Bài toán vốn doanh nghiệp niêm yết
Các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) nỗ lực phát hành cổ phiếu để huy động vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh là một cách đi.
Nhiều dự án đầu tư nhà máy, nhà xưởng, hạ tầng… được vạch ra trong thời gian dài, song vẫn chưa thể hiện thực hóa vì chi phí đầu tư vượt khả năng. Mới đây, CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) thông báo đang chuẩn bị di dời 3 nhà máy nằm trong KCN Biên Hoà 1 (tiến độ di dời vào khoảng năm 2020).
Do chỉ có thể tận dụng lại một số máy móc, phần lớn tài sản cố định của nhà máy cũ sẽ không thể sử dụng được, nên việc di dời thực chất là xây dựng toàn bộ nhà máy mới, khiến chi phí dự tính lên đến 2.500-2.700 tỷ đồng. Để có tiền đầu tư, CSV tính đến chuyện phát hành cổ phiếu thu hút vốn từ NĐT.
Cũng có ý tưởng đầu tư mở rộng, CTCP Tasco (HUT) đã thông qua kế hoạch phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược. Mục tiêu của đợt phát hành cổ phiếu của HUT là tăng vốn điều lệ lên 2.680 tỷ đồng, tổng số tiền dự kiến thu được là 1.398 tỷ đồng, dùng để bổ sung vốn lưu động và thực hiện các dự án: Khu nhà ở Xuân Phương, xây dựng đường nối từ đường Lê Đức Thọ đến Đường 70 theo hợp đồng BT, cải tạo Quốc lộ 10 theo hợp đồng BOT...
Tương tự, để hợp tác đầu tư thực hiện Dự án BT đường Kỳ Đồng kéo dài và hai dự án đối ứng, CTCP Hoàng Hà (HHG) cho hay, thời gian qua đã phát hành hơn 8,5 triệu cổ phần ra công chúng, với tỷ lệ thực hiện quyền 2:1. Trong trường hợp phát hành khó khăn, công ty không thu đủ số tiền như dự kiến thì sẽ chuyển sang vay NH, hoặc huy động từ các nguồn khác để thực hiện dự án…
Nhìn chung, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều chuyển biến, các DN niêm yết (DNNY) nỗ lực phát hành cổ phiếu để huy động vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh là một cách đi. Thế nhưng, điểm đáng lưu ý lúc này là một số DN đang huy động vốn theo phong trào, thậm chí, có DN đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết chỉ vì mục đích huy động được nhiều vốn, dù kế hoạch sử dụng vốn không thực sự khả thi. Trong đó, lỗi mà các DNNY mắc phải nhiều nhất là tham lam đầu tư quá lớn, số tiền đầu tư vượt cao hơn cả tiền vốn chủ sở hữu.
Trên nguyên lý, trên sàn chứng khoán, một DN muốn thu hút vốn đầu tư phải có năng lực kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận cao và cổ tức cao, nhưng nhiều DN không đáp ứng được kỳ vọng của NĐT cầm cổ phiếu của mình. Chẳng hạn: trường hợp của CSV, xét về năng lực, trong nguồn vốn tự có của CSV, có thể lấy từ quỹ khấu hao tài sản, quỹ đầu tư phát triển… nhưng trong thực tế những quỹ này của công ty khá khiêm tốn. Về hiệu quả, biên lợi nhuận ròng (lợi nhuận ròng/doanh thu) CSV đạt được vào khoảng 11% có thể xem là hấp dẫn, nên dự án nhà máy cũng có nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn lại có thể khiến tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) hay tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), hoặc thậm chí là tỷ suất hoàn vốn (ROI) thấp xuống. Không dừng lại ở đó, trên báo cáo tài chính tại thời điểm 31/3/2016, khoản mục nợ phải trả (phần lớn là nợ ngắn hạn) đã lên đến gần 412 tỷ đồng, xấp xỉ vốn điều lệ của CSV và tương đương hơn 60% vốn chủ sở hữu.
Với HUT, HHG cũng không khá hơn khi giá trị cổ phiếu phát hành ra không thu hút được sự đồng cảm của NĐT. Một NĐT có kinh nghiệm cho biết, với những cổ phiếu đưa ra chi phí đầu tư quá lớn trở thành một thách thức thật sự, không chỉ về mặt tính toán, con số mà còn là những thách thức về mặt cảm tính. Thế nên, NĐT có kinh nghiệm họ sẽ không ủng hộ những DN này.
Theo vị này, để thu hút được nguồn vốn lớn, các DNNY sẽ cần những NĐT có tiềm lực tài chính mạnh, am hiểu ngành thực sự, và nếu tham gia với tỷ lệ sở hữu lớn sẽ phải có vị thế rõ ràng. Điều này sẽ tác động đáng kể đến cơ cấu sở hữu tại các DNNY, liên quan đến cả chính sách thoái vốn của một số cổ đông lớn.
Ngoài ra, một yếu tố cũng cần bàn trong chuyện phát hành, đó là sức hút của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Mặc dù P/E của các cổ phiếu đang thấp, nhưng cổ phiếu suốt vài tháng trời mà không có sự biến thiên, thì khó có thể tạo được sức hút trên thị trường.
Một điểm nữa cũng cần tính đến là nếu DN có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) cao hơn mức độ pha loãng của cổ phiếu khi phát hành thì có thể hóa giải được lo ngại của NĐT.
Đồng thời, DN cũng cần chú ý, nếu thực sự huy động tiền cổ đông với mục đích chính là để trả nợ thì chắc chắn các dự án phát hành cổ phiếu sẽ bị thất bại. Vì NĐT ngày nay rất thông minh, họ có thể đọc được báo cáo tài chính và phân loại được nợ một cách chính xác. Đơn cử như NKG vừa phải hủy phát hành 20 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, dù đã được thông qua ở đại hội cổ đông thường niêm năm 2015.