Ban kinh tế Trung ương làm việc tại tỉnh Cao Bằng
(Tài chính) Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, sắp xếp bố trí dân cơ hợp lý... là một trong những nội dung được đưa ra tại buổi làm việc của Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ với tỉnh Cao Bằng về tình hình phát triển kinh tế tại địa phương diễn ra hôm nay tại Cao Bằng.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Anh đã báo cáo với đoàn tình hình phát triển KT - XH trên tuyến biên giới Việt - Trung giai đoạn 2006 - 2014; tình hình phát triển KT - XH của tỉnh giai đoạn 2011 - 2014; hiện trạng, phương hướng phát triển kinh tế cửa khẩu. Theo đó, Tỉnh Cao Bằng có 9 huyện, 46 xã, thị trấn, 171 xóm, bản biên giới. Tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đường giao thông, điện, công trình nước sạch, hỗ trợ sản xuất, đời sống cho nhân dân khu vực biên giới. Từ năm 2010 - 2014, có 617 hộ, 2.599 người ra biên giới sinh sống. Tỉnh đầu tư khai hoang, phục hóa 838 ha đất sản xuất. Riêng 2 năm 2013 - 2014, đầu tư 254 tỷ đồng cho khu vực biên giới. Đến nay, 46/46 xã, thị trấn biên giới có đường ô tô đến trung tâm; 45/46 xã, thị trấn có điện lưới đến trung tâm; trên 75% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia…, đời sống nhân dân khu vực biên giới từng bước được nâng cao.
Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cao Bằng đạt bình quân 9,2%/năm. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người 878 USD/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 26,8%, công nghiệp - xây dựng 20,78%, dịch vụ, 52,33%. Sản xuất nông lâm nghiệp tăng trưởng ổn định, bình quân tăng 3,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 12,9 triệu đồng/năm, tăng 6 triệu đồng so với năm 2010. Phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2006 - 2014, tỉnh đầu tư trên 1 nghìn tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở các cửa khẩu. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu từ năm 2006 đến nay đạt trên 2 tỷ USD; thu ngân sách trên 1.500 tỷ đồng. Đến nay, có 46 dự án đầu tư vào các Khu kinh tế cửa khẩu, với tổng vốn đăng ký trên 3.500 tỷ đồng, trong đó, có 16 dự án đã hoàn thành. Hoạt động thương mại biên giới, phát triển kinh tế cửa khẩu đã thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, đầu tư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân biên giới, thúc đẩy kinh tế tỉnh Cao Bằng phát triển.
Tại buổi làm việc tỉnh Cao Bằng kiến nghị: Trung ương bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh; Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tham mưu, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005 và các luật có liên quan theo hướng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thương mại biên giới; đề nghị xây dựng cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội, có tính đến kết nối với Cao Bằng; nâng cấp Cửa khẩu Trà Lĩnh thành Cửa khẩu Quốc tế; đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải 2 nước Việt - Trung đề nghị Chính phủ 2 nước bổ sung tuyến vận tải quốc tế kết nối giao thông từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc đến Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc) qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) đến Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng vào Hiệp định vận tải đường bộ quốc tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ biểu dương những nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng đã đạt được trong thời gian qua, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của tỉnh Cao Bằng để xây dựng Chiến lược phát triển KT - XH tuyến biên giới trên đất liền, với 435 xã, ở 103 huyện, thuộc 25 tỉnh trong cả nước. Đồng thời, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Cao Bằng hoàn thiện thêm báo cáo nêu rõ một số vấn đề như: quy hoạch, chính sách thương mại biên giới, kết cấu hạ tầng, sắp xếp bố trí dân cư, thị trường lao động - hàng hóa... để Ban Kinh tế Trung ương có kế hoạch tổng thể hỗ trợ tỉnh trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Anh tiếp thu các ý kiến đóng góp, gợi mở của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương về phương hướng phát triển hiện tại và tương lai của tỉnh Cao Bằng. Tỉnh Cao Bằng sẽ bổ sung các ý kiến của đoàn công tác vào chiến lược phát triển KT - XH thời gian tới. Đồng thời, đề nghị Ban Kinh tế Trung ương giúp đỡ Cao Bằng xây dựng chiến lược phát triển KT - XH; tiếp tục tham mưu với Trung ương quan tâm, hỗ trợ Cao Bằng