Bài toán phụ thuộc nông sản nhập

Theo thoibaonganhang.vn

Là nước xuất khẩu nông sản, nhưng ở Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) vẫn chịu áp lực phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.


Ông nông dân Lê Văn Nhường (ngụ tại ấp Bàu Chèo, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) đã có hơn 50 năm sống bằng nghề trồng lạc, tuy nhiên từ năm 2015, ông đã chuyển toàn bộ 2 mẫu (2 ha) đất sang trồng xen canh cây cao su và nông sản ngắn ngày (rau, bí, ớt…).

Theo ông Nhường, trồng lạc không thể làm giàu, trúng mùa mấy thì cũng chỉ đủ ăn. Vụ lạc 2015 ông trúng mùa, với gần 25 tạ/ha, nhưng giá bán cho thương lái tại sân chỉ 12.500 đồng/kg.

Tìm đến Công ty xuất nhập khẩu Kiều Châu (tỉnh Tây Ninh), giá thu mua của công ty chỉ còn 12.000 đồng/kg. Nếu tính giá giống, phân bón, nhân công thu hoạch, bóc vỏ… chỉ hòa vốn, vì vậy ông quyết định bỏ hẳn trồng lạc.



Ngược lại, bà Ngô Hạnh Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiều Châu thì cho rằng, rất khó cho DN để thu mua lạc giá cao hơn thương lái, bởi trên 50% lạc nhân của nông dân chưa đạt yêu cầu về chất lượng (hạt nhỏ, không đồng đều), DN lại phải chịu rất nhiều chi phí từ vận tải, phân loại, lưu kho…

Chính điều này khiến DN chọn nhập khẩu lạc, vì giá rẻ hơn, nhanh hơn, chất lượng tốt hơn. Hai năm trở lại đây, công ty nhập khẩu lạc nhân Trung Quốc để chế biến hàng xuất khẩu với giá chỉ bằng 60% - 70% hàng trong nước.

Thực tế này cho thấy, vẫn có nghịch lý lớn là nhập khẩu nông sản nguyên liệu vẫn tăng theo từng năm, đang làm khó cho hàng nông sản, vốn là thế mạnh của Việt Nam, kể cả những mặt hàng xuất khẩu đứng trong top 4 thế giới như hạt điều…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng đầu năm 2016 kim ngạch xuất khẩu hạt điều là 189 nghìn tấn, với 1,46 tỷ USD, tăng 2,5% khối lượng so với năm 2015. Và lượng nhập khẩu điều nguyên liệu 7 tháng/2016 là 582 nghìn tấn, đạt giá trị 870 triệu USD, tăng 2,9% so với năm 2015.

Đối với nhà nông, năm nay hạt điều được giá (thu mua tại tỉnh Bình Phước là 43.000 đồng/kg), nhưng lượng hàng lại rất ít do mất mùa.

Trong khi đó, cả nước có trên 1.000 cơ sở chế biến hạt điều và khoảng 370 DN xuất khẩu, công suất chế biến hạt điều của Việt Nam là khoảng 12 triệu tấn nguyên liệu/năm, chiếm đến 40% công suất của thế giới, nhưng DN chưa có vùng nguyên liệu tập trung. Vì vậy, số lượng nhập khẩu điều nguyên liệu vẫn tăng cao hàng năm so với hàng xuất khẩu.

Những mặt hàng nông sản phải chịu áp lực nhập khẩu khác là lạc nhân. Trong 6 tháng/2016, Việt Nam đã nhập khẩu đến 12.000 tấn lạc, chủ yếu là từ Trung Quốc. Bởi hiện nay, diện tích trồng lạc của nước ta gần như không tăng trong nhiều năm liền. Tổng sản lượng lạc hàng năm của Việt Nam là gần 600 nghìn tấn, chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Vì vậy, số lượng lạc nhập khẩu tăng theo từng năm (năm 2015 Việt Nam đã nhập khẩu đến 35 nghìn tấn lạc, giá trị 21,5 triệu USD, tăng đến 146% so với 2014).

Bộ Công Thương dự báo, do ngành thức ăn nhẹ (chế biến bánh Snack, kẹo, bơ…) trong nước đang phát triển mạnh mẽ, nên việc nhập khẩu lạc sẽ còn tăng hơn.

Đậu tương cũng là mặt hàng có lượng nguyên liệu nhập khẩu lớn hiện nay, với kim ngạch nhập khẩu 6 tháng/2016 tăng 49,8% về số lượng và 62,1% giá trị. Hay bắp ngô cũng vậy, trong 6 tháng 2016 cả nước đã chi đến 650 triệu USD nhập khẩu 3,3 triệu tấn bắp ngô.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, những quốc gia xuất khẩu đậu tương, bắp ngô lớn cho Việt Nam như Hoa Kỳ, Brazil, Argentina… đều có diện tích đất đai rộng lớn, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, với điều kiện kỹ thuật phát triển, đầu tư vững chắc vào nghiên cứu giống cây trồng năng suất cao, cho chất lượng và sản lượng ổn định.

Chính vì vậy, họ có thể xuất khẩu với giá rẻ (hiện nay giá bắp ngô hay đậu tương nhập khẩu chỉ bằng nửa hàng nội). Trong khi tại nước ta, diện tích trồng những loại nông sản này không nhiều, phát triển tự phát, chất lượng và sản lượng bấp bênh, không đáp ứng được nhu cầu chế biến của DN.

Đặc biệt là thói quen mua bán nông sản nguyên liệu của nhà nông, ít chịu tuân thủ giá bao tiêu của DN, dẫn đến DN ngán ngại bao tiêu sản phẩm mà chọn nhập khẩu nguyên liệu, tiện lợi cả đôi đường.

Không chỉ trong hiện tại, mà dự báo của ngành Công Thương cho thấy, đến khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào thực thi, sẽ còn rất nhiều mặt hàng nông sản khác (ngoài đậu tương, bắp ngô, hạt điều…) được nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế bằng 0%. Đó là một viễn cảnh rất đáng phải suy ngẫm nghiêm túc để nhanh chóng có những giải pháp hữu hiệu.