Bài toán GDP và mối lo giảm phát?
(Taichinh) - Với tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015, nguy cơ nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát đang lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại. Theo các chuyên gia, thách thức đạt được mức tăng trưởng từ 6,5% trở lên để tránh rơi vào tình trạng giảm phát đang là bài toán lớn đặt ra với các nhà điều hành trong nửa cuối năm nay.
Tại hội thảo Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng 30/6, Ts. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, cho rằng tốc độ lạm phát trong vòng 1 năm qua đang có xu hướng giảm mạnh, với mức lạm phát khá thấp.
Gốc rễ từ tổng cầu
Tại buổi họp báo trước đó, Tổng cục Thống kê đã giải thích chỉ số CPI tăng thấp là do điều chỉnh tăng giá các mặt hàng như điện, xăng dầu, cùng giá dịch vụ y tế. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ giá tăng 2% sẽ khiến CPI tăng thêm 0,6% và giá điện tăng 8,42% đã đẩy chỉ số CPI tăng thêm 0,22%. Theo đánh giá của Ts. Độ, trong nửa đầu năm 2015, các yếu tố chi phí đẩy, về cơ bản có tác động kéo lạm phát gia tăng, song tình trạng lạm phát thấp hiện nay còn được giải thích bởi nguyên nhân là động thái của tổng cầu.
Dẫn chứng, kể từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn trong tình trạng thấp hơn tiềm năng (khoảng 6,5%), tức là tốc độ tăng của tổng cầu luôn yếu hơn tốc độ tăng của tổng cung. Điều này khiến cho chênh lệch tổng cầu - tổng cung liên tục giảm và kéo lạm phát giảm theo.
Thực tế cho thấy tốc độ lạm phát tăng mạnh trong thời gian qua không chỉ có nguyên nhân từ chênh lệch tổng cung - tổng cầu vẫn đang ở mức cao, mà còn do sự biến động của giá dầu cũng như các đợt điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá. Đứng trên góc độ tổng cầu là yếu tố tác động lâu dài và mang tính quyết định, Ts. Độ cho rằng xu hướng lạm phát giảm sẽ chỉ dừng lại khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng từ 6,5% trở lên.
Được cho là "điểm sáng" trong điều hành chính sách vĩ mô, GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng 6,28% được đánh giá là đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu GDP chỉ dừng lại ở mức 6 - 6,25%, đúng mục tiêu mà Quốc hội đề ra, Ts. Độ cho rằng tình trạng giảm phát có nguy cơ lớn sẽ diễn ra. Song, làm thế nào để đạt được mức tăng trưởng 6,5% lại là bài toán lớn đặt ra với các nhà điều hành hiện nay.
Cũng bởi, những nút thắt lớn như tăng trưởng của ngành nông nghiệp và xuất khẩu đạt mức thấp; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm; giảm giá dầu thô; thu hút đầu tư nước ngoài giảm; nhập siêu tăng… đang trực tiếp "đe dọa" đến mục tiêu tăng trưởng của kinh tế 6,2% mà Quốc hội đặt ra.
Nút thắt kiểm soát tiền tệ
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015, ba Bộ trưởng: KH&ĐT, Công Thương và Tài chính đã phải đề xuất lên Chính phủ "xin" tăng sản lượng dầu thô lên gần 16.000 tấn để bảo đảm mục tiêu tăng GDP. Tuy nhiên, theo Ts. Nguyễn Thị Kim Thanh, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm qua, giá cả hàng hóa vẫn bị chi phối bởi cung cầu hàng hóa, khi cung hàng hóa vẫn ở mức cao hơn so với cầu (gồm cả cầu tiêu dùng và cầu sản xuất).
Bên cạnh đó, yếu tố tiền tệ cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng mức giá. Dẫn chứng từ số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ giá tăng 2% từ ngày 7/1 - 7/5 đã làm tăng 0,22% mức giá chung, lạm phát cơ bản tăng 2,01% cũng minh chứng yếu tố tiền tệ tác động đến giá cả hàng hóa.
Do đó, Ts. Thanh cho rằng để kiểm soát lạm phát ổn định và bền vững, vấn đề kiểm soát tiền tệ luôn luôn được đặt lên hàng đầu, đi kèm với đó là phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, bảo đảm sự cân bằng tương ứng đối với cung cầu hàng hóa. Đồng quan điểm trên, Ts. Độ cũng cho rằng trong điều kiện nền kinh tế vẫn đang còn yếu, lạm phát thấp, nợ xấu và nợ công cao, tăng lãi suất không thể là giải pháp hiệu quả để ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và tỷ giá nói riêng. Đồng thời, việc thắt chặt tiền tệ để hạn chế lượng tiền đầu cơ trên thị trường, được Ts. Độ ví như "ném chuột nhưng lại làm vỡ bình hoa".
Tuy nhiên, khi đánh giá về triển vọng kinh tế cuối năm 2015, Ts. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), cho rằng dù các điều kiện thuận lợi có được phát huy thì GDP cũng chỉ đạt mức mục tiêu. Theo đó, nếu tình hình thế giới thuận lợi, nguồn vốn vận hành vào, các DN trong nước trỗi dậy, thị trường hoạt động thuận lợi… thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,1 - 6,2%, hoặc thậm chí cao hơn.
Song nếu tình hình có những yếu tố không thuận lợi đan xen, như nguồn vốn không vận hành vào DN, diễn biến thế giới xấu đi, mức tăng trưởng chỉ dao động quanh 6% và lạm phát có thể tăng cao hơn mức 6 tháng đầu năm. Trường hợp xấu nhất, khi tình hình không thuận lợi, chỉ tiêu GDP có thể thấp hơn kỳ vọng.
PGS.TS. Ngô Văn Hiền Học viện Tài chính
-------------------------------
Mức tăng CPI 6 tháng đầu năm ở mức thấp, đáng lưu ý là mức tăng giá lại thuộc về những nhóm hàng không phải là hàng lương thực, thực phẩm. Trong khi mức tăng giá điện, xăng dầu được bù lại qua tăng giá nhiều nhóm hàng công nghiệp và dịch vụ phi lương thực, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Do đó, việc giá hàng nông sản sụt giảm đồng nghĩa với sự sụt giảm của ngành nông nghiệp. Đây không phải chỉ là lỗi của điều hành mà là câu chuyện đầu ra cho nông sản. Đây là điều đáng lo ngại khi 6 tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt mức hơn 2%. Đây là vấn đề rất cần chú ý trong điều hành giá cả thị trường, làm thế nào để giá nông sản được cải thiện thì mức tăng CPI mới có ý nghĩa tích cực.
Bà Trịnh Thu Trang Viện Kinh tế Tài chính
-------------------------------
Mục tiêu lạm phát năm nay sẽ đạt được, song cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thấp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, cần thực hiện lộ trình giá thị trường với một số mặt hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước điều chỉnh thận trọng về thời điểm, với lộ trình phù hợp, đảm bảo công khai minh bạch. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, giảm mệnh lệnh hành chính và can thiệp Nhà nước trong hoạt động kinh tế. Thực thi quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
TS. Nguyễn Thị Hiền, Chuyên gia kinh tế
-------------------------------
Chỉ số CPI 6 tháng cuối năm có xu hướng tăng, tuy chưa ổn định. Sự thay đổi khác thường của CPI so với những chỉ tiêu kinh tế khác cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào kinh tế thế giới và kinh tế trong nước kém ổn định. Để tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được mục tiêu tăng trưởng thì cần phải theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả, tỷ giá và quản lý thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu không cần thiết. Rà soát để bảo đảm mức chênh lệch hợp lý giữa lãi suất huy động và cho vay, ưu tiên tín dụng cho những sản phẩm có thị trường, điều hành lãi suất vay ở mức hợp lý.