Báo cáo bổ sung về ảnh hưởng tình hình biển Đông trước Quốc hội

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Các báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tới đây cần được bổ sung thêm những diễn biến mới liên quan đến tình hình biển Đông, những ảnh hưởng về kinh tế xã hội và những giải pháp ứng phó.

 Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 15/5. Nguồn: internet
Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 15/5. Nguồn: internet

Đây là một nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị tại phiên họp thứ 28 của UBTVQH, khai mạc sáng ngày 15/5.

Báo cáo Quốc hội về sở hữu chéo ngân hàng, kinh doanh vàng

Tại buổi họp, Ủy ban Kinh tế đã có đánh giá về Báo cáo bổ sung của Chính phủ về thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. Theo đó, năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm tăng trưởng từ năm 2010, vốn FDI tăng mạnh, lạm phát được kiểm soát,  lãi suất, ngoại hối và tỷ giá ổn định... Bên cạnh đó, còn những tồn tại như kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tái cơ cấu kinh tế chậm, tổng cầu chưa phục hồi... Sang những tháng đầu năm 2014, nền kinh tế đã có đà phục hồi khá rõ nét, tăng trưởng quý I cao, thu ngân sách đạt khá...

Nhiều ý kiến đánh giá cao việc Chính phủ có nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, điều chỉnh quản lý đầu tư công thành công. Tuy nhiên nhiều đại biểu cũng lo ngại về sự giảm sút của lĩnh vực nông nghiệp, sự khó khăn của khu vực doanh nghiệp (DN). Cũng có ý kiến lo ngại về việc phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng chủ yếu qua ngân hàng thương mại (chiếm 86%), sẽ ảnh hưởng đến vốn đầu tư vào sản xuất, tác động tiêu cực đến lãi suất cũng như tiềm ẩn nguy cơ lạm phát...

Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 về nội dung kiểm tra sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và kinh doanh vàng.

4 tháng đầu năm: Thu chi ngân sách khả quan

Cũng  tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo về đánh giá bổ sung thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 và tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2014.

Theo đó tổng thu NSNN thực hiện đạt 822 nghìn tỷ đồng, vượt 6 nghìn tỷ đồng (0,7%) so với dự toán, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội. Riêng thu cân đối ngân sách giảm 7,77 nghìn tỷ đồng (1%) so với dự toán, tăng 55,86 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, kết quả thu nội địa đạt cao hơn so với báo cáo Quốc hội chủ yếu do tình hình kinh tế những tháng cuối năm có nhiều chuyển biến khả quan, góp phần đưa số thu đạt cao hơn. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đã thu vào NSNN cổ tức DNNN và phần lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; thu 75% tiền khí lãi nước chủ nhà được chia và tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí năm 2013...

Cùng với đó, cơ quan Thuế đã tích cực triển khai các biện pháp quản lý, đôn đốc thu và xử lý nợ đọng thuế. Tính chung cả năm 2013, cơ quan Thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra gần 64,7 nghìn DN, tăng 8,8% so với năm 2012, qua đó đã kiến nghị thu vào ngân sách 13,62 nghìn tỷ đồng và yêu cầu DN giảm khấu trừ, giảm lỗ 16,03 nghìn tỷ đồng.

Về kết quả chi NSNN, cùng với một loạt các giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, tổng chi NSNN năm 2013 đạt 1.012,25 nghìn tỷ đồng, tăng 34,25 nghìn tỷ đồng (+3,5%) so với dự toán, tăng 25,95 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.

Bội chi NSNN cả năm là 190,25 nghìn tỷ đồng (5,3% GDP thực hiện), bằng tỷ lệ bội chi Quốc hội cho phép điều chỉnh.
 
Tình hình thu chi ngân sách 4 tháng đầu năm cũng đạt kết quả khá khả quan. Tổng thu NSNN 4 tháng bằng 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng chi NSNN 4 tháng bằng 32,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt khá hơn cùng kỳ năm 2013. Bội chi NSNN 4 tháng ước 42,49 nghìn tỷ đồng, bằng 19% dự toán năm.

Bổ sung kịch bản cho những diễn biến mới

Tại phiên họp, bên cạnh các ý kiến góp ý về các báo cáo, các thành viên của UBTVQH cũng nêu ra một diễn biến mới ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 là sự việc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông cùng với tình hình mới phát sinh trong nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, đây là vấn đề thời sự, tuy nhiên đã có nhiều diễn biến rất mới mà báo cáo của Chính phủ chưa kịp cập nhật. Cần có những biện pháp mạnh mẽ để tránh ảnh hưởng đến kinh tế trong nước cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, tình hình đang diễn biến phức tạp, mau lẹ nên báo cáo Chính phủ cần bổ sung các tình huống đối ứng với diễn biến mới. Đặc biệt là ảnh hưởng đến thị trường nông nghiệp, thu chi ngân sách. Cần có kịch bản cho các tình huống có thể xảy ra nếu thu chi giảm, đầu tư giảm.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định đây là diễn biến rất mới khác với dự báo đầu năm. Do vậy, cần phải xem xét lại để bổ sung kịp thời vào các báo cáo trình ra Quốc hội vào tuần tới, đặc biệt là đánh giá về ảnh hưởng đến tình hình những tháng cuối năm.