Bài học quản lý thị trường vàng Trung Quốc và Ấn Độ
(Tài chính) Trung Quốc từ chỗ đóng kín thị trường vàng đã từng bước tự do hoá mọi giao dịch và gặt hái thành công. Trong khi Ấn Độ theo hướng ngược lại nhưng vẫn chưa thể khiến người dân bớt yêu vàng.
Dưới đây là ý kiến của tiến sĩ Tô Ánh Dương - Viện Kinh tế Việt Nam về câu chuyện quản lý thị trường vàng ở hai môi trường gần và khá tương đồng với Việt Nam. Tham luận của tiến sĩ Dương được gửi tới Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013, nơi vàng cũng là chủ đề được tranh luận sôi nổi.
Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của Trung Quốc
Tại Trung Quốc, hoạt động kinh doanh vàng được thống nhất quản lý bởi đầu mối duy nhất là Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (People’s Bank of China-PBOC – Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc). Trong giai đoạn từ năm 1949 đến 2001, Trung Quốc thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, PBOC đóng vai trò độc quyền thị trường vàng trong nước. Tuy nhiên, cùng với việc tự do hóa thị trường tài chính, Trung Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc tự do hoá từng bước thị trường vàng. Về cơ bản, kế hoạch tự do hoá thị trường vàng của Trung Quốc cũng bao gồm 3 giai đoạn như nhiều nước khác, đó là: (i) Giai đoạn 1: Xoá bỏ chế độ độc quyền kinh doanh vàng và cơ chế kiểm soát giá, đồng thời thành lập Sở giao dịch vàng Thượng Hải; (ii) Giai đoạn 2: Từng bước xoá bỏ cơ chế cấp phép đối với hoạt động sản xuất, bán buôn và bán lẻ vàng, bước đầu là đối với hoạt động bán lẻ, sau đó cho phép cá nhân được tham gia giao dịch vàng miếng; (iii) Giai đoạn 3: Xoá bỏ từng bước chế độ quản lý xuất nhập khẩu vàng. Trên cơ sở các bước nêu trên, PBOC đã ban hành các quy định theo hướng nới lỏng quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Dưới đây là những mốc quan trọng trong tiến trình tự do hoá thị trường vàng của Trung Quốc.
- Giai đoạn 1991-2000: Trước năm 1991, tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ vàng phát triển chậm, chỉ vào khoảng 80 tấn mỗi năm, rất thấp nếu tính theo đầu người. Trong giai đoạn 1991-2000, nhu cầu tiêu thụ vàng bắt đầu tăng mạnh và đạt mức trung bình 270 tấn do những cải cách kinh tế và bắt đầu quá trình tự do hóa. Tuy nhiên, thị trường vàng vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước từ khâu sản xuất cho đến khâu phân phối bán lẻ.
Trong giai đoạn này, PBOC hoàn toàn độc quyền thị trường vàng trong nước từ khâu khai thác, tinh chế, gia công lẫn hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu vàng. Các công ty khai thác vàng sau khi tinh chế thành vàng miếng phải bán lại cho các chi nhánh của PBOC, sau đó PBOC sẽ bán lại cho các công ty vàng bạc đá quý chuyên gia công vàng trang sức. Các công ty này sau đó được phép bán vàng trang sức cho dân chúng. Các hãng kinh doanh vàng trang sức chỉ được phép mua vàng nguyên liệu từ PBOC và bán nhưng không được phép mua lại vàng trang sức từ dân chúng. Người dân muốn bán vàng trang sức để lấy tiền mặt sẽ bán tại các chi nhánh của PBOC. Ngoài ra, giá cả mua bán vàng đều phải áp dụng giá do PBOC quy định. PBOC quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng dưới dạng cấp phép xuất nhập khẩu cho các công ty được phép với số lượng tuỳ vào từng thời điểm. Nhờ đó mà Ngân hàng Trung ương kiểm soát được số lượng vàng trong nước.
Tuy nhiên, do giá vàng mua vào mà Nhà nước quy định thường thấp hơn nhiều so với vàng bán ra nên đã hình thành thị trường mua bán vàng ngầm trong dân cư. Mặt khác, cơ chế độc quyền trong phân phối và kiểm soát giá đã làm cho giao dịch trên thị trường bị méo mó, giá cả không tuân theo quy luật cung cầu trong khi nhu cầu vàng người dân lại ngày càng cao. Tình trạng này làm tăng lượng vàng nhập lậu kém chất lượng từ các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc. Nhận thấy tình hình tiêu cực trên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đổi mới, từng bước xóa bỏ cơ chế độc quyền trong sản xuất, kinh doanh và phân phối vàng.
- Giai đoạn từ 2001-2006: Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Đây cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng trong việc tự do hoá thị trường vàng của Trung Quốc. Tháng 4/2001, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên chính thức công bố kế hoạch xoá bỏ cơ chế quản lý độc quyền trong mua và phân phối vàng, bãi bỏ việc kiểm soát và ấn định giá vàng cũng như giảm thuế suất. Hiệp Hội Vàng Trung Quốc (CGA) và Sở/Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (Shanghai Gold Exchange - SGE) được thành lập. Đây được coi là bước đột phá trong chính sách quản lý thị trường vàng của Trung Quốc sau hơn 50 năm thực hiện kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, vào tháng 11/2001 Trung Quốc xoá bỏ chế độ cấp phép đối với hoạt động sản xuất, bán buôn và bán lẻ vàng trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vẫn chưa được phép tham gia vào lĩnh vực này.
Hoạt động của Sở giao dịch vàng Thượng Hải (SGE)
Để quản lý thị trường vàng hiệu quả mà vẫn đảm bảo nhu cầu kinh doanh vàng bạc của dân chúng, Trung Quốc đã thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia vào tháng 11/2001, hoạt động độc lập như một Sở Giao dịch Chứng khoán. Sở giao dịch vàng Thượng Hải (Shanghai Gold Exchange – SGE) là pháp nhân độc lập do Nhà nước đầu tư vốn 100% (vốn điều lệ đăng ký là 30.000.000 RMB, tương đương khoảng 4,2 triệu USD), thời gian hoạt động là 50 năm. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa là cơ quan quản lý, giám sát toàn bộ hoạt động của SGE. Hội đồng quản trị của Sàn do NHTW tiến cử, hầu hết các vị trí quan trọng và chủ chốt trong Ban Quản trị của Sàn đều do Ngân hàng Trung ương bổ nhiệm. SGE có chế độ báo cáo thường xuyên và đột xuất nhờ đó mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn giữ được quyền chủ động trong mọi quyết định của SGE.
Vào tháng 10/2002, Sở giao dịch vàng Thượng Hải chính thức đi vào hoạt động. Đây là sàn vàng vật chất giao ngay (spot gold). Sản phẩm được phép giao dịch lúc đầu là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sau đó mở rộng sang các kim loại quý khác như bạch kim và bạc. Để thực hiện giao dịch vàng vật chất, SGE có hệ thống thành viên là các công ty cung cấp dịch vụ lưu kho, bảo quản và giao nhận vàng. Ban đầu, chỉ nhà đầu tư là tổ chức mới được phép tham gia giao dịch trên SGE, nhà đầu tư cá nhân chưa được phép tham gia. SGE có hệ thống thành viên là các tổ chức kinh tế trong nước, gồm: các công ty kinh doanh vàng (công ty khai thác, chế tác, xuất nhập khẩu vàng); các định chế tài chính và các thành viên chủ chốt. Các thành viên này là các nhà tạo lập thị trường, tham gia giao dịch, làm đại lý nhận lệnh, thực hiện chức năng ngân hàng thanh toán hoặc cung cấp dịch vụ kho bãi, giao nhận. Tại thời điểm đi vào hoạt động, SGE có 108 thành viên.
Theo số liệu thống kê trên website của Sở giao dịch vàng Thượng Hải, giá vàng giao dịch trên SGE (đơn vị CNY/g) tương đối sát với giá thế giới (đơn vị USD/ounce) nếu cộng cả thuế và các chi phí nhập khẩu. Trong khi hoạt động xuất nhập khẩu vàng đang bị quản lý dưới dạng cấp phép, giá vàng trong nước có sự liên thông với giá vàng thế giới chứng tỏ PBOC có cơ chế quản lý linh hoạt trong việc cho phép các đơn vị xuất hoặc nhập khẩu vàng khi có chênh lệch giá. Ngoài ra, cũng có khả năng PBOC trực tiếp mua bán can thiệp thị trường nhằm bình ổn giá, hạn chế tình trạng buôn lậu vàng.
Với sự ra đời của SGE, giao dịch vàng miếng đã được thực hiện tập trung qua Sàn bằng cơ chế khớp lệnh tập trung, giá cả do cung cầu thị trường quyết định, PBOC không thực hiện quy định giá đối với giao dịch vàng miếng. Đây là sự kiện đánh dấu sự chấm dứt cơ chế độc quyền đối với thị trường vàng của Trung Quốc.
Tháng 3/2003, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được phép đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng tại thị trường trong nước. Năm 2003- 2004, cũng đánh dấu tiến trình mở cửa thị trường của Trung Quốc qua việc: (i) Bãi bỏ việc cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu sử dụng vào mục đích sản xuất nữ trang để tái xuất khẩu; (ii) Bãi bỏ quy định cấp giấy phép kinh doanh vàng để tự do hóa thị trường vàng nữ trang; (iii) Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) bắt đầu cho phép cá nhân giao dịch vàng hai chiều với thanh toán bằng tiền mặt; (iv) Ủy ban Pháp chế cho phép việc mua bán vàng vật chất tại các ngân hàng thương mại.
- Giai đoạn từ năm 2006 - nay: Tháng 12/2006, Ngân hàng Nhân dân Trung hoa ( PBOC) cho phép nhà đầu tư cá nhân được phép giao dịch vàng miếng trên SGE. Nhờ quy định này, vàng trở thành kênh đầu tư tài chính hấp dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân cùng với kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiền tệ, bất động sản. Với sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân, tính thanh khoản của vàng trên SGE cũng được nâng lên đáng kể. Đồng thời, PBOC cũng chính thức cho phép các ngân hàng thương mại được phép cung cấp dịch vụ kinh doanh vàng tài khoản cho khách hàng cá nhân. Kinh doanh vàng qua tài khoản là việc nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch mua bán vàng trên tài khoản của mình nhưng trên thực tế không diễn ra việc giao nhận vàng vật chất, cũng như không thể rút vàng vật chất từ tài khoản của mình.
Hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân phải mở 2 tài khoản (1 tài khoản tiền thanh toán và 1 tài khoản vàng) để thực hiện giao dịch tại các Ngân hàng là thành viên của SGE. Ngân hàng cung cấp dịch vụ thực hiện chức năng trung gian, mở tài khoản cho nhà đầu tư, nhập lệnh, khớp lệnh và thu phí giao dịch. Theo quy định của PBOC, nhà đầu tư cá nhân chỉ được phép giao dịch trong giới hạn số dư tài khoản tiền hoặc vàng của họ. Tức là ngân hàng không được phép cho nhà đầu tư vay để đầu tư vượt quá số tiền hoặc vàng họ đang nắm giữ hay không sử dụng đòn bẩy tài chính (tỷ lệ ký quỹ là 100%). Quy định này sẽ hạn chế quy mô giao dịch vàng tài khoản nhưng sẽ giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp đầu tư thua lỗ.
Giữa năm 2007, PBOC chấp thuận cho một số ngân hàng nước ngoài gồm HSBC, Standard Chartered, UBS AG và Bank of Nova Scotia (BNS) trở thành thành viên của Sàn giao dịch vàng Thượng Hải. Năm 2010, lượng vàng giao dịch tại Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải đạt 6.046 tấn trị giá 1,61 nghìn tỷ NDT, trong đó giao dịch vật chất là 837 tấn.
Tháng 08/2010, Chính phủ Trung Quốc nới lỏng những quy định trong hoạt động mua, bán và đầu tư vàng đối với các tổ chức tài chính và nhà đầu tư cá nhân. Nhiều ngân hàng được phép nhập khẩu và xuất khẩu vàng, mở cửa thị trường vàng cho các tổ chức và các cá nhân. Cũng trong năm 2010, Trung Quốc cho phép quỹ đầu tư vàng đầu tiên được đầu tư ra các quỹ tín thác đầu tư vàng ở thị trường nước ngoài.
Hiện tại, Trung Quốc là nước khai thác vàng lớn nhất thế giới với sản lượng dự kiến lên tới 440 tấn năm 2013, vượt Nam Phi – nhà khai thác vàng lớn nhất thế giới năm 2007, với sản lượng đạt 403 tấn trong năm 2012. Đồng thời, Trung Quốc là nước tiêu thụ vàng đứng thứ 2 thế giới (sau Ấn Độ, tuy nhiên sẽ sớm vượt Ấn Độ trong năm 2013 ) với mức tiêu thụ ngày càng tăng (năm 2010: 580 tấn; năm 2011: 778,6 tấn; 6 tháng đầu năm 2013: 706,36 tấn và có thể đạt 1.000 tấn cả năm 2013)
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chiếm 30,2% tổng dự trữ ngoại hối của thế giới vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc khá khiêm tốn. Năm 2009, Trung Quốc là quốc gia có dự trữ vàng đứng thứ 6 thế giới (sau Mỹ, Đức, IMF, Ý và Pháp) với 1054 tấn (chỉ chiếm 1,9% tổng dự trữ của Trung Quốc).
Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng huy động vàng ở Ấn Độ
Vàng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, tôn giáo và văn hóa của người Ấn Độ. Trong nhiều thập kỷ qua, các gia đình Ấn Độ đã mừng lễ cưới, sinh nhật, lễ hội thông qua vàng. Truyền thống này đã được truyền từ đời này sang đời khác. Ví dụ điển hình là một nửa số vàng mà người Ấn Độ mua hàng năm chỉ để phục vụ cưới xin. Với khoảng 10 triệu đám cưới mỗi năm, quốc gia này đã và sẽ còn chứng kiến một lực mua vàng vô cùng lớn mạnh.
Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm giao dịch vàng đã tồn tại hơn 4 thập kỷ qua vào tháng 10/2003. Ấn Độ thành lập thị trường giao dịch vàng qua Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ (MCX) và Sở giao dịch này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2003. Tính tới năm 2010, MCX đã chiếm hơn 80% thị phần hàng hóa tương lai của Ấn Độ với hơn 2.000 thành viên đăng ký hoạt động thông qua 100.000 trung tâm giao dịch. MCX là thị trường giao dịch hàng hóa tương lai lớn thứ hai thế giới về vàng.
Hiện tại, Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng cũng như nhập khẩu vàng lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê từ Mineweb.com, năm 2012 nước này nhập tới 1.080 tấn vàng, trong đó 56% là nhập qua các ngân hàng, lượng vàng trong dân chúng khoảng 20.000 tấn. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến có thể chiếm tới 45-50% cầu vàng thế giới vào cuối năm nay (2013), với mức nhập khẩu tương đương từ 900-1000 tấn/mỗi nước. Chỉ riêng trong quý 2/2013, nhu cầu vàng của Ấn Độ tăng 70% so với cùng kỳ năm 2012, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua và đạt mức 310 tấn, trong khi đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 trên thế giới về nhu cầu vàng (hình 1).
Trong mấy năm gần đây, kinh tế vĩ mô của Ấn Độ biến động mạnh. Tỷ lệ tăng trưởng GDP đã giảm mạnh từ mức 9,3% năm 2011 xuống còn 4,4% hiện nay. Thâm hụt cán cân vãng lai của Ấn Độ đã lên mức kỷ lục 4,8% GDP hay 88,2 tỷ USD trong năm tài chính 2012 – 2013 kết thúc vào tháng 3/2013 (so với mức thâm hụt 4,3% GDP năm 2011 – 2012). Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu giảm thâm hụt cán cân vãng lai xuống còn 3,8% GDP hay 70 tỷ USD trong năm tài chính này. Vàng là nhân tố đứng thứ hai (sau dầu) đóng góp vào thâm hụt cán cân vãng lai của Ấn Độ, do nhập khẩu xăng dầu và vàng chiếm tới 45% tổng nhập khẩu hàng hóa năm tài chính 2012 – 2013. Thâm hụt cán cân vãng lai lớn đã tác động mạnh đến giá trị đồng Rupee. Đồng Rupee đã mất giá trên 20%trong năm tài chính 2012-2013, đây là mức mất giá mạnh thứ 2 sau đồng Yên Nhật trong rổ tiền tệ của 11 nước Châu Á,và đạt mức thấp kỷ lục 60,765 Rupee/USD vào ngày 26/6/2013.
Chính sách quản lý thị trường vàng và “chống vàng hóa” của Ấn Độ
Từ tháng 3/2012 trở lại đây, Chính phủ và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (The Reserve Bank of India – RBI – Ngân hàng Trung ương của Ấn Độ) dồn dập đưa ra các quy định mới để tăng cường quản lý thị trường vàng, thậm chí kêu gọi người dân bớt “yêu” vàng, và không mua vàng, bên cạnh việc sử dụng tiết kiệm xăng dầu. Ngày 21/3/2012, RBI ra quy định các công ty tài chính phi ngân hàng không được cho vay dựa trên tài sản đảm bảo bằng vàng miếng và tiền xu vàng. Trong báo cáo định kỳ ngày 30/10/2012, RBI quan ngại việc nhập khẩu vàng tăng mạnh trong những năm gần đây do các ngân hàng cho vay mua vàng dưới mọi hình thức và điều này thúc đẩy nhu cầu vàng nhằm mục đích đầu cơ. Đến tháng 11/2012, RBI chính thức có quy định cấm các ngân hàng cho vay để mua vàng dưới mọi hình thức.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng dừng kế hoạch cho phép tăng tỷ lệ danh mục cho vay dựa trên thế chấp bằng vàng từ 11% lên 15% như dự kiến trước đó, đồng thời chỉ đạo các công ty tài chính phi ngân hàng giới hạn giá trị khoản vay ở mức 60% giá trị tài sản thế chấp bằng vàng so với tỷ lệ 90 – 100% như trước đây.
Tháng 2/2013, RBI yêu cầu các ngân hàng hợp tác xã chỉ được phép cho vay thế chấp bằng vàng và không được phép cho vay mua vàng dưới mọi hình thức. Đầu tháng 5/2013, RBI quy định các ngân hàng được phép cho vay dựa trên tài sản đảm bảo là vàng trang sức và tiền xu vàng do ngân hàng đúc, nhưng không được phép cho vay để mua vàng dưới bất kỳ hình thức nào. Cho vay dựa trên đảm bảo bằng tiền xu vàng đối với mỗi khách hàng không được quá trọng lượng 50 gram vàng.
Cũng trong tháng 5/2013, RBI quy định hạn chế nhập khẩu vàng trên cơ sở ủy thác của ngân hàng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của đơn vị xuất khẩu vàng trang sức, rồi mở rộng sang các tổ chức khác được Chính phủ cho phép nhập khẩu vàng. Tất cả thư tín dụng (L/C) để nhập khẩu vàng dưới mọi hình thức phải được đảm bảo 100% bằng tiền mặt và việc nhập khẩu vàng sẽ phải được thực hiện theo phương thức Hồ sơ – Thanh toán, không được áp dụng phương thức Hồ sơ – Chấp thuận.
Cuối tháng 6/2013, tiếp theo quy định trước đó, RBI yêu cầu việc nhập khẩu vàng dựa trên tín dụng của bên mua/bên bán phải tuân thủ quy định về tỷ lệ đảm bảo bằng tiền mặt và phương thức Hồ sơ – Thanh toán, các ngân hàng phải đảm bảo không cho phép cấp tín dụng dưới bất kỳ hình thức nào để nhập khẩu vàng.
Hội đồng Vàng thế giới cho rằng nhu cầu vàng vật chất của Ấn Độ có thể tiến tới con số 1.000 tấn trong năm nay. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ lại muốn hạn chế lượng vàng nhập khẩu không vượt quá 850 tấn và vì thế quốc gia này một lần nữa lại áp dụng các chế tài khắt khe trong việc mua và nhập khẩu vàng.
Trong nỗ lực nhằm giảm thâm hụt cán cân vãng lai ở mức cao kỷ lục, ngày 5/6/2013, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng lần thứ 2 trong năm nay, từ 6% lên 8%, so với mức thuế 2% vào tháng 1/2012.
Ngày 22/6/2013, RBI yêu cầu các nhà nhập khẩu phải tái xuất ít nhất 20% lượng vàng nhập khẩu – thường là đồ trang sức. Sau đó, ngày 30/8/2013, RBI lại tiếp tục tăng thuế nhập khẩu vàng từ 8% lên 10%.
Có nhiều điểm tương đồng trong các chính sách tăng cường quản lý thị trường vàng của Ấn Độ giống với Việt Nam, đó là cùng theo hướng siết chặt, cắt bỏ dần hoạt động cho vay bằng vàng, cho vay thế chấp bằng vàng, cũng như hạn chế việc nhập khẩu vàng. Chính phủ Ấn Độ gần đây tuyên bố có thể sẽ áp dụng thêm các biện pháp hạn chế nhập khẩu vàng hơn nữa cho đến khi lượng vàng vật chất nhập khẩu đạt ở con số mong muốn.
Tuy nhiên, tại Ấn Độ, sự say mê giao dịch vàng vẫn được duy trì bất chấp các biện pháp tăng thuế nhập khẩu của chính phủ với mục tiêu cắt giảm thâm hụt cán cân vãng lai. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trên thực tế, nhu cầu vàng trang sức, vàng thỏi và tiền xu vàng tại Ấn Độ trong quý 2/2013 vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi các biện pháp tăng thuế được áp dụng, cho dù nhập khẩu vàng giảm mạnh trong quý 3/2013 theo số liệu nhập khẩu chính thức.
Lực mua vàng kỷ lục này không xuất phát hoàn toàn từ “tình yêu” vàng. Chắc chắn người dân quyết định mua vàng một phần là do lo ngại nghèo đói cũng như sự bất ổn trong các chính sách của chính phủ. Một chính sách tốt có thể kích thích kinh tế tăng trưởng và khiến thị trường phản ứng tốt. Một chính sách tồi lại đem đến những hậu quả trái ngược. Khi người dân mua vàng cho người thân và bạn bè, cũng là lúc họ mua vàng với mục đích bảo vệ. Trong vòng 3 năm qua, từ tháng 8/2010 đến tháng 8/2013, lợi nhuận từ vàng ở Ấn Độ tính theo đồng Rupee – một đồng tiền yếu so với USD - là 49,5%, trong khi đó lợi nhuận của vàng tính theo đồng USD ở Mỹ chỉ là 12,4%.
Theo Thomson Reuters GFMS, tổng hợp số liệu của Hội đồng vàng Thế giới, năm 2012 có 102 tấn vàng nhập lậu vào Ấn Độ. Năm 2013, các nhà bán lẻ và các trung tâm bán vàng miếng dự đoán vàng nhập lậu vào Ấn Độ có thể lên tới 140 tấn, tăng 40% so với năm ngoái.
Kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc huy động vàng
Để thu hút một phần khối lượng vàng của quốc gia do tư nhân nắm giữ (hiện tại khoảng 20.000 tấn vàng), qua đó giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu vàng, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (NHTW) cho phép các ngân hàng có đủ điều kiện được huy động và cho vay vàng, cụ thể như sau:
- Ngân hàng được huy động khi được NHTW Ấn Độ cho phép (hiện nay ngân hàng huy động vàng lớn nhất của Ấn Độ là Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ). Các ngân hàng phải có cơ chế quản trị rủi ro thích hợp để phòng chống rủi ro biến động giá vàng và được phép tham gia vào các hợp đồng kỳ hạn ở Ấn Độ để bảo hiểm rủi ro. Các ngân hàng được tham gia thị trường vàng quốc tế, Hiệp hội vàng London hoặc sử dụng các hợp đồng OTC để phòng ngừa biến động giá vàng theo các quy định về kiểm soát ngoại hối. Đồng thời, các ngân hàng phải thiết lập hệ thống kế toán phù hợp, cơ chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ và công bố thông tin bao quát các hoạt động liên quan đến vàng bao gồm cả huy động vàng.
- Một số đặc điểm huy động vàng ở Ấn độ:
+ Hình thức: huy động tiết kiệm hoặc phát hành chứng chỉ huy động vàng cho các hộ gia đình, các ngôi đền, chùa và các quỹ tôn giáo.
+ Kỳ hạn: thường từ 3-7 năm.
+ Lãi suất: Do ngân hàng huy động quy định.
+ Khi đến hạn sẽ được thanh toán bằng vàng hoặc tương ứng bằng đồng Rupee theo yêu cầu của người gửi.
+ Chứng chỉ có thể chuyển nhượng và người sở hữu không phải chịu thuế.
+ Người gửi vàng có thể thanh toán trước hạn sau khi gửi tối thiểu 1 năm. Ngân hàng có thể cho người giữ chứng chỉ vay đồng Rupee.
- Ngân hàng huy động vàng có thể: (i) cho vay vàng đối với lĩnh vực trang sức trong nước, cho vay các nhà xuất khẩu vàng trang sức; (ii) bán vàng giao ngay tại thị trường trong nước hoặc bán vàng cho các ngân hàng chỉ định khác.
- Ngân hàng huy động sẽ bán vàng huy động được trên thị trường trong nước để giảm sự phụ thuộc vào vàng nhập khẩu. NHTW sẽ cung cấp hợp đồng bán vàng kỳ hạn cho ngân hàng huy động vàng với một chi phí nhất định. Chi phí này cùng với lãi suất huy động trả cho người sở hữu chứng chỉ vàng sẽ tương đương với lãi suất đi vay Rupee của ngân hàng huy động.
Tuy nhiên, việc huy động vàng ở Ấn Độ cũng có một số vấn đề đặt ra là:
(i) Nhu cầu mua vàng miếng sẽ tương ứng với số lượng vàng gửi vào ngân hàng thương mại (NHTM) nên không làm giảm được sự phụ thuộc vào vàng miếng nhập khấu.
(ii) Chính phủ sẽ mất tiền nếu đồng Rupee giảm giá trị mạnh so với Đô la Mỹ hoặc giá vàng tăng mạnh trong suốt thời hạn gửi vàng.
(iii) Mất khoản thu thuế đối với lãi gửi vàng trong khi có thể đánh thuế đối với lãi tiền gửi Rupee.
(iv) NHTW Ấn Độ có lượng vàng dự trữ khoảng 557,7 tấn vàng (năm 2009). Số vàng này đang không mang lại lợi nhuận cho NHTW Ấn độ, tuy nhiên họ đã chọn việc cho phép NHTM đi vay vàng từ người dân và trả lãi suất. Nếu số vàng huy động tăng lên và NHTW cung cấp hợp đồng bán vàng kỳ hạn cho ngân hàng huy động thì có nghĩa là NHTW đã bán khoản dự trữ ngoại hối của mình và có thể phải giao vàng trong tương lai.
Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Thị trường vàng Việt Nam hiện nay có quy mô khoảng 40 tỷ USD, vẫn rất nhỏ bé nếu xét trên bình diện toàn thế giới. Theo đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới, thị trường vàng Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng, tuy nhiên vẫn còn kém phát triển, mang nặng tính thủ công, chưa áp dụng được các công nghệ sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh hiện đại trên thị trường quốc tế.
Nghiên cứu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng và huy động vàng của quốc tế, đặc biệt kinh nghiệm của Trung Quốc và Ấn Độ, có thể rút ra các bài học sau.
(i) Thị trường vàng cần quản lý theo quy luật cung – cầu trên cơ sở liên thông, gắn kết với thị trường vàng thế giới. Tuy nhiên, do vàng là tài sản quốc gia và là hàng hóa mang tính tiền tệ đặc biệt nên Nhà nước có cơ chế quản lý sao cho huy động tối đa nguồn lực này phục vụ mục tiêu phát triển và bình ổn kinh tế vĩ mô, có thể điều tiết được thị trường khi cần.
(ii) Cùng với quá trình tự do hoá thị trường tài chính, thị trường vàng cũng cần tự do từng bước nhằm phù hợp với trình độ phát triển chung của thị trường tài chính. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trong đó có Trung Quốc, tiến trình tự do hoá thị trường vàng nên bắt đầu từ tự do hoá thị trường vàng vật chất, sau đó đến kinh doanh vàng tài khoản và cuối cùng là từng bước xoá bỏ kiểm soát đối với hoạt động xuất nhập khẩu vàng.
(iii) Ngân hàng Trung ương (NHTW) là đầu mối quản lý thị trường vàng và điều tiết thị trường này theo quy luật cung cầu thị trường. Quản lý của NHTW cần phải hướng tới việc kiểm soát được việc kinh doanh, đầu tư vàng của đối tượng đầu tư, tiêu dùng. Muốn vậy, NHTW cần xây dựng cơ sở pháp lý đảm bảo đối tượng đầu tư, tiêu dùng chỉ có thể mua, bán vàng trên mạng lưới mà NHTW thiết lập (như các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, sàn/sở giao dịch vàng,…). Từ đó, Chính phủ không cần thiết phải cấm người dân mua, bán và tích trữ vàng miếng mà vẫn quản lý được nguồn lực tài chính quốc gia, đủ năng lực và công cụ để đưa ra các biện pháp cần thiết, kịp thời nhằm ổn định và điều tiết thị trường khi cần.
(iv) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Sở giao dịch hàng hoá trong đó có giao dịch vàng (trên cơ sở vàng được coi như một loại hàng hóa đặc biệt) như mô hình của Sở giao dịch vàng Thượng Hải để đưa thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng quốc tế. Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, việc đưa hoạt động kinh doanh vàng vào quản lý theo thị trường tập trung mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội.