Bản đồ các trung tâm tài chính toàn cầu đang thay đổi
(Tài chính) Ngoài lợi thế là cầu nối giữa châu Âu và châu Phi; đồng thời là trung tâm tài chính của Bắc, Tây và Trung Phi, Casablanca đang nỗ lực để phát triển hạ tầng công nghệ, luật pháp và môi trường kinh doanh tốt nhất để thu hút các tập đoàn, DN toàn cầu và khu vực đổ về đây.
Xuất hiện những “kẻ mới đến”
Khi nhắc đến Casablanca - thành phố cảng chính của Ma Rốc - người ta thường nhớ tới bộ phim tình cảm kinh điển “Casablanca”. Ít ai nghĩ rằng, đây sẽ là một trong những trung tâm tài chính lớn của toàn cầu của tương lai.
Trong bảng xếp hạng báo cáo Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) năm nay, vị trí của Casablanca vẫn chỉ xếp thứ 62 trong số 83 trung tâm được xếp hạng. Tuy nhiên, theo khảo sát của GFCI thì Casablanca chính là nơi mà các chuyên gia dịch vụ tài chính quốc tế tin tưởng sẽ là trung tâm tài chính toàn cầu ngày càng quan trọng và thứ hạng của Casablanca sẽ cải thiện nhanh chóng. Họ có cơ sở để tin vào điều này vì ngoài lợi thế là cầu nối giữa châu Âu và châu Phi; đồng thời là trung tâm tài chính của Bắc, Tây và Trung Phi, Casablanca cũng đang nỗ lực để phát triển hạ tầng công nghệ, luật pháp và môi trường kinh doanh tốt nhất để thu hút các tập đoàn, DN toàn cầu và khu vực đổ về đây.
Ông Hicham Zegrary, Giám đốc điều hành các vấn đề thể chế của Cơ quan Tài chính Casablanca (CFCA) cho biết, kể từ khi thành lập cách đây 4 năm, CFCA đã thu hút được hơn 100 công ty, tập đoàn đến đây với những tên tuổi lớn như: BNP Paribas, AIG, Clifford Chance, Tập đoàn Tư vấn Boston…
Một trung tâm tài chính khác cũng đang nổi lên là thành phố Busan (Hàn Quốc). Lâu nay, thành phố này vẫn bị khuất bóng bởi Thủ đô Seoul. Trong bảng xếp hạng GFCI, Busan hiện xếp thứ 27, tức ngay sau trung tâm tài chính Qatar. Busan cũng đứng ngay sau Casablanca về khả năng cải thiện mạnh vị thế trong tương lai.
Busan có hải cảng sầm uất đứng thứ 5 thế giới. Đây cũng là nơi có một “bách hóa tổng hợp” lớn nhất thế giới, dù có thể thực tế là nhiều người chưa từng nghe tới điều này. Ông Mark Yeandle, Phó giám đốc Công ty Z/Yen Group - cơ quan công bố báo cáo GFCI cho biết: “Busan đang đổ rất nhiều tiền bạc và các hoạt động xúc tiến cho sự trỗi dậy trở thành một trung tâm tài chính lớn. Họ đang xây dựng một đặc khu lớn và tập trung vào tài chính hàng hải và các sản phẩm phái sinh”.
Một “kẻ mới đến” khác đang nổi lên là Kuala Lumpur, Malaysia. Dù so với “người hàng xóm” Singapore sôi động thì hoạt động của Kuala Lumpur là khá trầm lắng, tuy nhiên trung tâm này đang tận dụng một lợi thế “riêng có” của mình để tiến lên.
Như nhìn nhận của ông Saif Malik, Giám đốc điều hành và giám đốc khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Standard Chartered Malaysia: “Kuala Lumpur đang nhanh chóng trở thành một trung tâm tài chính hàng đầu cho hệ thống ngân hàng Hồi giáo, hoạt động với các quy định khác biệt so với các mô hình ngân hàng truyền thống”. Vị này cho rằng, với cách đi khác biệt này, Kuala Lumpur đang tiến hành cuộc cạnh tranh lâu dài với Singapore trong việc thiết lập nên một trung tâm tài chính mới tại khu vực.
Nhóm dẫn đầu không đổi
Danh sách những “kẻ mới đến” khác tiếp tục kéo dài với những thành phố của Trung Quốc là Thâm Quyến, Đại Liên… hay từ châu Mỹ Latin như Buenos Aires của Argentina. Điểm đáng chú ý là Buenos Aires đã được thăng hạng 21 bậc để lên xếp thứ 25 trong danh sách của GFCI hiện nay dù kinh tế Argentina trải qua rất nhiều biến động kinh tế và chính trị vừa qua.
Giới phân tích cho rằng, bên cạnh nỗ lực tự thân vươn lên của các trung tâm tài chính này thì một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng khác là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã tạo ra những cơn bão làm suy yếu nhiều trung tâm tài chính vốn rất nổi tiếng trước đây.
Trong bảng xếp hạng GFCI mới nhất, nhiều thành phố nổi tiếng châu Âu và một thời từng được nhắc đến là những trung tâm tài chính sôi động của khu vực và thế giới nay đã bị tụt hạng. Điển hình là Rome, thủ đô của Italy. Thành phố này đã bị đánh tụt lớn nhất, tới 19 bậc, xuống xếp hạng thứ 54 trong danh sách của GFCI. Nhiều thành phố tráng lệ khác như Paris (Pháp), Milan (Italy) hay Athens (Hy Lạp) cũng chịu chung cảnh ngộ khi đều dần tụt hạng cùng với cuộc khủng hoảng, suy thoái và hồi phục yếu ớt của khu vực Eurozone.
Tại châu Âu hiện nay, còn không nhiều các trung tâm tài chính vẫn duy trì được vị thế như Luxembourg - nhờ chính sách thuế rất khoan dung đã thu hút các doanh nghiệp - và Zurich (Thụy Sỹ) nhờ sự độc lập tương đối với khu vực Eurozone. Trong khi đó ở Trung Đông, các trung tâm như Qatar hay Dubai vẫn tiếp tục khẳng định được vị thế và đang tiếp tục tiến lên.
Và dù xuất hiện rất nhiều “kẻ mới đến” thì vị thế của những trung tâm tài chính toàn cầu lớn nhất không thay đổi. Bốn “ông lớn” vẫn là New York (Mỹ), London (Anh), Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Đây vẫn là những trung tâm tài chính có quyền lực mạnh nhất. “Họ chào đón người nước ngoài, họ thu hút những người nước ngoài tài năng và đây là các thành phố thành công, thành phố hấp dẫn nhất” - ông Yeandle khẳng định. Và lời khuyên mà vị này đưa ra là: “Để trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu thành công trong tương lai thì trước hết phải nỗ lực trở thành một thành phố thành công”.