ASEAN hướng tới Cộng đồng Kinh tế nhân văn
Thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu hơn sẽ là mấu chốt trong chiến lược của ASEAN hướng tới vai trò toàn cầu, tiếp tục duy trì xu hướng mở rộng quan hệ và can dự với phần còn lại của thế giới. Với sứ mệnh này, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một trong những trụ cột của Cộng đồng ASEAN, sẽ phải cân nhắc, xem xét “yếu tố nhân văn”. Bởi mọi mục tiêu của ASEAN sẽ chỉ thành công nếu phục vụ con người.
Từ người dân, vì người dân
Theo các chuyên gia Chen Chen Lee, Giám đốc Chương trình Chính sách, và Shangari Kiruppalini - nhà nghiên cứu phân tích chính sách tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore, khía cạnh nhân văn của AEC được nhìn nhận ở hai góc độ. Thứ nhất là xu hướng bùng nổ, gia tăng tầng lớp trung lưu ở các nước thành viên ASEAN.
Những người này ngày càng đòi hỏi sự phát triển cân bằng, minh bạch và trong sạch hơn từ phía chính phủ. Công nghệ hiện đại và truyền thông cũng giúp họ tiếp cận sâu hơn với các vấn đề chính sách, tiếng nói của họ trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này đang làm thay đổi cách quản lý, điều hành của chính phủ các nước thành viên ASEAN.
Thứ hai là các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN. Mặc dù Tổ chức Lao động quốc tế ước tính AEC có thể tạo thêm 14 triệu công ăn việc làm, nhưng vẫn có những lo ngại rằng khi AEC ra đời, kết quả tích cực này sẽ không được phân phối công bằng giữa các quốc gia thành viên hay giữa người dân với nhau.
Đây là một trong những mối lo ngại rất lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), chủ trang trại nhỏ, người lao động làm việc trong lĩnh vực không chính thức hoặc người lao động nhập cư trái phép.
AEC nhân văn hơn là ở đó người dân được quan tâm, bảo hộ và hưởng lợi ích. Trên quan điểm này, ASEAN phải cân nhắc, xem xét áp dụng cách tiếp cận thận trọng trong thúc đẩy hội nhập kinh tế. Các nhà lãnh đạo ASEAN phải bảo đảm rằng lợi ích của tiến trình hội nhập kinh tế được phân bổ công bằng.
Để làm được điều đó, cần đặt người dân ở vị trí trung tâm của quá trình hoạch định chính sách. Khi đó, mọi tầng lớp, thành phần trong xã hội mới có thể cùng cảm nhận được những lợi ích của hội nhập kinh tế.
Cải tổ chính mình
Thứ nhất, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất để phát triển rộng rãi, toàn diện hơn. Là xương sống của các nền kinh tế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, SME chiếm phần lớn tổng số việc làm và là nguồn lực không thể thiếu của phát triển kinh tế.
SME ở địa phương có thể tạo ra nhiều cơ hội và việc làm cho người lao động, cả về phương diện khu vực địa lý cũng như các lĩnh vực, ngành nghề. Do vậy, củng cố, tăng cường SME là chìa khóa để tiến tới AEC “nhân văn hơn”. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém cũng như thiếu sự quan tâm thích đáng của cơ chế chính sách đang cản trở SME tiếp cận chuỗi giá trị khu vực.
Do đó, nhiệm vụ tiên quyết của các nhà lãnh đạo ASEAN là tìm kiếm, thiết lập các cơ chế, định chế nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của SME, tạo cho họ nhiều cơ hội tiếp cận, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, ASEAN cần đưa tiếng nói, quan điểm của người dân - đặc biệt là tầng lớp trẻ tuổi, lĩnh vực tư nhân và xã hội dân sự - vào quá trình hoạch định chính sách. Kinh tế tư nhân nắm giữ lợi ích quan trọng.
ASEAN cần đặt mục tiêu làm việc, phối hợp với các doanh nghiệp để đánh giá lại, xem xét các chiến lược của họ, dành ưu tiên cho các sáng kiến trách nhiệm xã hội của công ty, vốn có khả năng thực thi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, công bằng và toàn diện.
Điều này sẽ giúp khuyến khích doanh nghiệp giải quyết, xóa bỏ lo ngại trong xã hội, đồng thời giúp các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế địa phương đạt kết quả cao.
ASEAN cũng phải tích cực tuyên truyền thành tựu, tầm nhìn và mục tiêu của khối đến người dân. Bởi hiện nay, mức độ nhận thức về ASEAN ở các nước thành viên không đồng đều.
Khi nhận thức về cộng đồng ASEAN của người dân vẫn ở mức thấp, đó sẽ là thách thức rất lớn để đưa người dân trở thành một phần của quá trình ra quyết sách, cũng như giúp họ tiếp cận những lợi ích mà cộng đồng mang lại, để từ đó trở thành tác nhân chính trong tiến trình xây dựng và phát triển ASEAN.
ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu và tương đối thịnh vượng trong 50 năm đầu tiên của mình. Giai đoạn tiếp theo của tiến trình xây dựng cộng đồng có lẽ sẽ nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Để khẳng định là một cộng đồng vì con người và lấy người dân làm trung tâm, ASEAN phải cải tổ chính mình, từ một cơ chế định hướng bằng phương pháp thành cơ chế được định hướng bằng hành động cụ thể. Để làm được điều này, khu vực công cần phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và xã hội dân sự để giúp cải thiện cuộc sống người dân.