Bấm nút cuộc chạy đua 4G
Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thực hiện đấu thầu mạng 4G có thể được tiến hành vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Tuy nhiên, trong một động thái mới nhất, cả Viettel và MobiFone đều khẳng định “đã sẵn sàng cung cấp mạng 4G”.
Viettel chuẩn bị thử nghiệm 4G
Hồi tháng 6/2015, Viettel đã đề xuất Bộ nên chính thức cấp phép 4G ngay trong năm 2015. Viettel cũng cho biết, đang triển khai 4G tại thị trường Lào và Campuchia.
Được biết, Viettel sẽ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cho tiến hành thử nghiệm 4G có thu phí vào tháng 10/2015, giá cước không cao hơn 3G và người dùng phải đổi sim nếu muốn dùng 4G. Viettel dự kiến cung cấp 4G vào đầu năm 2016 nếu được sự đồng ý. Mạng 4G trước mắt sẽ phủ đến cấp thị xã, huyện và các tỉnh, thành phố.
Theo công bố của Viettel, chậm nhất đến quý I/2016, Viettel sẽ có 12.000 trạm 4G trên cả nước. Viettel cũng đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét quy hoạch tần số 700 MHz cho mạng 4G. Viettel sẵn sàng ứng vốn trước để giải phóng tần số 700 MHz để sử dụng băng tần này triển khai 4G trong năm 2015 tại Việt Nam. Tần số 700 MHz là băng tần sẽ được giải phóng sau khi số hóa truyền hình mặt đất. Băng tần này sẽ được dùng để triển khai 4G sau khi quá trình số hóa truyền hình mặt đất hoàn thành. Căn cứ theo lộ trình số hóa truyền hình, băng tần 700 MHz có khả năng sử dụng được ở các đô thị lớn và hai đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ từ năm 2018, trên toàn quốc sau 2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Minh Phương, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel sẽ đầu tư 4G theo chiến lược đầu tư “vùng phủ rộng” như từng đầu tư 2G, 3G. Tuy nhiên, do đặc thù của băng tần 700 MHz nên rất có thể cùng một vùng phủ nhưng trạm 4G sẽ nhiều và dày hơn trạm 2G, 3G do tốc độ và chất lượng tải dữ liệu cao hơn gấp 10 lần 3G.
Theo bà Trần Thanh Huyền, Phó giám đốc Trung tâm Di động Viettel Telecom, Viettel dự kiến đầu tư 4G trong năm 2015. Với công nghệ 4G, khách hàng sẽ được sử dụng dịch vụ chất lượng cao hơn, tốc độ nhanh hơn và chi phí hợp lý nhất. Theo bà Huyền, giá cước 4G “tối đa chỉ bằng 3G”.
Tuy nhiên, nhà mạng này cũng cho biết, trở ngại trong vấn đề phát triển 4G là giá thành các thiết bị 4G đầu cuối dành cho người tiêu dùng còn cao. Để phổ cập được thì giá thành thiết bị tối thiểu phải đạt dưới 100 USD. Trong khi đó, mức giá thiết bị di động hỗ trợ 4G rẻ nhất ở thời điểm hiện tại đang dao động từ 120-150 USD/thiết bị. Dự kiến, trong giai đoạn đầu khi đưa vào sử dụng mạng 4G, chỉ có khoảng 20% đến 30% người dùng sử dụng trên mạng 4G.
MobiFone sẽ coi 4G là điểm đột phá
Đối với MobiFone, nhà mạng này đã xác định trong chiến lược phát triển của mình giai đoạn 2015-2020 là phát triển 4G đồng bộ với hệ thống truyền dẫn băng rộng là ưu tiên số 1.
Trước đó, MobiFone cũng đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ 4G LTE để "MobiFone có thể triển khai dịch vụ 4G LTE trên băng tần 1800 MHz từ đầu năm 2016". Bên cạnh việc thí điểm triển khai cung cấp dịch vụ LTE trong thời gian qua, MobiFone cũng đã xây dựng kế hoạch cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền hạ tầng 4G, tập trung quy hoạch mạng lưới, đặc biệt là mạng 4G, tính toán tối ưu hóa chi phí. Song song với đầu tư 4G, MobiFone cho biết sẽ tiến hành chuẩn bị các nền tảng cần thiết cho kinh doanh 4G.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, việc cấp phép chính thức 4G cần phải tính toán đến thời điểm phù hợp. Cũng theo tính toán của Cục Tần số vô tuyến điện, cấp phép 4G vào năm 2016 sẽ hợp lý hơn. Do đó, Cục Tần số vô tuyến điện đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn giữ quan điểm sẽ cấp phép 4G vào năm 2016. Hiện tại, Cục Tần số vô tuyến điện đang xây dựng quy định về đấu giá băng tần 2600Mhz cho 4G.
Đến thời điểm này chưa một nhà mạng nào được cấp phép 4G. Chính vì vậy, việc “khởi động” 4G khá sớm dưới chiêu thức “thử nghiệm có thu phí” như Viettel làm rất có thể là một động thái thăm dò thị trường. Điều này chắc chắn sẽ làm cho các đối thủ cạnh tranh của Viettel trên thị trường phải chạy theo. Lý do là cũng giống như 3G, nếu nhà mạng nào sớm chớp cơ hội, có trong tay lớp khách hàng 4G đầu tiên thì sẽ có lợi thế rất lớn trong triển khai kinh doanh 4G sau này. Do vậy, rất có thể từ đây, cuộc cạnh tranh mới trong cung cấp dịch vụ 4G sẽ chính thức mở màn.