Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao
Bài 2: Cần thay đổi để thích nghi bối cảnh mới
Hiện nay, Việt Nam đang thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư thông qua các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, trong đó ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp quan trọng và tác động nhiều đến nhà đầu tư. Tuy nhiên cần nhiều hơn những chính sách ưu đãi.
Để tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đã xác định khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Ông Đặng Đình Tùng - Phó Vụ trưởng Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, từ năm 2018 đến hết năm 2022, cả nước có hơn 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI, chủ yếu là các hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, ASEAN.
Các hợp đồng chuyển giao công nghệ chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, viễn thông, ô-tô, xe máy, dược phẩm, thiết bị y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, đồ uống, sinh học, chăn nuôi, khai thác chế biến khoáng sản, xây dựng.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu cũng còn một số hạn chế như: Việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hạn chế; mục tiêu về chuyển giao công nghệ chưa đạt được như mong đợi; sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới; liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa chặt chẽ...
Để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao, Phó Vụ trưởng Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Lê Hùng cho biết, Việt Nam đã có các ưu đãi về thuế suất: Thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm (một số trường hợp đặc biệt được kéo dài thời gian hưởng ưu đãi về thuế suất 10% trong 30 năm).
Đối với dự án đầu tư vào khu công nghệ cao (do Thủ tướng Chính phủ thành lập), dự án ứng dụng công nghệ cao, thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định được tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án.
Đối với doanh nghiệp công nghệ cao (được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định). Thời gian áp dụng tính từ thời điểm cấp giấy chứng nhận…
Bên cạnh đó còn có một số ưu đãi đặc biệt khác: Ưu đãi đối với dự án có quy mô lớn; ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án R&D và dự án đầu tư quy mô lớn có đủ điều kiện quy định tại Luật Đầu tư (Quyết định 29/2021/QĐ-TTg). Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau tùy thuộc vào một số tiêu chí.
Gói ưu đãi nhất bao gồm thuế suất ưu đãi 5% trong thời gian 37 năm, miễn thuế 6 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 13 năm tiếp theo. Ngoài ra còn được miễn/giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước có thời hạn.
Ông Nguyễn Lê Hùng khuyến nghị, Nhà nước cần có giải pháp đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân…
Nhà nước cũng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để đưa Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động một cách có hiệu quả. Quỹ này phải hoạt động như một tổ chức tài chính và không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi cho việc tiếp nhận, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Việt Nam giai đoạn vừa qua đã ký kết những hiệp định thương mại quốc tế, điều này giúp cho việc hợp tác giữa các quốc gia có nguồn vốn FDI lớn trên thế giới trở nên thuận lợi hơn. Nhưng để có thể duy trì sự hợp tác này một cách lâu dài thì những yếu tố như môi trường kinh doanh và thủ tục pháp lý cũng phải thật sự phù hợp với những doanh nghiệp FDI.
Tại hội thảo “Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ” được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận đầy đủ về thu hút FDI nói chung và thu hút trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ nói riêng.
Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và luôn được khuyến khích, tạo điều kiện lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng với khu vực kinh tế khác; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển, tiếp cận tiêu chuẩn tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế...
Song song với đó là hoàn thiện các luật chuyên ngành liên quan trực tiếp đến công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; sửa đổi cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, có cơ chế về ưu đãi đất, thuế, tiêu chí về nguồn nhân lực, dự án đầu tư...
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường tính liên kết giữa các viện - trường - doanh nghiệp; rà soát cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao công nghệ để có chỗ đứng trong thị trường và trở thành nhà cung cấp của các doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài...
Không nhanh sẽ tụt hậu
Sau đại dịch COVID-19, các nền kinh tế lớn có xu hướng khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bản địa đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay trở về nước. Như Mỹ với các chính sách như giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%, đã cải cách thủ tục cấp phép đầu tư. Liên minh châu Âu thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia trong khu vực cũng dần “tăng nhiệt”, nhiều nước đã tung ra nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI để thích nghi với bối cảnh mới.
Các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam kiến nghị một số giải pháp cụ thể. Trước mắt, chiến lược thu hút FDI phải thay đổi, từ việc tập trung thu hút FDI từ những tập đoàn lớn và các biện pháp như giảm thuế, giãn thuế có thể sẽ không còn phù hợp trong thời gian tới.
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất 15% sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Việt Nam. Điều này có thể gây xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia.
Do đó, Chính phủ cần đánh giá các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp thay thế, giúp họ duy trì sự hiện diện sau khi áp dụng thuế này.
Ngoài ra, để thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI chất lượng cao, cần bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút FDI, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
Thay vào đó, cần tập trung đầu tư vốn, nhân lực, nâng chất cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh…; cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cảng, hạ tầng giao thông vận tải và năng lực của ngành logistics để duy trì tốc độ tăng trưởng.
Việt Nam cần thay đổi nhanh trên bước thang giá trị trong chuỗi sản xuất. Nếu không hướng phát triển vào những ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, Việt Nam sẽ tụt hậu trong quá trình tái cấu trúc dòng vốn đang diễn ra mạnh mẽ.
Đặc biệt, cần xây dựng khối kinh tế tư nhân với những doanh nghiệp vừa, đủ sức đồng hành cùng doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị. Đáng chú ý là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện, trở thành môi trường hấp dẫn thu hút và giữ chân dòng vốn FDI.
Việt Nam cần sẵn sàng quỹ đất sạch, hạ tầng xanh để đáp ứng nhu cầu của những dự án lớn, sản xuất xanh; phải có những doanh nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài… Cùng với đó, phải giải quyết những hạn chế như chất lượng lao động, thủ tục hành chính rườm rà và xử lý chậm…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và chuyển giao công nghệ; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với thông lệ quốc tế; chủ động rà soát các ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, trong đó có tiêu chuẩn cao hơn cho công nghệ cao và chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định về ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư có chọn lọc, có ưu đãi để kịp thời đáp ứng quy định của thuế tối thiểu toàn cầu; rà soát cơ chế, chính sách và có biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu, tiếp thu chuyển giao công nghệ, trở thành nhà cung cấp quy mô lớn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế tuần hoàn có vai trò then chốt để đạt các mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên. Muốn vậy, chúng ta cần cân nhắc áp dụng định mức chi phí tái chế do doanh nghiệp góp được trừ đi phần giá trị thu hồi được sau tái chế đối với doanh nghiệp sử dụng vật liệu có giá trị tái chế cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể được phép nộp các khoản đóng góp tái chế của họ cho năm 2024 vào đầu năm 2025, dựa trên thực tế sản xuất và nhập khẩu. Việt Nam phải tăng cường xử phạt đối với việc vi phạm các quy định về chất thải, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu thay thế như nhựa có thể phân hủy sinh học như một biện pháp giảm thiểu chất thải chính.