Giải pháp cốt lõi là đổi mới mô hình tăng trưởng
(Taichinh) - Kinh tế trong nước được dự báo tiếp tục phục hồi và có khả năng lấy lại đà tăng trưởng khả quan từ năm 2016. Song, theo nhiều chuyên gia kinh tế, giải pháp cốt lõi là phải đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh để thúc đẩy kinh tế trong nước thực sự thoát đáy.
Thống kê cho thấy tốc độ tăng GDP của nước ta thấp nhất vào năm 2012, đạt 5,25%, và tăng nhẹ ở mức 5,42% năm 2013; năm 2014 đạt 5,98%. Trong 2 năm 2013-2014, kinh tế vĩ mô đã chuyển biến ngày càng ổn định, lạm phát giảm, các cân đối vĩ mô trong nền kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu và bất ổn của hệ thống ngân hàng, tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước, tiến độ tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế. Tăng trưởng kinh tế trong nước được cho là chạm đáy, đã có dấu hiệu hồi phục từ cuối năm 2013 đến nay và hiện vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, tuy tốc độ phục hồi của nền kinh tế có bước phát triển khá rõ rệt trong những tháng gần đây, với mức tăng trưởng quý I.2015 đạt 6,03% so với cùng kỳ năm 2014; song, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nguy cơ mở rộng đáy suy giảm tăng trưởng.
Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và suy giảm tăng trưởng trong những năm gần đây là do thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, dựa vào thâm dụng tài nguyên và vốn trong thời gian dài. Thêm vào đó, chính sách điều hành còn mang nặng tư duy theo hướng quản trị tổng cầu để kích thích tăng trưởng, ngay cả khi đã có nghị quyết về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính được cho là do trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế, năng suất lao động xã hội và hiệu quả đầu tư của nền kinh tế còn thấp. Theo Pgs.TsNguyễn Chí Hải của Trường đại học Kinh tế - Luật, đây cũng chính là căn nguyên của vòng luẩn quẩn nghèo đói, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình tại nhiều nước đang phát triển, mà nền kinh tế nước ta hiện nay không phải là ngoại lệ. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam khá thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/4 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/10 của Hàn Quốc và 1/15 của Singapore. Các chuyên gia của Tổ chức Năng suất châu Á cũng cảnh báo, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam có xu hướng giảm dần theo thời gian. Trong giai đoạn 2005-2012, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giảm chỉ còn 2,9% (giai đoạn 2000-2012 là 4,5%). Những yếu tố trên đã làm cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp và chậm được cải thiện. Cụ thể, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã giảm từ vị trí 65/142 giai đoạn năm 2011-2012 xuống 75/144 vào giai đoạn 2012-2013, và đạt vị trí 70/148 giai đoạn 2013-2014.
Để nền kinh tế vượt đáy và tăng trưởng bền vững, các chuyên gia khuyến nghị, trước hết, trong điều hành chính sách vĩ mô, Chính phủ cần nhất quán quan điểm: kích cầu để tăng trưởng hay tăng cung (sản lượng tiềm năng) để tăng trưởng bền vững? Cần mở rộng sản lượng tiềm năng, nâng cao năng lực sản xuất, nhất là tăng cung tư liệu sản xuất, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, cần nâng cao hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế. Cụ thể, khu vực kinh tế nhà nước cần thực hiện tốt chức năng nền tảng của nền kinh tế bằng việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công cần thiết đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp; tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước để thực sự hoàn thành vai trò tiên phong trong nền kinh tế và mở rộng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI, cần lựa chọn đầu tư và mở rộng đầu tư đúng hướng, ưu tiên các lĩnh vực đầu tư theo chiều sâu, có lợi thế cạnh tranh; nâng cao năng lực quản trị và tư duy chiến lược của đội ngũ nhân lực.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân nhằm tăng năng lực kinh doanh, khả năng hội nhập vào môi trường toàn cầu, biết khai thác các giá trị nguồn lực trong nước. Và hơn hết, thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân tham gia bình đẳng, thuận lợi và có hiệu quả vào các hoạt động phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, đổi mới tư duy phát triển kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta hiện nay để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.