, tranh chấp lãnh thổ, và căng thẳng chính trị nội bộ.

Ngoài ra, ASEAN cần phải cải cách một số nguyên tắc quản trị của mình để bắt kịp với tiến triển của môi trường kinh tế, chính trị, và xã hội. Các nguồn lực dành cho Ban Thư ký ASEAN và các tổ chức chức năng cũng phải tăng đáng kể. Hội nhập sâu hơn sẽ không chỉ có lợi cho ASEAN với tư cách một nhóm, mà còn cho Châu Á nói chung và cả thế giới rộng hơn. Cùng với nhau, các nước ASEAN có thể hình thành một quan hệ đối tác để chia sẻ thịnh vượng thông qua hội nhập chặt chẽ hơn trong khu vực và với toàn cầu.

Tham gia trao đổi tại cuộc Đối thoại, đoàn Việt Nam đã có bài tham luận về chủ đề ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường tài chính. Đây là một yếu tố rất quan trọng cho quá trình hội nhập của ASEAN, giúp ASEAN vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu thời gian qua, vươn lên thành một trong những khu vực có quá trình phục hồi tốt nhất. Đoàn Việt Nam cũng nêu bật những thách thức đối với quá trình hội nhập trong thời gian tới và những lựa chọn chính sách mà ASEAN nói chung cũng như từng nước thành viên nói riêng cần tiến hành. Mục tiêu xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN không biên giới vào năm 2030 như bản nghiên cứu đề xuất là đầy tham vọng, cần nhiều nỗ lực chung và cần tiếp tục được thảo luận. Việt Nam mong muốn thấy một ASEAN đồng thuận, đoàn kết vượt qua thách thức để đạt được mục tiêu hình thành thực sự một cộng đồng kinh tế ASEAN.

Kết thúc cuộc Đối thoại chính sách, các đại biểu cho rằng đây là cơ hội quý giá để trao đổi về những vấn đề rất dài hạn của ASEAN. Cuộc thảo luận đã thành công, làm nền tảng cho các nghiên cứu và trao đổi tiếp theo để xây dựng các chương trình nghị sự cho quá trình phát triển và tăng cường hội nhập của ASEAN trong thời gian tới.