Loạt bài: Tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, dành nguồn lực cho phát triển

Bài 5: Mạnh dạn giảm dần “bầu sữa” ngân sách đối với các tổ chức không trực tiếp quản lý nhà nước

Văn Trường (lược ghi)

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế cho rằng, gần đây, mặc dù tỷ lệ chi cho bộ máy đã có xu hướng giảm dần, nhưng tỷ lệ này vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu chi thường xuyên. Do đó, thời gian tới, cần phải mạnh dạn giảm dần “bầu sữa” ngân sách đối với các tổ chức, cơ quan không trực tiếp quản lý nhà nước.

Hai cách giảm chi cho bộ máy

Phóng viên: Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm trăn trở về vấn đề chi ngân sách cho bộ máy rất cao, chiếm tới 70% tổng chi ngân sách, trong khi 30% nguồn lực chi cho đầu tư phát triển và các hoạt động khác là rất thấp. Ông nhìn nhận thế nào trước thực tế này?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

TS. Nguyễn Minh Phong: Trong những năm qua, nguồn nhân lực làm việc trong các bộ, ban, ngành, trong các hệ thống thể chế, chính trị ở Việt Nam là rất lớn, đòi hỏi lượng chi ngân sách lớn. Thực tế này là rất khác so với nhiều nước trên thế giới.

Tôi cho rằng, con số 70% chi ngân sách dành cho bộ máy là điều không có gì bất ngờ, thậm chí còn tiến bộ hơn so với trước đây. Gần đây, mặc dù tỷ lệ chi cho bộ máy đã giảm dần, nhưng vẫn ở mức khá cao trong cơ cấu các khoản chi thường xuyên.

Do đó, chúng ta nên tính toán giảm bớt 1/3 tổng chi ngân sách cho chi thường xuyên, nhất là chi cho bộ máy sẽ tạo ra được nguồn lực tương ứng để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển của Đất nước và cho các vấn đề an sinh xã hội khác.

Tuy nhiên, để giảm tỷ lệ chi ngân sách cho bộ máy thì có 2 cách: Cách thứ nhất là giảm trực tiếp số lượng người trong bộ máy; cách thứ hai là đưa một bộ phận đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính như đang làm hiện nay.

Hiện tại, theo cách thứ nhất thì không đạt được, vì mỗi lần thực hiện theo cách này thì lại làm số lượng người tăng lên. Còn theo cách thứ hai là đưa một bộ phận đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ kinh phí hoàn toàn, không phải chi ngân sách. Theo cách làm này, đòi hỏi phải triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, đến nay, kết quả triển khai theo cách thứ hai đạt hiệu quả chưa cao.

Ví dụ như: Bệnh viện Bạch Mai đã kiến nghị dừng triển khai thí điểm toàn diện để quay trở lại thực hiện theo cơ chế cũ, tức là không thoát khỏi được “bầu sữa” ngân sách. Điều này cho thấy giữa chủ trương và triển khai đang thiếu định hướng, cơ chế hỗ trợ và cơ chế để đảm bảo hoạt động hiệu quả.  

Phóng viên: Từ thực tế trên, để triển khai đạt hiệu quả về vấn đề giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Phong: Từ thực tế trên, theo tôi cần tập trung triển khai theo các nội dung sau:

Một là, tiếp tục sắp xếp lại bộ máy theo tinh thần giảm tuyệt đối, chứ không phải sắp xếp theo hướng sáp nhập lại với nhau giảm về số đơn vị, đầu mối nhưng tổng số lượng người vẫn không thay đổi. Tinh thần là phải sắp xếp bộ máy, cộng với đưa ra định biên một cách “cứng”, có giải pháp, lộ trình để đưa định biên số lượng người tại mỗi đơn vị, cơ quan về mức chuẩn.

Hai là, rà soát, nghiên cứu lại thể chế để đưa các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, từ đó giảm bớt yêu cầu chi ngân sách cho các đơn vị này. Nếu chúng ta không triển khai được theo cách này thì phương án thay đổi cơ cấu chi ngân sách là rất khó.

Bộ máy “cồng kềnh” đòi hỏi tăng lương là rất khó!

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, việc chi ngân sách cho bộ máy quá lớn đã cản trở đến việc tăng lương trong thời gian qua. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến này. Hiện nay, số lượng người tại các cơ quan, đơn vị không giảm được trực tiếp, dẫn tới việc chi lương cho số lượng người này chiếm tỷ lệ cao trong chi thường xuyên.

Cần có giải pháp, lộ trình để đưa định biên số lượng người tại mỗi đơn vị, cơ quan về mức chuẩn.
Cần có giải pháp, lộ trình để đưa định biên số lượng người tại mỗi đơn vị, cơ quan về mức chuẩn.

Để giải quyết được vấn đề tăng lương trước mắt, cần định vị rõ nhiệm vụ, phân nhiệm rõ yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ, cộng với có các tiêu chí cụ thể về công việc được giao để có thể đuổi việc hoặc kỷ luật; đồng thời, thanh lọc bộ máy trên cơ sở tự nhiên tại các cơ quan, đơn vị như về hưu, chuyển cơ quan, hoặc siết chặt tỷ lệ, số lượng người theo chức năng, nhiệm vụ hoạt động của mỗi đơn vị, cơ quan.

Thậm chí, theo cách khác có thể tạo ra sức ép về thu nhập để cho một bộ phận “bắn ra” khỏi hệ thống nhà nước, sau đó thực hiện tuyển dụng người giỏi, có trình độ để trả lương cao lên. Như hiện nay, bộ máy “cồng kềnh” đòi hỏi tăng lương là rất khó.

Cần có “đơn vị mẫu mực” thực hiện giảm biên chế

Phóng viên: Vậy theo ông, chúng ta cần triển khai giải pháp mang tính đột phá nào để vừa tinh gọn bộ máy, vừa đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc?

TS. Nguyễn Minh Phong: Quan trọng nhất, chúng ta đang đi theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với thông lệ và cam kết quốc tế. Tức là thể chế thị trường của nước ngoài quản lý như thế nào, chúng ta cố gắng khảo sát, học hỏi kinh nghiệm ở nước tốt nhất phù hợp với điều kiện, tình hình của Việt Nam về tổ chức bộ máy, yêu cầu công việc, các nhiệm vụ cũng như các nguồn lực chi cho nó.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải mạnh dạn lược dần, giảm dần “bầu sữa” của Nhà nước cho các tổ chức ăn theo, không trực tiếp quản lý nhà nước theo hướng giảm dần về số lượng con người, yêu cầu nhiệm vụ và kể cả cơ chế tài chính để giảm bớt việc “ăn bám” vào đó.

Ngoài ra, cũng cần phải xác định rõ yêu cầu vị trí việc làm, yêu cầu công việc để từ yêu cầu công việc, từ yêu cầu quản lý để định biên, định vị tiêu chuẩn quản lý chứ ko phải là từ số lượng con người hiện nay mà chúng ta mỗi lúc làm một chút thì không thể thay đổi được.

Ví dụ như: Quy trình quản lý cấp Bộ gồm những hoạt động gì, thao tác nào cần bao nhiêu người, yêu cầu của mỗi vị trí như thế nào... cần phải phân định rõ ràng. Sau khi rõ quy trình quản lý thì tiến hành sàng lọc dần, để đưa từng bộ phận về đúng vị trí biên chế cần thiết, từ đó sẽ giảm được số lượng người.

Hiện nay, ở nước ta chưa có đơn vị, cơ quan nào “nêu gương” về vấn đề giảm biên chế nên việc triển khai thực hiện là rất khó. Chính vì vậy, cần có “đơn vị mẫu mực” thực hiện giảm biên chế, sau đó các bộ, cơ quan triển khai làm theo. Tất nhiên, nó còn phụ thuộc vào tính chất công việc, nhiệm vụ của mỗi bộ, cơ quan.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!