Bài học về phát triển kinh tế xanh ở một số quốc gia

Nguyễn Thị Thu Hà - Trường Đại học Điện lực

Phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu của các quốc gia, nhằm đạt được mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Không nằm ngoài xu thế đó, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh. Bài viết này nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia như: Đan Mạch, Singapore về phát triển kinh tế xanh, qua đó, gợi mở một số bài học cho Việt Nam trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế xanh.

Khái niệm kinh tế xanh

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đây được coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh.

Theo đó, kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải cac-bon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.

Tháng 9/2015, Liên hợp quốc công bố Chương trình Nghị sự 2030, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng và bảo vệ hành tinh. Hiện nay, kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: kinh tế, môi trường và xã hội.

Kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển kinh tế xanh

Với các xu hướng phát triển kinh tế xanh, hiện nay, trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã có những bước đi dài trong phát triển mô hình kinh tế xanh, trong đó, các quốc gia như: Đan Mạch, Singapore… là 2 trong số các quốc gia chú trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh. Cụ thể như sau:

Đan Mạch

Là quốc gia đi đầu trong phát triển xanh, Đan Mạch với mục tiêu tham vọng trở thành “quốc gia xanh” nhất tại châu Âu và trên thế giới. Theo chiến lược năng lượng đến 2035, Đan Mạch sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguyên liệu hoá thạch trong ngành công nghiệp năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo.

Tại Đan Mạch, Chính phủ hướng tới chuyển đổi xanh với 3 trụ cột chính là xe đạp, năng lượng gió và xử lý rác thải. Từ những năm 1960, Thủ đô Copenhagen đã đưa ra sáng kiến hình thành văn hóa đi xe đạp, thông qua việc hạn chế đậu xe trong trung tâm Thành phố, tăng thuế xe hơi và khí đốt, đồng thời lắp đặt giá treo xe đạp, làn đường và đèn giao thông.

Bên cạnh đó, Đan Mạch là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ gió và đặt mục tiêu biến Copenhagen trở thành Thủ đô trung hòa các-bon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. Để hiện thực hoá tham vọng của mình, Đan Mạch đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, chi tiêu công cho các sản phẩm hàng hoá do nhà nước điều chỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và việc sản xuất quá nhiều bao bì hàng hoá. 20% tổng tiêu thụ năng lượng ở Đan Mạch là năng lượng gió. Các nhà sản xuất cối xay gió đạt được thành công đột phá về mặt công nghệ, nên chi phí sản xuất năng lượng gió tương đương với sản xuất điện ở nhà máy nhiệt điện. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt 1/3 điện năng tiêu thụ từ turbin gió. Ngoài năng lượng gió, Đan Mạch còn phát triển ngành sản xuất khí biogas tại nhà máy ở Zealand, cho phép sản xuất hàng ngày khoảng 6.000m¬3 từ 135 tấn rác thải sinh học (1m3 khí sinh học tương đượng với 0,6l dầu).

Trong ngành xây dựng, Đan Mạch chú trọng xây những toà nhà có có lượng các - bon đioxin vô hại đối với môi trường. Tại các công trình nhà ở, xây dựng, quốc gia này tiến hành lắp đặt các cửa sổ lớn, sao cho các phòng nhận được tối đa ánh sáng. Hạn chế sử dụng điện bằng việc lắp đặt bóng đèn tiết kiệm điện. Trên mái, bên các bức tường hay ban công được lắp đặt tấm pin mặt trời, chuyển đổi năng lượng thành nhiệt điện. Người dân có thể tự tạo ra năng lượng xanh và bán năng lượng dư thừa cho hệ thống năng lượng quốc gia. Ở Đan Mạch là người dân có thể tự đầu tư thiết bị của mình vào xây dựng tạo thu nhập, cũng như trang trải chi phí sử dụng năng lượng cho tương lai. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này còn thông qua đề án “Bạn phải trả đúng bằng những gì bạn thải ra môi trường”, do đó, các công ty phải đóng thuế do trực tiếp xả khí thải ra môi trường.

Singapore

Singapore được xem như hình mẫu với những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế xanh ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Singapore, Chính phủ đã ban hành chính sách phát triển kinh tế xanh từ rất sớm. Năm 1992, Singapore thực hiện Kế hoạch Xanh, sau đó tiếp tục thay đổi ban hành Kế hoạch vào năm 2012. Tháng 2/2021, Singapore ban hành Kế hoạch Xanh hướng tới năm 2030. Kế hoạch Xanh vạch ra các mục tiêu đầy tham vọng và cụ thể trong thập kỷ tới, củng cố các cam kết của Singapore theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris.

Theo đó, Kế hoạch Xanh của Singapore có 5 trụ cột chính với sự quản lý của 05 cơ quan là: Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển Quốc gia, Bộ Môi trường và Bền vững, Thương mại và Công nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải và được hỗ trợ bởi toàn bộ Chính phủ với các nội dung: Một là, thành phố trong tự nhiên, nhằm tạo ra những ngôi nhà xanh, đáng sống và bền vững cho người dân; Hai là, cuộc sống bền vững, nhằm hướng tới việc giảm lượng khí thải các-bon, giữ cho môi trường trong sạch, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng trở thành một phong cách sống; Ba là, tái tạo năng lượng, nhằm sử dụng năng lượng sạch hơn và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng để giảm khí thải các-bon; Bốn là, nền kinh tế xanh, nhằm tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng xanh để tạo việc làm mới, chuyển đổi các ngành công nghiệp và khai thác tính bền vững như một lợi thế cạnh tranh; Năm là, tương lai kiên cường, nhằm xây dựng khả năng phục hồi khí hậu và tăng cường an ninh lương thực.

Để đạt được những trụ cột này, Chính phủ Singapore đã đưa ra một loạt các sáng kiến và biện pháp hỗ trợ như:

- Chuyển đổi các lĩnh vực hiện có và khử các-bon: Nhằm khuyến khích các công ty trong tất cả các lĩnh vực giảm lượng khí thải, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi của Singapore sang nền kinh tế với hàm lượng các-bon thấp, tháng 1/2019, Singapore đã áp dụng thuế các-bon và trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng thuế này.

- Đẩy mạnh phát triển các ngành mới và giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế xanh nhằm đưa Singapore trở thành quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực: Cụ thể, Chương trình Doanh nghiệp bền vững (ESG) là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Singapore nhằm trao quyền, đầu tư vào các công ty đối tác cũng như cộng đồng trong quá trình chuyển đổi xanh. ESG đã khởi động Chương trình Bền vững doanh nghiệp trị giá 180 triệu đô la Singapore để hỗ trợ các công ty Singapore, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hành trình phát triển bền vững của họ và nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế xanh để duy trì tính cạnh tranh trong nền kinh tế địa phương, toàn cầu. Sự hỗ trợ tập trung vào phát triển các năng lực bền vững trong doanh nghiệp, tăng cường các năng lực cụ thể của ngành và thúc đẩy một hệ sinh thái bền vững sôi động và thuận lợi. Ngoài ra, Chính phủ Singapore sẽ phát hành 35 tỷ đô la Singapore trái phiếu xanh vào năm 2030 để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh của khu vực công.

- Phát triển nguồn nhân lực để đảm nhận công việc trong nền kinh tế xanh: Chính phủ Singapore tập trung thực hiện biện pháp nhằm trang bị cho nguồn nhận lực những kỹ năng và bí quyết cần thiết để thích ứng phù hợp trong nền kinh tế xanh. Điển hình như, Cơ quan Thị trường năng lượng phối hợp với Viện Công nghệ Singapore để phát triển chương trình cử nhân kỹ thuật điện chuyên dụng đầu tiên của Singapore nhằm trang bị cho sinh viên tốt nghiệp năng lực kỹ thuật, kỹ năng và kiến thức cho các giải pháp năng lượng mới của Singapore.

- Singapore tích cực ký kết các thỏa thuận song phương liên quan đến phát triển nền kinh tế xanh. Cụ thể là Singapore đã ký kết các thỏa thuận song phương với các đối tác thương mại lớn như: Vương quốc Anh, Australia, Việt Nam, Malaysia. Qua đó giúp Singapore khử các-bon cũng như giúp doanh nghiệp và người lao động nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế xanh.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Tại Việt Nam, phát triển kinh tế theo hướng xanh hóa đã được Đảng và Nhà nước quan tâm ngay từ những đầu thực hiện công cuộc Đổi mới. Nhiều định hướng, chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng đã được ban hành tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện chi tiết tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” thể hiện mục tiêu mạnh mẽ của nước ta về tái cơ cấu mô hình tăng trưởng hướng tới kinh tế xanh. Tại Hội nghị Khí hậu COP 26, Việt Nam gây ấn tượng với cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%.

Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của một số quốc gia điển hình như Đan Mạch, Singapore, bài viết đưa ra một số bài học cho chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện văn bản pháp luật về tăng trưởng xanh cũng như vấn đề phát triển nền kinh xanh. Việc ban hành và thực thi văn bản luật liên quan có ý nghĩa rất lớn đến quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam, đảm bảo việc phát triển kinh tế xanh luôn đi cùng với một môi trường xanh và phát triển bền vững.

Thứ hai, Chính phủ cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa cho phát triển năng lượng, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, thực hành chính sách tiết kiệm năng lượng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, Chính phủ cần tập trung vào 3 yếu tố chính: Môi trường, giảm các - bon và phát triển năng lượng tái tạo.

Thứ ba, dựa trên kinh nghiệm của các nước đã đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh thì việc giao lưu, hợp tác với cộng đồng quốc tế là đều rất cần thiết. Thông qua mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ không chỉ về vấn đề khoa học và công nghệ mà còn góp phần thúc đẩy việc huy động nguồn vốn đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, không ngừng cải thiện và đảm bảo chất lượng môi trường sống cho người dân.

Thứ tư, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa về bài toán thuế các - bon trong xu hướng phát triển kinh tế xanh. Bởi lẽ, Việt Nam là thị trường xuất khẩu của hầu hết các loại sản phẩm, hàng hóa đến các nước phát triển. Tại Việt Nam, thuế các - bon là một thuật ngữ khá mới mẻ, đây là một công cụ quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn. Việc đánh thuế các - bon là giải pháp hiệu quả để giảm lượng phát thải khí CO2 ở mỗi quốc gia. Cùng với đó, việc thu thuế các - bon góp phần gia tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước, Chính phủ có thể sử dụng nguồn thu này để đầu tư trở lại cho việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh và các - bon thấp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi Quang Tuấn (2011). Khai thác và sử dụng năng lượng xanh ở Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc tế “Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và những gợi ý cho Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á;
  2. Phùng Thị Quỳnh Trang - Nguyễn Thị Thu Hà (2021). Kinh nghiệm phát triển chính sách công nghiệp xanh ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Môi trường số 10;
  3. UNEP (2011), Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication, UNEP, doi:10.1063/1.3159605;
  4. The World Bank (2013), From Brown Growth to Green: the Economic Benefits of Climate Action, truy cập tại: https://www.worldbank.org, ngày 24/6/2022.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2024