Cải thiện nguồn cung, thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội

PV. (t/h)

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đưa ra nhiều đề xuất nhằm cải thiện nguồn cung, thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

VNREA đề nghị doanh nghiệp bất động sản nên tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội để đồng hành cùng Chính phủ trong việc cải thiện nguồn cung nhà ở giá rẻ trên thị trường.
VNREA đề nghị doanh nghiệp bất động sản nên tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội để đồng hành cùng Chính phủ trong việc cải thiện nguồn cung nhà ở giá rẻ trên thị trường.

Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, riêng trong 07 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn, trong đó, nhà ở xã hội 07 dự án quy mô 8.815 căn; nhà ở cho công nhân 03 dự án quy mô 11.038 căn.

Trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến nay, Bộ Xây dựng đã 03 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô: 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân gói tín dụng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở của hộ gia đình được 4.381/15.000 tỷ đồng cho 12.200 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cải thiện nguồn cung, thu hút giới đầu tư phát triển nhà ở xã hội, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA đề xuất cần có cơ chế ưu đãi mạnh, hấp dẫn chủ đầu tư, như các chính sách về quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giao đất… Về quy trình đầu tư, phải có tính đặc thù, rút ngắn thời gian giải quyết. "Hiện tại nếu, chúng ta vẫn cứ như các dự án nhà ở thương mại từ 24-36 tháng thì rất khó. Tôi đề nghị rút ngắn xuống dưới 12 tháng", ông Nguyễn Văn Khôi chia sẻ.

Về vấn đề lãi suất, theo TS. Nguyễn Văn Khôi, hiện các chủ đầu tư đang vay với lãi suất 8,7% và người mua nhà ở xã hội là 8,2% năm là rất cao. VNREA kiến nghị chủ đầu tư được vay ở mức dưới mức 6 % và người mua nhà là dưới 4,5% năm... Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, với mức lãi suất hiện tại, các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cũng chưa mấy mặn mà. Bởi mỗi dự án cần khoảng 5 năm để hoàn thành, lợi nhuận thu về chỉ ở mức 10% trong khi lãi suất vay ngân hàng đã hơn 8%/năm thì doanh nghiệp rất khó làm.

VNREA đề xuất các chính quyền địa phương nên chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng để tiếp cận tốt hơn với các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội. Các địa phương cũng nên điều chỉnh quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội linh hoạt, có định hướng. Về phía doanh nghiệp bất động sản, cần chủ động, tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội để đồng hành cùng Chính phủ trong việc cải thiện nguồn cung nhà ở giá rẻ trên thị trường, hướng thị trường cân bằng cung - cầu.

Về tiêu chí người mua nhà ở xã hội và quy trình thủ tục xét duyệt, TS. Nguyễn Văn Khôi đề nghị tận dụng ngay các dữ liệu về dân cư mà ngành Công an đang quản lý để rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục xét duyệt đối tượng được mua nhà...