Bàn về áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp sản xuất hiện nay

TS. Nguyễn Văn Hậu - Học viện Bưu chính Viễn thông

Trong hoạt động doanh nghiệp, công tác kế toán quản trị vô cùng quan trọng. Ở nước ta, việc áp dụng kế toán quản trị tuy đã được đề cập trong một số quy định pháp luật nhưng lại chưa bắt buộc doanh nghiệp thực hiện, cho dù thực tế chứng minh kế toán quản trị ngày càng thể hiện vai trò quan trọng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất lại càng có ý nghĩa đặc biệt hơn, bởi tính phức tạp, đa dạng của các loại chi phí, giá thành sản phẩm…

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Trong nền kinh tế thị trường, hệ thống kế toán doanh nghiệp (DN) phải bao gồm kế toán tài chính và kế toán quản trị. Sự tồn tại 2 bộ phận chuyên môn kế toán này không mâu thuẫn mà tạo nên sự hỗ trợ cần thiết, để đảm bảo cho chức năng phản ảnh và cung cấp thông tin kế toán.

Kế toán quản trị phải được xây dựng phù hợp với quy trình hoạt động, nguyên lý vận hành quy trình hoạt động, mô hình tổ chức quản lý hoạt động, phương thức quản lý hoạt động; trong đó, mô hình tổ chức quản lý hoạt động, phương thức quản lý hoạt động tác động trực tiếp đến kế toán quản trị và quyết định những đặc trưng kế toán quản trị ở mỗi DN.

Tại các DN sản xuất, công tác kế toán quản trị đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi tính phức tạp, đa dạng của các loại chi phí, giá thành sản phẩm… Về cơ bản, trong quá trình áp dụng kế toán quản trị, cần chú ý một số vấn đề sau:

Lựa chọn tiêu chuẩn phân bổ đối với chi phí sản xuất chung

DN nên phân chia chi phí sản xuất chung thành chi phí sản xuất chung cố định và chi phí chung biến đổi. Chi phí chung cố định bao gồm các loại chi phí tiền thuê mặt bằng, tiền khấu hao máy móc thiết bị và nhà xưởng theo phương pháp khấu hao đường thẳng, tiền lãi và tiền lương của các cán bộ quản lý… Chi phí sản xuất chung biến đổi bao gồm: Chí vật liệu phụ, chi phí động lực, chi phí lao động gián tiếp… Đối với DN sản xuất hiện nay, việc xác định tiêu chuẩn phân bổ chi phí sản xuất chung nên theo hướng:

- Đối với chi phí khấu hao tài sản cố định: Tiêu chuẩn phân bổ là định mức chi phí, khấu hao tài sản cố định, số giờ máy chạy thực tế…

- Đối với chi phí năng lượng dùng cho sản xuất sản phẩm: Tiêu chuẩn phân bổ là định mức chi phí năng lượng hoặc số giờ máy làm việc thực tế kết hợp với công suất của máy.

- Đối với các loại chi phí sản xuất chung còn lại: Tiêu chuẩn phân bổ thường là tiền lương công nhân sản xuất, định mức chi phí hoặc giờ công công nhân sản xuất.

Một số loại chi phí sản xuất chung nhưng thực ra là chi phí hỗn hợp (chi phí điện thoại, điện năng, chi phí thuê phương tiện vận tải hàng hóa, chi phí bảo trì máy móc thiết bị…). Những chi phí hỗn hợp này mang tính chất cả yếu tố chi phí cố định và chi phí biến đổi.

Bàn về áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp sản xuất hiện nay - Ảnh 1

Nhìn vào hình 1 cũng như phân tích thực tế chúng ta thấy rằng, chi phí hỗn hợp tồn tại theo hai vùng, đó là vùng định phí và vùng biến phí. Mỗi loại chi phí đòi hỏi được quản lý theo cách thức khác nhau, việc quản lý thích hợp đối với biến phí là phải xây dựng và kiểm soát tốt định mức. Việc quản lý thích hợp đối với định phí bắt buộc phải bắt đầu từ giai đoạn khảo sát, tận dụng tối đa công suất và linh hoạt trong các quyết định về định phí không bắt buộc.

Do vậy, các DN nên phân chia chi phí sản xuất chung thành chi phí sản xuất chung cố định và chi phí sản xuất chung biến đổi, để phản ánh chính xác hơn giá trị sản phẩm hoàn thành. Việc phân chia chi phí thành chi phí sản xuất chung cố định và chi phí sản xuất chung biến đổi cũng sẽ giúp cho DN dễ dàng trong việc lập kế hoạch, kiểm soát và chủ động điều tiết chi phí.

Lựa chọn tính giá thành sản xuất theo biến phí

Các DN nên tính giá thành sản xuất theo biến phí, vì cách này vừa đơn giản nhanh chóng, cho phép xác định được điểm hòa vốn để ra các quyết định sản xuất có hiệu quả. Giá thành sản xuất theo biến phí chỉ bao gồm các biến phí sản xuất, kể cả biến phí trực tiếp và biến phí gián tiếp. Như vậy, trong phương pháp xác định giá thành sản xuất theo biến phí, các chi phí sản xuất cố định được tính ngay vào báo cáo kết quả kinh doanh như các chi phí thời kỳ trong niên độ mà không tính vào giá thành sản xuất.

Do giá thành sản xuất chỉ bao gồm, biến phí sản xuất nên gọi là giá thành sản xuất bộ phận. Trên cơ sở giá thành sản xuất bộ phận, DN sẽ xác định được lãi gộp trên biến phí và cho phép mô hình hóa một cách đơn giản mối quan hệ giá thành - khối lượng - lợi nhuận. Tổng quát chúng ta có mô hình sau:

ZTT = v.Q + F

Từ mô hình trên cho phép xác định điểm hoà vốn (theo sản lượng):

Qhv =

F

_____

P - v

Trong đó:

ZTT: Là giá thành thực tế toàn bộ.

v: Biến phí đơn vị sản phẩm.

Q: Sản lượng sản phẩm sản xuất.

F: Tổng định phí.

Qhv: Sản lượng hoà vốn.

P: Giá bán đơn vị.

Lập báo cáo lãi lỗ cho từng sản phẩm

Báo cáo phân tích lãi lỗ chi tiết cho từng sản phẩm sẽ là thông tin về sản phẩm mang lại lợi nhuận cao mà DN cần đẩy mạnh; hoặc những mặt hàng có lợi nhuận thấp DN cần nhanh chóng thay đổi giá bán, giảm bớt chi phí. Vì vậy, cần có báo cáo phân tích lãi lỗ cho từng sản phẩm dựa trên doanh thu và các chi phí sản xuất, bán hàng thực tế. Từ đó, DN mới có các chính sách thích hợp để đẩy mạnh việc bán sản phẩm mang lại lợi nhuận cao, có thể áp dụng mẫu báo cáo lãi lỗ cho từng sản phẩm như sau:



Tổng số

Tính cho 1 sản phẩm

1.

Doanh thu

-

-

2.

Biến phí

-

-

- Chi phí nguyên liệu trực tiếp

-

-

- Chi phí nhân công trực tiếp

-

-

- Chi phí sản xuất chung biến đổi

-

-

3.

Lãi trên biến phí (1)-(2)

-

-

4.

Định phí

-

-

5.

Lợi nhuận (3)-(4)

-

-

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

Việc lập báo cáo lãi lỗ cho từng sản phẩm, giúp DN khai thác các yếu tố về khối lượng, chi phí, giá cả để khai thác tối đa hóa lợi nhuận.

Xây dựng bộ máy kế toán phù hợp

DN cần chú trọng việc xây dựng bộ máy kế toán phù hợp với quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị của mình. Bộ máy kế toán có thể là kết hợp kế toán tài chính và kế toán quản trị hoặc tách rời kế toán tài chính và kế toán quản trị; hoặc có bộ phận kết hợp, có bộ phận tách rời giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị.

Mỗi mô hình đều có những ưu, nhược điểm nhất định, tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì các DN nên áp dụng mô hình hỗn hợp, bởi nhiều lý do sau: Tiết kiệm được chi phí; tận dụng được ưu điểm, hạn chế nhược điểm; từng bước làm quen với kế toán quản trị; vận dụng được các quy định của kế toán tài chính đó là hệ thống chứng từ kế toán, phương pháp kế toán, hệ thống tài khoản kế toán…

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính, Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 hướng dẫn về kế toán quản trị;

2. TS. Bùi Công khánh, Ứng dụng mô hình kế toán quản trị tại các DN Việt Nam;

3. PGS.,TS. Phạm Văn Dược, TS. Huỳnh Lợi, Mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị, NXB Tài chính, 2009;

4. Các website liên quan: tapchitaichinh.vn, vaa.net.vn, vacpa.org.vn.