Cổ tức khủng
Điểm nổi bật trong mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay là có nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ rất cao. Thậm chí, có doanh nghiệp phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng chỉ để thanh toán cổ tức cho cổ đông và NĐT.
Chi trả hàng ngàn tỷ đồng
CTCP Sữa Việt Nam (VNM) vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2016 tổ chức ngày 17/5, với những thông tin khiến cổ đông như lên cơn sốt.
Theo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận 2015, VNM dự kiến chi trả tiếp cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% (trước đó VNM đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 40%). Như vậy, tỷ lệ cổ tức năm 2015 của VNM lên đến 60%. Nếu được thông qua, cổ tức đợt 2 sẽ được chi trả vào ngày 16/6.
Theo tính toán, với vốn điều lệ hiện ở mức 12.000 tỷ đồng, VNM sẽ phải chi tổng cộng 7.200 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhận được hơn 3.200 tỷ đồng. Đây là mức chi trả cổ tức kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi cổ phần hóa.
Trước đó, CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) đã công bố chi trả cổ tức đợt 2 năm 2015 với tỷ lệ lên đến 45% (thời gian chi trả ngày 10-6). Như vậy, nếu tính luôn cổ tức đợt 1, tổng mức chi trả cổ tức của BMP trong năm 2015 lên đến 60%, với tổng số tiền chi trả cổ tức gần 273 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giữ kỷ lục về tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2015 là CTCP Đầu tư phát triển cảng Đình Vũ (DVP). Mới đây, DVP công bố chi trả cổ tức đợt 2 năm 2015 với tỷ lệ 50% (dự kiến chi trả ngày 31-5). Như vậy, tổng mức chi trả cổ tức cho năm 2015 của DVP lên đến 70%. Với tỷ lệ chi trả này, DVP đã trích hầu như toàn bộ lợi nhuận trong năm chia cho cổ đông.
Tại mùa ĐHCĐ năm 2016, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ cực cao, như CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) trả cổ tức còn lại năm 2015 bằng tiền tỷ lệ 24% (cả năm 64%); CTCP Bột giặt LIX (LIX) trả cổ tức đợt 2 với tỷ lệ 35% (cả năm 50%); CTCP Khoáng sản Á Châu (AMC) 35%; CTCP Dược Hậu Giang (DHG) 35%; CTCP Chăn nuôi Phú Sơn (PSL) 35% (cả năm 50%); CTCP Dược Lâm Đồng (LDP) 30,3%; CTCP Cao Su Đà Nẵng (DRC) 30%.
Tỷ suất cổ tức không tưởng
Trong khi cổ đông của VNM nhận được hàng ngàn tỷ đồng cổ tức, cổ đông của CTCP Meinfa (MEF) chỉ nhận được 150 tỷ đồng, nhưng nếu xét về tỷ suất, cổ đông MEF hơn hẳn VNM.
Cụ thể, ngày 5-5 vừa qua, MEF đã chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức năm 2015 với tỷ lệ lên đến 40%. Thực tế, ngay khi thông tin này được công bố, MEF trở thành tâm điểm của giới đầu tư trên sàn UPCoM.
Vậy nhưng NĐT muốn sở hữu MEF sẽ rất thất vọng bởi không có bất cứ CP MEF nào được bán ra. Theo tính toán, với mức giá hiện tại của MEF là 900 đồng/CP, hiệu suất cổ tức của MEF lên đến 44%. Chính vì tỷ suất cổ tức không tưởng này nên NĐT nắm giữ CP MEF ôm khư khư CP giá thấp để chấp nhận chia cổ tức cao, thay vì bán ra để đẩy giá CP. Với vốn điều lệ 37,5 tỷ đồng, tính ra MEF phải chi hơn 150 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông. Được biết, năm 2015, MEF cũng chi trả cổ tức năm 2014 cho cổ đông với tỷ lệ lên đến 30%.
Cho đến nay VNM là doanh nghiệp lập kỷ lục nhiều năm liền chi trả cổ tức khủng. |
Tuy vậy, mức chi trả cổ tức cao của MEF cũng gây nên lo ngại từ giới đầu tư, bởi tình hình hoạt động của MEF chỉ thật sự khởi sắc trong 2 năm trở lại đây. MEF chào sàn UPCoM năm 2011 với giá tham chiếu 34.000 đồng/CP. Sau gần 5 năm góp mặt trên sàn, giá CP MEF hiện giảm chỉ còn 900 đồng/CP do hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Theo quy định tại Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi thực hiện theo các điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi; cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty.
Với quy định này, CTCP chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây: Hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty; ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ thường niên.