Hạn chế tác động của việc xoá bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế

PV.

Ngày 1/9/2017, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu Thông tư số 65//2017/TT-BTC ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Danh mục biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Tham dự buổi họp báo có đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Toàn cảnh buổi Họp báo.
Toàn cảnh buổi Họp báo.
Bổ sung trên 1255 mã hàng hóa xuất nhập khẩu - Đáp ứng quy chuẩn quốc tế
Tại buổi họp báo, bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 27/06/2017 Bộ Trưởng Bộ Tài chính đã ký Thông tư số 65/2017/TT-BTC ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2018.

Theo đó, danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam bao gồm 21 Phần, 97 Chương, 1.039 nhóm ở cấp độ 4 số, 1.859 phân nhóm ở cấp độ 6 số và được chi tiết thành 10.813 mã hàng ở cấp độ 8 số, tuân thủ hoàn toàn theo Danh mục HS 2017 của Tổ chức Hải quan Thế giới và Danh mục Hài hòa thuế quan của ASEAN phiên bản 2017.

Quy định mới tại Thông tư này đó là, danh mục mới tăng 1255 mã hàng so với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/07/2015 để chi tiết những thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, đặc tính thương mại, tiêu chuẩn môi trường, đáp ứng nhu cầu quản lý và xu hướng thương mại quốc tế trong bối cảnh hội nhập. Danh mục này được điều chỉnh, bổ sung theo định kỳ 5 năm/lần trên cơ sở yêu cầu của Tổ chức hải quan thế giới và các nước ASEAN. Danh mục chi tiết gồm mã số hàng hóa, mô tả hàng hóa ở cấp độ 8 số và đơn vị tính của từng mã hàng, được ban hành dưới dạng song ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.

Bà Đào Thu Hương đánh giá, Danh mục được xây dựng theo nguyên tắc tuân thủ cam kết quốc tế, áp dụng các thuật ngữ chuyên ngành trong mô tả hàng hóa, bổ sung các trích dẫn tra cứu cuối Chương như Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam để giải thích rõ về mặt hàng, Chú giải bổ sung SEN giải thích mặt hàng ở cấp độ 8 số để phục vụ công tác phân loại hàng hóa.

Những thay đổi so với Danh mục 103/2015/TT-BTC tập trung vào một số nhóm ngành gồm ô tô, thủy sản, gỗ, hóa chất, sản phẩm ốp/lát bằng gốm sứ, máy móc thiết bị, là những ngành hàng có sự phát triển về công nghệ, kỹ thuật hoặc dịch chuyển thương mại, cần tăng cường quản lý về môi trường, hóa chất độc hại… Nội dung thay đổi nổi bật là ngành ô tô được chi tiết thêm các phân nhóm mới như ô tô điện, xe điện, các loại xe có động cơ kết hợp (xe hybrid) xăng - điện, dầu - điện. Ngành máy móc thiết bị chi tiết thêm các mã hàng phản ánh công nghệ mới như các sản phẩm sử dụng công nghệ đèn i ốt phát quang (LED) hoặc các sản phẩm sử dụng mạch tích hợp đa thành phần (MCO). Ngành thủy sản chi tiết tên gọi của một số loại cá, động vật thân mềm có kim ngạch thương mại cao hoặc bổ sung tên khoa học của các loài cá, phụ phẩm cá để thuận lợi cho công tác quản lý.

Hạn chế tác động của việc xoá bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế

Đánh giá về sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định 122, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết: Việc sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP là để thực hiện thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN cũng như giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát sinh trong thời gian qua và góp phần hạn chế tác động của việc xoá bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết từ năm 2018 trở đi.

Về Biểu thuế xuất khẩu: Dự thảo bổ sung điều kiện về các xác định mặt hàng thuộc nhóm mặt hàng có STT 211 tại Biểu thuế xuất khẩu “vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” nhằm giải quyết vướng mắc phát sinh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu, mô tả hàng hóa, tiêu chí kỹ thuật của 9 nhóm mặt hàng theo đúng nguyên tắc quy định tại Luật thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13.

Về biểu thuế nhập khẩu: Thực hiện cam kết WTO năm 2018 và 2019: Theo cam kết WTO, Việt Nam thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) theo lộ trình giảm đều hàng năm từ năm 2007 đến năm 2019 (áp dụng từ ngày 01/01 hàng năm). Từ năm 2018 đến 1/1/2019 chỉ còn một số dòng thuế ô tô chở người dưới 9 chỗ thuộc nhóm 87.03 phải cắt giảm thuế suất từ mức 58% xuống 55% từ 1/1/2018 và xuống mức 52% từ 1/1/2019; Sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết về việc thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan chung và hạn ngạch thuế quan riêng theo các Hiệp định FTAs.

Đối với thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô, bà Hằng cho biết việc sửa đổi nhằm hướng tới mục tiêu: Đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; Duy trì ổn định tỷ lệ tăng trưởng sản xuất, lắp ráp đối với 02 nhóm xe của Chương trình trong giai đoạn 2018-2022 là 16% /năm (xe dưới 9 chỗ) và 18%/năm (đối với xe tải); Tăng tỷ lệ số xe sản xuất, lắp ráp so với nhu cầu nội địa đối với 02 nhóm xe của Chương trình trong giai đoạn 2018-2022 đạt từ 80% trở lên; Phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đạt tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 40% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước từ năm 2022 trở đi cho cả 02 nhóm xe của Chương trình (đối với mẫu xe cam kết thuộc nhóm xe dưới 9 chỗ: năm 2018 là 20%; năm 2019 là 25%; năm 2020: 30%; năm 2021: 35%; năm 2022 là 40%; Đối với mẫu xe cam kết thuộc nhóm xe tải là năm 2018 là 10%; năm 2019 là 15%; năm 2020: 20%; năm 2021: 25%; năm 2022 là 40%).

Trong khi đó, sửa đổi thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng hướng tới hạn chế nhập khẩu xe đã qua sử dụng. Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế nhập khẩu đối với xe đã qua sử dụng phù hợp với cam kết WTO đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ, giữ nguyên thuế suất đối với xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở lên và xe ô tô tải.