Bám sát kịch bản thu, áp dụng linh hoạt giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT
Để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố cần theo dõi, bám sát tình hình địa phương để kịp thời tham mưu với các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); đồng thời, bám sát kịch bản thu, áp dụng linh hoạt giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Tín hiệu tích cực về phát triển người tham gia BHXH, BHYT
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong xây dựng, sửa đổi các dự án Luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT như: Luật BHXH (sửa đổi); Luật BHYT (sửa đổi); dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật phòng, chống HIV/AIDS; góp ý dự thảo Quy chế chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa Bộ Y tế, Bộ Công an và BHXH Việt Nam thực hiện Đề án 06.
Ngành BHXH Việt Nam đã tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số liệu thống kê cho thấy, đến hết tháng 10/2023, số người tham gia BHXH là 17,515 triệu người, tăng 1,99% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 37,58% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 16,012 triệu người, tăng 1,28%; 1,503 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 10,21%. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 14,304 triệu người, tăng 1,43% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Toàn quốc có 91,796 triệu người tham gia BHYT, tăng 3,49% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ bao phủ 92,77% dân số.
Đánh giá về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, công tác này đã có những chuyển biến tích cực trong toàn Ngành. Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp đột phá thì không ít tỉnh khó hoàn thành được chỉ tiêu được giao.
“Hiện nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng và ban hành được kịch bản về phát triển người tham gia bao trùm được tất cả các giải pháp cơ bản nhất trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua thống kê, ở các địa phương việc thực hiện các kịch bản này còn ít, chưa hiệu quả”, ông Dương Văn Hào nêu thực tế.
Để hoàn thành công tác thu, phát triển người tham gia trong các tháng còn lại năm 2023, Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ thẻ cho rằng, BHXH các địa phương cần tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có thêm sự hỗ trợ cho các nhóm yếu thế; tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn đến cấp xã...
Bên cạnh đó, công tác thu các loại hình bảo hiểm của ngành BHXH Việt Nam cũng đạt kết quả tích cực. Theo đó, số thu BHXH, BHTN, BHYT của toàn Ngành thực hiện trong tháng 10/2023 là 39.216 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2023 là 377.931 tỷ đồng, tăng 32.542 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 78,6% kế hoạch giao.
Để đảm bảo giải quyết kịp thời chế độ cho các đối tượng thụ hưởng, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt các chế độ chính sách, giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đồng thời, cơ quan BHXH các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả Quỹ BHYT đảm bảo chi đúng, chi đủ để phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đến từng thôn, bản
Để hoàn thành nhiệm vụ trong các tháng còn lại của năm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, BHXH Việt Nam đã ban hành các kế hoạch, kịch bản về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, qua theo dõi, việc triển khai các nội dung này ở nhiều địa phương chưa quyết liệt, hiệu quả.
Từ thực tế này, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các địa phương bám sát các kế hoạch, giải pháp đã được BHXH Việt Nam ban hành; đồng thời, yêu cầu BHXH các địa phương khẩn trương tham mưu để thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến tận cấp xã; từ đó thực hiện giao chỉ tiêu đến từng thôn, bản.
“Không có sự vào cuộc của các cấp cơ sở này thì không thể hoàn thành được. Về giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH các tỉnh phải bám sát các quy trình của Ngành, phối hợp chặt chẽ giữa thu và thanh tra, kiểm tra”, ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Lưu ý triển khai nhiệm vụ trong 2 tháng còn lại của năm, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm không nhiều, toàn Ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường thông tin về thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến các Đại biểu Quốc hội phục vụ quá trình sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT.
Bên cạnh nội dung trên, Người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phải bám sát tình hình địa phương, khẩn trương, tăng cường tham mưu, huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; bám sát kịch bản thu của BHXH Việt Nam, áp dụng linh hoạt, phù hợp các giải pháp phù hợp với tình hình địa phương trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Nêu giải pháp cụ thể về phát triển đối tượng tham gia BHYT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, cơ quan BHXH các cấp tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các nhóm tiềm năng, nhất là các xã nông thôn mới đang sụt giảm tỷ lệ tham gia BHYT. Phát triển người tham gia BHYT không chỉ là chỉ tiêu cần hoàn thành mà còn là trách nhiệm với người dân, giúp người dân không rơi vào nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật.
“Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức các đoàn công tác làm việc với các Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương. Thời gian này, Giám đốc BHXH các địa phương cần tăng cường đi thực tế, bám cơ sở, quyết tâm hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.