Kinh doanh dịch vụ kế toán ở Việt Nam và một số điểm mới đáng chú ý
Sự kiện Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực dịch vụ kế toán. Đáp ứng xu thế hội nhập trong tình hình mới, Luật Kế toán sửa đổi năm 2015 cũng đã dành riêng chương IV quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán. Đây được coi là cơ sở quan trọng nhằm giúp các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.
Cơ hội phát triển của dịch vụ kế toán
Với xu hướng nền kinh tế của nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, nhu cầu về các dịch vụ kế toán của doanh nghiệp (DN) hoạt động tại Việt Nam sẽ tăng theo.
Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của DN làm nảy sinh các nhu cầu liên quan đến kế toán như: Cung cấp và tư vấn sử dụng phần mềm kế toán; Soát xét và hoàn thiện chứng từ, sổ sách và lập báo cáo kế toán; Tập hợp chứng từ, xử lý chứng từ kế toán và ghi chép sổ sách kế toán… Điều này đang tạo cơ hội cho dịch vụ kế toán phát triển.
Ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đa số nên việc thuê dịch vụ kế toán thuế từ các DN kinh doanh dịch vụ kế toán có uy tín sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả công việc.
Hơn nữa, chất lượng dịch vụ kế toán, thuế từ các DN cung cấp dịch vụ sẽ tốt hơn so với một nhân viên kế toán nội bộ của công ty; trong khi, DN không phải lo lắng việc bị rò rỉ thông tin, lộ bí mật kinh doanh, bởi sẽ được cam kết đảm bảo bảo mật thông tin bằng hợp đồng và các chế tài theo quy định của pháp luật.
Dù rất phát triển trên thế giới, song dịch vụ làm thuê kế toán, hành nghề kế toán, cho thuê kế toán tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Tại Việt Nam, sự ra đời và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2004 của Luật Kế toán đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho sự xuất hiện của thị trường dịch vụ kế toán.
Đặc biệt, Luật Kế toán sửa đổi 2015 dành riêng một chương quy định rõ về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán. Hiện nay, xu hướng mở cửa hội nhập cùng với nhu cầu của DN trong nước khiến thị trường kinh doanh dịch vụ kế toán ở Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng.
Điều này thể hiện qua việc, các ông lớn trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã có mặt tại Việt Nam, tạo sự cạnh tranh giữa các DN cung cấp dịch vụ kế toán, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán tại Việt Nam.
Một số vấn đề đáng chú ý
Thị trường dịch vụ kế toán mới phát triển ở nước ta, do vậy, hoạt động này hiện vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Số lượng, đội ngũ DN cung cấp dịch vụ và chất lượng của các kế toán, kiểm toán viên chưa đáp ứng được nhu cầu.
Chất lượng dịch vụ kế toán hiện nay vẫn chưa cao, chưa theo kịp trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ của thế giới… Do vậy, để tận dụng được cơ hội, các DN cung cấp dịch vụ kế toán cần xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các quy chế ràng buộc và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động kế toán của DN mình.
Cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn để phát triển bền vững tổ chức hoạt động và kinh doanh, phát triển thị trường, phải xây dựng cho công ty mình triết lý kinh doanh phù hợp, xây dựng một thương hiệu mạnh, uy tín cao và rộng rãi trên thị trường; Hiện đại hóa công tác quản lý, áp dụng công nghệ thông tin, đưa ra giá cả hợp lý…
Bên cạnh đó, để thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ kế toán, các DN cần lưu ý một số điểm mới vừa được sửa đổi, bổ sung tại Luật Kế toán sửa đổi 2015, cụ thể:
Một là, về đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
Luật Kế toán sửa đổi 2015 quy định người có chứng chỉ kế toán viên hay chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua DN kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Có năng lực hành vi dân sự; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học; Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định. Đáp ứng đủ các điều kiện này thực hiện đăng ký hành nghề và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán do Bộ Tài chính cấp.
Luật cũng quy định những đối tượng không được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán gồm:
Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, công an nhân dân; Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Người đã bị kết án một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích;
Người đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích; Người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán mà chưa hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt trong trường hợp bị phạt cảnh cáo hoặc chưa hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác; Người bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán...
Hai là, đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán của DN trong nước.
Luật Kế toán sửa đổi 2015 quy định DN kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập theo các loại hình như: Công ty TNHH hai thành viên trở lên; Công ty hợp danh; DN tư nhân. DN chỉ được kinh doanh dịch vụ kế toán khi bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
DN kinh doanh dịch vụ kế toán không được góp vốn để thành lập DN kinh doanh dịch vụ kế toán khác, trừ trường hợp góp vốn với DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài để thành lập DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.
Theo quy định, đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nếu: Có Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; Có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề;
Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kế toán viên hành nghề; Bảo đảm tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề trong DN, tỷ lệ vốn góp của các thành viên là tổ chức theo quy định của Chính phủ.
Đối với Công ty hợp danh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện: Có Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; Có ít nhất hai thành viên hợp danh là kế toán viên hành nghề; Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty hợp danh phải là kế toán viên hành nghề.
Đối với DN tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện: Có Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề; Chủ DN tư nhân là kế toán viên hành nghề và đồng thời là giám đốc.
Ba là, đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán của DN nước ngoài.
Đối với các DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam thì được quy định theo các hình thức, như: Góp vốn với DN kinh doanh dịch vụ kế toán đã được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để thành lập DN kinh doanh dịch vụ kế toán; Thành lập chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài; Cung cấp dịch vụ qua biên giới theo quy định của Chính phủ.
Các chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi hội đủ các điều kiện sau:
DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật của nước nơi DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài đặt trụ sở chính; Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề, trong đó có giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh; Giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài không được đồng thời giữ chức vụ quản lý, điều hành DN khác tại Việt Nam; DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.
Bốn là, thời hạn cấp và cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Về thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cho DN; trường hợp từ chối cấp thì Bộ Tài chính sẽ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp cần làm rõ vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Bộ Tài chính yêu cầu DN đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán giải trình.
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán tính từ ngày nhận tài liệu giải trình bổ sung. Đối với việc cấp lại Giấy chứng nhận, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cho DN; trường hợp từ chối cấp thì Bộ Tài chính sẽ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Năm là, trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán.
Theo quy định mới của Luật Kế toán sửa đổi 2015, DN kinh doanh dịch vụ kế toán không được cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị kế toán khác khi người có trách nhiệm quản lý, điều hành DN kinh doanh dịch vụ kế toán, người đại diện hộ kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc người trực tiếp thực hiện dịch vụ kế toán của DN, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc các trường hợp sau đây:
- Là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý, điều hành, kế toán trưởng của đơn vị kế toán, trừ trường hợp đơn vị kế toán là DN tư nhân, công ty TNHH do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định. Hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó;
- Không đủ năng lực chuyên môn hoặc không đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ kế toán;
- Đang cung cấp dịch vụ làm kế toán trưởng cho khách hàng là tổ chức có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó;
- Đơn vị kế toán yêu cầu thực hiện những công việc không đúng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, hoặc không đúng với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán, tài chính...
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Sáu là, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán và thu hồi Giấy chứng nhận.
Theo quy định, DN kinh doanh dịch vụ kế toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán khi thuộc một trong các trường hợp sau: Không bảo đảm một, một số hoặc toàn bộ các điều kiện quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong 03 tháng liên tục; Có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật Kế toán sửa đổi 2015 cũng quy định, DN kinh doanh dịch vụ kế toán bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi thuộc một trong các trường hợp như: Kê khai không đúng thực tế hoặc gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; Không kinh doanh dịch vụ kế toán trong 12 tháng liên tục;
Không khắc phục được các sai phạm hoặc vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bị đình chỉ; Bị giải thể, phá sản hoặc tự chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán; Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương;
Làm sai lệch hoặc thông đồng, móc nối để làm sai lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính và cung cấp thông tin, số liệu báo cáo sai sự thật; Giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán sửa đổi 2015; trong đó, đề xuất quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán như:
Tỷ lệ vốn góp của thành viên là tổ chức của công ty TNHH hai thành viên trở lên; Tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề; Việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài... góp phần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho các DN trong và ngoài nước trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán phát triển mạnh trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Kế toán sửa đổi số 88/2015/QH13;
2. Bộ Tài chính, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán sửa đổi bổ sung 2015;
3. Trần Ngọc Lan, Kế toán, kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh gia nhập TPP, AEC, Tạp chí Tài chính số 4/2016.