Loạt bài: Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam
Bài 1: Muôn nẻo hàng lậu qua biên giới
Tình hình vận chuyển hàng hoá trái phép trên tuyến biên giới Tây Nam luôn “nóng”, nhất là thời điểm cuối năm. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, trong khi đó những đặc thù về địa lý tại các tỉnh đang là khó khăn lớn nhất khiến cho “cuộc chiến” chống buôn lậu luôn cam go và nhiều thách thức đối với cán bộ hải quan.
Muôn vàn thủ đoạn tinh vi
Nếu như quan sát trên bề nổi, hoạt động buôn bán qua lại tại khu vực cửa khẩu biên giới Tây Nam diễn ra khá yên bình với các mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu, chủ yếu từ Thái Lan, Campuchia với số lượng hàng lưu thông không lớn… Tuy nhiên, đằng sau vẻ yên bình ở cửa khẩu, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp tại các đường mòn, lối mở.
Kiên Giang là tỉnh có đường biên giới dài, vùng biển rộng, nhiều đường mòn, lối mở. Trong khi đó, lực lượng đấu tranh phòng chống buôn lậu còn mỏng, kinh phí hoạt động còn hẹp, trang thiết bị chưa đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ… Theo Cục Hải quan Kiên Giang, các địa bàn trọng điểm của tình trạng buôn lậu hàng hóa vẫn chủ yếu là khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên; khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu, bến Đường Xuồng (thuộc Phường Mỹ Đức), Quốc lộ 80 (từ cửa khẩu đến TP. Hà Tiên), khu vực Cửa khẩu Giang Thành; tuyến ven biển và khu vực Cảng Hàng không sân bay quốc tế Phú Quốc...
TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) có hàng chục km biên giới đường bộ tiếp giáp phần lớn địa hành hành chính của tỉnh Kampot (Campuchia). Theo ông Trần So Ny – Chi Cục trưởng Chi cục Hải Quan Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, hoạt động buôn lậu rất phổ biến từ nhiều năm là theo phương thức nhỏ lẻ, vận chuyển bằng xe mô tô 2 bánh và xe ba gác. Các đối tượng chia nhỏ hàng hóa vận chuyển qua biên giới vào ban đêm, chủ yếu là hàng Thái Lan như đường cát, bia, nước ngọt, rượu, thuốc lá... Khi gặp các lực lượng đấu tranh, truy bắt, các đối tượng này sẵn sàng chống đối, dùng số đông uy hiếp, chống trả, giành giật hàng hóa, tang vật.
Còn tại tỉnh An Giang, năm 2023, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi cộm nhất là thuốc lá điếu ngoại, mỹ phẩm, nguy cơ tiềm ẩn nhập lậu nhiều mặt hàng có giá trị cao như vàng, xuất lậu ngoại tệ, hàng cấm, ma túy.... Theo ông Trần Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, điểm tập kết hàng trên tuyến biên giới để tránh sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Trong khi đó, công tác chống buôn lậu trên các tuyến biên giới của An Giang gặp nhiều khó khăn mang tính đặc thù, trong đó, khó khăn điển hình phải kể đến đó là về địa lý. An Giang có tuyến biên giới kéo dài gần 100km tiếp giáp với Campuchia gồm cả đường bộ và đường sông. Việc phân giới cắm mốc chưa hoàn thành, đây chính là điều kiện cho tội phạm buôn lậu gia tăng hoạt động. Hàng năm, cứ vào mùa nước nổi, từ tháng 8 đến tháng 12, mùa nước lên nhiều cánh đồng vùng biên giới ở An Giang ngập trắng cũng là lúc các đối tượng tăng cường vận chuyển hàng lậu.
Ông Trần Quốc Hoàn cho biết, thời gian qua, dù Cục Hải quan An Giang luôn quan tâm, chỉ đạo kịp thời các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát công khai và bí mật trên các tuyến biên giới trong địa bàn quản lý nhưng trên thực tế công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới vẫn rất phức tạp. Vẫn còn tình trạng đối tượng dùng xe gắn máy hoặc thuê người đai vác hàng lậu qua biên giới. Mặt hàng nhập lậu chủ yếu qua tuyến đường bộ vẫn là thuốc lá điếu ngoại do nhu cầu tiêu thụ mạnh, dễ vận chuyển, cất giấu, thường mỗi xe chở 200 gói đến dưới 1.500 gói để tránh bị xử lý theo pháp luật hình sự.
Tại địa bàn cửa khẩu đường sông, hàng nhập lậu qua biên giới chủ yếu vận chuyển bằng ghe, với các mặt hàng như: Nông sản, vải các loại, quần áo cũ, phế liệu... Tuyến đường sông qua các xã Khánh Bình, Khánh An thuộc huyện An Phú (ngoài địa bàn hoạt động của hải quan), các đối tượng lợi dụng địa hình đường biên giới nhiều kênh rạch, có nơi là dòng sông chung, sử dụng xuồng máy gắn động cơ công suất cao để vận chuyển hàng hóa qua biên giới, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Còn đối với mặt hàng đường cát, các đối tượng vẫn sử dụng thủ đoạn thay đổi sang bao bì nhãn mác Việt Nam hoặc còn nguyên bao bì nhãn mác Campuchia, sử dụng phương tiện là ghe, vỏ lãi, xuồng máy công suất lớn, xe gắn máy xoáy nòng để vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, việc nhập lậu mặt hàng đường cát đã giảm đáng kể.
Đủ kiểu đối phó
Thời gian qua, lực lượng Hải quan tại các tỉnh phía Tây đã gặp không ít khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Thực tế, hiện phần lớn người dân ở khu vực biên giới không có nghề nghiệp ổn định, nhận thức về pháp luật của người dân tại các khu vực biên giới vẫn chưa được cao, dẫn đến dễ bị các đối tượng đầu nậu lợi dụng để tham gia đai vác mướn, tiếp tay vận chuyển hàng lậu, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ. Trong khi đó, hoạt động của các đường dây buôn lậu có sự cấu kết, thỏa thuận, tổ chức chặt chẽ, từ đối tượng là đầu nậu, hộ kinh doanh cá thể, Công ty TNHH, người canh đường, người theo dõi, người tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tạo thành đường dây xuyên suốt để đối phó lực lượng chức năng.
Như tại tỉnh An Giang, đặc thù địa bàn biên giới của Tỉnh này giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) dài hơn 96 km, cửa khẩu vừa đường bộ, đường sông. Nhiều nơi đường biên ở giữa dòng sông rất thuận lợi cho việc vận chuyển trái phép, nhập lậu hàng hóa qua biên giới. Hơn nữa, dân cư ở sát ven sông nên khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, trong đó có cả lực lượng Hải quan.
Đáng chú ý, những điểm tập kết hàng cấm, hàng lậu thường gần nhà dân hoặc những nơi vắng vẻ, vì vậy khi kiểm tra bắt giữ, xử lý chủ yếu là vắng chủ nên chưa mang tính răn đe cao, hoặc khi trực tiếp phát hiện hành vi vận chuyển hàng lậu thì các đối tượng nhanh chóng bỏ chạy thoát thân để lại hàng hóa, phương tiện vì sợ bị xử lý.
Còn theo ông Trần So Ny, tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đó chính là lực lượng cán bộ hải quan hiện khá “mỏng”, công cụ hỗ trợ không phát huy hiệu quả. Trong khi đối tượng luôn có số đông, hung hăng chống đối, giành giật, sẵn sàng manh động. Cán bộ Chi cục đã hoạt động nghiệp vụ thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu từ 6 giờ sáng đến 18 giờ mỗi ngày, tối không đủ sức khỏe để hoạt động kiểm soát chống buôn lậu xuyên đêm.
“Các đối tượng buôn lậu trên địa bàn tổ chức cảnh giới, “canh” đường rất chuyên nghiệp. Thậm chí, cán bộ Hải quan, Biên phòng đi đâu làm gì chúng cũng đều biết và theo dõi. Không ít lần cán bộ tại đây bị thương, nặng có, nhẹ có vì bị các đối tượng chống trả, giành giật hàng hoá, tang vật”, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên chia sẻ.